Lan tỏa thông điệp chống tin tức giả trong cộng đồng

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tin tức giả, tin tức thất thiệt ngày càng tác oai tác quái trong đời sống truyền thông, nhất là mạng xã hội. Cuộc chiến chống tin tức giả đã bắt đầu nhiều năm qua ở nhiều nước trên thế giới…

Làm thế nào để các sinh viên Việt hiện nay được trang bị những kỹ năng tốt để phòng chống tin giả, góp phần làm sạch môi trường truyền thông, đó là trăn trở của nhóm bạn trẻ khi dành tâm huyết thực hiện dự án Thông hiểu thông tin (Intensive News Literacy 2019) thu hút gần 50 bạn sinh viên ở các trường đại học khu vực TP. Hồ Chí Minh tham gia. Bạn Bùi Lê Anh Thư, trưởng dự án đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi…


Bạn Bùi Lê Anh Thư - trưởng dự án “Thông hiểu thông tin” (Intensive News Literacy 2019) đang chia sẻ với các học viên

Kỹ năng độc giả thông minh

Xuất phát từ đâu các bạn xây dựng dự án “Thông hiểu thông tin”?

Thời gian qua, tin giả, tin thất thiệt đã gây nên hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Trong bối cảnh đó, có thể thấy các bạn trẻ chính là những đối tượng phơi nhiễm với thông tin thất thiệt hằng ngày trên các trang báo, trang mạng hay mạng xã hội. Do nhiều người trong số họ không biết cách đọc tin hay thẩm định thông tin nên không chỉ là nạn nhân mà trong nhiều trường hợp, họ vô tình lại lan truyền những thông tin chưa chính xác này đến với vòng tròn bạn bè, gia đình và người thân. 

Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng nhận thấy có một nhu cầu nội tại của cá nhân về việc “làm sạch” bầu khí quyển thông tin xung quanh mình, và mong muốn giúp những bạn trẻ trở thành độc giả thông minh hơn, có được những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước các luồng thông tin độc hại. Quan trọng hơn nữa, ở Việt Nam, tin tức thất thiệt, tin đồn thực sự có sức tác động trực tiếp đến đời sống của người dân từ kinh tế, môi trường đến sức khỏe. 

Những vụ việc có thể kể đến như thông tin nước mắm nhiễm thạch tín, sản phụ tử vong do sinh con thuận tự nhiên, phong trào tẩy chay vắc xin hay các bài thuốc chữa bệnh ung thư được chia sẻ rộng rãi dù không có căn cứ khoa học, thậm chí phản khoa học. Điều đó cho thấy rằng vấn đề tin giả, tin thất thiệt không chỉ là câu chuyện của riêng báo giới và kỹ năng thẩm định thông tin, thông hiểu truyền thông không còn là kỹ năng hoặc nghiệp vụ của riêng người làm báo, mà dành cho công chúng nói chung, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó, tôi cùng các anh chị chuyên ngành báo chí dưới sự tư vấn của các thầy cô, những chuyên gia trong và ngoài nước bắt đầu thực hiện dự án này.


Khóa học “Thông hiểu Thông tin” đã thu hút rất nhiều bạn trẻ từ các trường đại học trong TP. Hồ Chí Minh cùng tham dự

Để đạt được mục tiêu của dự án, các bạn đã tổ chức nội dung chương trình thế nào?

Nội dung chương trình được đúc kết từ tài liệu, từ những nghiên cứu về vấn đề này ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ban tổ chức (BTC) cũng nhận được sự cố vấn từ các thầy cô giáo giảng viên của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn để thiết kế bài giảng. 

Bản thân tôi cũng được tham gia các khóa huấn luyện về Thông hiểu thông tin trong khu vực châu Á, do Tiến sĩ Masato Kajimoto từ Đại học Hồng Kông hướng dẫn. Từ nền tảng chuyên môn của bản thân và nhờ vào sự cố vấn của các chuyên gia, các giảng viên, các anh chị nhà báo, BTC thiết kế ra được khung chương trình bao gồm các học phần giúp các bạn học viên hiểu về giá trị thông tin, các học thuyết truyền thông cơ bản như truyền thông dựa trên nỗi sợ hãi, các thiên kiến cùng các kỹ năng thẩm định thông tin, nguồn tin, hình ảnh. Song song đó, các bạn được tham gia các phiên trao đổi cùng các khách mời đặc biệt để hiểu hơn về câu chuyện chống tin giả ở các quốc gia khác hay sự tác động của tin giả đến các lĩnh vực như kinh tế, môi trường, y tế và pháp lý. 

Lan tỏa thông điệp, lan tỏa kỹ năng

Vì quy mô lớp học của dự án chỉ khoảng 50 bạn trẻ từ các trường đại học trong khu vực TP. Hồ Chí Minh nên để thông điệp và những kiến thức, kỹ năng được lan truyền, chúng tôi đặt ra cơ chế mỗi học viên trong lớp sẽ là một “đại sứ”. Vì cơ chế lan truyền những tin thất thiệt, tin giả đến từ những bạn bè, người thân nên chúng tôi muốn dùng chính hình thức này để lan truyền thông điệp. 

Cụ thể, mỗi học viên sau mỗi buổi học sẽ viết trên trang Facebook cá nhân bài viết chia sẻ kiến thức của buổi học đó cho những người trong mạng lưới của mình. Bài viết sẽ được các trợ giảng có kiến thức về chuyên môn xem xét để đảm bảo thông tin đúng và chuẩn xác, còn hình thức thể hiện sẽ tùy vào sự sáng tạo, khả năng của mỗi học viên. Tổng cộng trong suốt 12 tuần, khóa học có khoảng 600 bài viết về các chủ đề liên quan đến kỹ năng thẩm định thông tin, đi kèm với hashtag của chương trình là #MediaLiteracyACHCMC. 


Hoạt động thảo luận dân chủ luôn được duy trì trong các buổi học về “Thông hiểu thông tin”

Về kỹ năng, dự án cung cấp cho các bạn học viên kiến thức gồm 4 học phần chính và 5 buổi thảo luận ngoài lề để thực hành. Học phần chính bao gồm việc thông hiểu giá trị tin tức, các lý thuyết truyền thông, những công cụ thực hành thẩm định như dựa vào chân trang, vào kỹ thuật viết tin, vào những phần mềm hay ứng dụng phát hiện ảnh chỉnh sửa.

Tiếp đó, các bạn được cọ xát va chạm với việc thử làm phóng viên, đóng vai phỏng vấn trên tình huống giả định và cuối cùng là thực hiện một video và bài thuyết trình về tác động của tin tức thất thiệt trên lĩnh vực mà các bạn quan tâm. Các bạn được Ban tổ chức hỗ trợ kết nối với các nhà báo, chuyên gia để được tham vấn về chủ đề mình chọn, được hướng dẫn quay và dựng video để có sản phẩm truyền thông cho riêng mình. Vì thế, sau khi kết thúc khóa học, các bạn không chỉ hiểu được bức tranh tổng quát về báo chí truyền thông, nắm được những kỹ năng cơ bản về thẩm định, kiểm chứng thông tin, nguồn tin mà còn biết được cách phỏng vấn, thực hành quay dựng video.

Trong tương lai, bản thân tôi và những anh chị, thầy cô khác đã hỗ trợ dự án trong suốt gần 3 năm qua mong sẽ đem dự án này đến với những nơi khác, đặc biệt là những khu vực ít được tiếp cận những chương trình ý nghĩa như thế này. Ban tổ chức chính của dự án dự tính rằng, sẽ mở rộng quy mô dự án, đem nó đến với vùng miền Tây với hình thức phù hợp với từng khu vực, nhưng vẫn giữ được tinh thần và nội dung cốt lõi của khóa học.

Phú Trang