Bộ phim là câu chuyện về bà Loan – nhân vật chính trong cuốn sách “Loan - Từ cuộc đời con chim Phượng hoàng”, cũng là mẹ của tác giả Isabelle Muller người Pháp gốc Việt.
Bà Đậu Thị Cúc (Loan) - mẹ của tác giả Isabelle Muller
Đó là câu chuyện của người đàn bà bé nhỏ, cao chỉ một mét bốn mươi lăm, được sinh ra vào năm 1929, trên cánh đồng mùa gặt từ Hà Tĩnh đi Hải Phòng, được người mẹ thuộc dân tộc thiểu số Lào, cha cũng thuộc tộc người thiểu số đặt tên là Đậu Thị Cúc. Còn rất bé, Cúc đã ý thức thân phận phụ nữ bị chà đạp, bị bạo hành bởi chính những người đàn ông trong gia đình. Cha và anh Cúc đã dùng mái tóc dài của cô cột vào chân giường, đánh đập tàn nhẫn mỗi khi cô bị cho là có lỗi.
Mới 12 tuổi, Cúc đã biết phản kháng nhìn mặt vị sứ giả nhà vua, và mỉm cười trong khi thần dân của ông đều phải quỳ lạy. Còn rất bé, Cúc đã biết kiếm tiền nuôi anh trai đi học, thèm khát được học chữ và tìm mọi cách tự học từ lũ trẻ. Cúc dám trốn nhà ra đi, nhằm thoát khỏi cuộc hôn nhân áp đặt, thực chất là bán cô, chỉ với mảnh ruộng và hai con lợn. Cũng ở độ tuổi này, Cúc đã nhận biết, mình bị chính người cô ruột bán vào nhà thổ vì thua bài bạc. Cô bèn tìm mọi cách vượt thoát, tự cứu cuộc đời mình.
Bà Loan lúc về Việt Nam thăm gia đình
Trên con đường đi tìm con đường sống, Cúc dần trải nghiệm cuộc đời luôn có những điều kỳ diệu. Bên cạnh cái ác, cái xấu, nỗi thống khổ tận cùng là những giá trị tốt đẹp song hành tồn tại. Cô đoạn tuyệt với cái tên “Cúc” bị cuộc đời vùi dập, tự gọi mình là "Loan", ngụ ý như loài chim Phượng hoàng kiêu hãnh bay lên từ tro tàn đổ nát.
Loan đã dám đương đầu, tự nguyện gánh khổ nạn thay cho người bạn gái “yếu đuối và còn trinh”, trả ơn Đại úy Lê Dương – người đã cứu cả hai thoát khỏi nhà tù. Loan kiêu hãnh trước tình yêu vô điều kiện với người lính Pháp nghèo và yếu đuối, bao dung cả lỗi lầm, cứu vớt anh khỏi những tình huống nguy hiểm. Dù bị xem là “mẹ Tây” đầy khinh miệt trong một xã hội định kiến, nhưng Loan đã yêu và dám bảo vệ tình yêu của mình.
Bà Loan cùng chồng người Pháp
Từ năm 6 tuổi Isabelle Muller đã được nghe những câu chuyện mẹ kể, đến năm 15 tuổi thì chị bắt đầu ghi chép các tư liệu về mẹ, và 30 năm sau, chị bắt tay vào viết quyển sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim Phượng hoàng.
Năm 1990, chị trở về Việt Nam lần đầu tiên với mẹ, và từ 2016 là các chuyến đi thường xuyên để giúp đỡ trẻ em vùng cao Việt Nam. Tái hiện lại cuộc đời của mẹ trên những trang sách, đối với Isabelle Muller, đó là cách để chia sẻ một "di sản gia đình" và cũng là cách đưa mẹ trở về gần hơn với quê hương Việt Nam.
Tác giả Isabelle thăm điểm trường Hà Giang (Ảnh: Trầm Hương - báo NLĐ)
Việc làm của chị đặc biệt ý nghĩa hơn khi thành lập Quỹ Loan (Loan Stiftung), trong đó toàn bộ tiền nhuận bút từ cuốn sách đều đưa hết vào quỹ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho học sinh miền núi cao Hà Giang và Cao Bằng.
Với thời lượng 3 tập, mỗi tập 20 phút, bộ phim tái hiện sinh động về cuộc đời bà Loan bằng chính lời kể của tác giả Isabelle Muller.
Đón xem bộ phim “Loan - Phượng hoàng kiêu hãnh” phát sóng lúc 8g từ thứ ba (26/11) trên kênh HTV9.
Thùy Trang