Làm thế nào để tạo ra “Khoảnh khắc cuộc đời” cho riêng mình?

Muốn tạo được khoảnh khắc cuộc đời cho bản thân và người mình quan tâm cần phải thấu hiểu tâm lý và xuất phát từ sự chân thành. Đó là trao đổi giữa TS. Trần Hữu Đức, chuyên gia tâm lý và TS. Lê Thẩm Dương trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”.


TS Lê Thẩm Dương – người kết nối chương trình

TS. Lê Thẩm Dương:Thỏa mãn tâm lý người đối diện có khó không?

TS. Trần Hữu Đức: Khó. Đó là một nghệ thuật dựa trên nền tảng khoa học về tâm lý. Nó phải được học và áp dụng một cách sáng tạo. Nhưng điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ cái tâm của người trong cuộc.

TS. Lê Thẩm Dương: Phụ nữ và đàn ông, ai tâm lý hơn?

TS. Trần Hữu Đức: Người ta thường ngộ nhận phụ nữ nhạy cảm hơn đàn ông, ví như “đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”. Nhưng những thống kê chỉ ra độ tương đồng về giới tính trong tâm lý rất khít với nhau. Có chăng là trong một vài nét cụ thể, như sự quan tâm của phụ nữ đối với người đối diện và cuộc sống xung quanh, nhu cầu được kề cận, tương tác và kết nối, thì phụ nữ cao hơn đàn ông, nhưng cũng chỉ vào khoảng 10-15%.

TS. Lê Thẩm Dương: Trong điều kiện vật chất và sức khỏe đầy đủ, những mâu thuẫn trong gia đình có gốc gác từ nhận thức hay do không đề cao vai trò của tâm lý?

TS. Trần Hữu Đức: Sự khác nhau giữa người này với người khác, một khi được phóng đại lên sẽ tạo thành cái tôi của mỗi người. Mỗi cái tôi có nhu cầu khác nhau xuất phát từ những hệ giá trị khác nhau. Khi nhu cầu đó không được thỏa mãn sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong bản thân và giữa người với người. 

Hệ giá trị của một người có thể tạm hiểu là những điều quan trọng, tính cách và thói quen tạo động lực và định hướng các quyết định của người đó. Khi sống đúng với hệ giá trị của mình, họ sẽ cảm thấy thoải mái. Ví dụ: Khi hệ giá trị của một phụ nữ là sự cảm thông và chia sẻ, thì một người chồng chỉ biết đem tiền về và không quan tâm đến bất cứ việc gì khác sẽ không khiến cô ấy cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.

Cùng một sự việc hay lời nói, khi diễn dịch qua góc nhìn chủ quan và tâm lý dựa trên hệ giá trị khác biệt sẽ tạo nên sự cảm nhận khác biệt về nhau. Điều đó làm cho hai người không thông cảm với nhau được nữa và nảy sinh những cảm xúc tiêu cực.

TS. Lê Thẩm Dương: Theo xác suất thống kê, giai đoạn hôn nhân có tỷ lệ ly hôn cao nhất là vào năm thứ 7-8. TS. Đức có thể lý giải như thế nào về tình trạng này?

TS. Trần Hữu Đức: Khi còn trẻ, tình yêu quyết định tất cả. Sau quá trình sống chung, khi đã đạt được một số thành tựu nhất định, người ta muốn sống thật với hệ giá trị của mình. Một người thích sống ích kỷ sẽ khó cảm thông với một người thích lo việc thiên hạ, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn. Theo tôi, sống thật không có nghĩa là tương đồng với nhau hoàn toàn. Sống thật là phải biết chấp nhận sự khác biệt, nếu có, trong hệ giá trị sống của nhau mới vượt qua được thử thách hôn nhân.


TS. Trần Hữu Đức – chuyên gia tâm lý

TS. Lê Thẩm Dương: Là một nhà tâm lý, TS. Trần Hữu Đức có lời khuyên nào cho khán giả. Làm thế nào tạo ra khoảnh khắc cuộc đời cho chính mình?

TS. Trần Hữu Đức: Mỗi người luôn có khoảnh khắc cuộc đời. Có những khoảnh khắc tạo nên bản lĩnh, danh giá con người, cũng có những khoảnh khắc mang đến nỗi buồn, tự ti, hoài nghi, oán hận. Chúng ta không nên chỉ đợi cuộc đời đem đến cho ta những khoảnh khắc, mà ta được quyền chủ động tạo nên khoảnh khắc cho ta. 

Bí quyết tạo ra khoảnh khắc ý nghĩa là đừng tạo một cách dễ dàng. Nó thường gắn với nỗ lực bản thân hoặc một bước ngoặc nào đó. Ví dụ: bạn có thể tự thưởng cho mình chiếc điện thoại mới sau khi hoàn thành lịch trình đi bộ mỗi sáng trong một tháng. Dù tiếp nhận khoảnh khắc cuộc đời một cách có ý thức hay vô tình, ai cũng cần quản trị nó. Có những khoảnh khắc không nên tạo ra bằng sự tức giận, bạo lực với người thân.

Cuộc sống luôn có sự tương tác, chúng ta cũng có thể tạo khoảnh khắc cho người đối diện, bằng cách tuân thủ các nguyên tắc: đó là trải nghiệm lần đầu tiên trong đời; phải quên bản thân và luôn nhớ tạo khoảnh khắc cho họ chứ không phải cho ta; và trên hết phải làm điều đóxuất phát từ sự thấu hiểu tâm lý người đối diện và sự chân thành. Như thế, chúng ta có thể đem đến cho họ sự yêu thích, hạnh phúc và bất ngờ.

Đứng trước hôn nhân, nếu mỗi bản thân chúng ta hạnh phúc thì cuộc hôn nhân mới trở thành tương lai tốt đẹp. Bởi vì mỗi người hạnh phúc sẽ biết cách làm cho người khác hạnh phúc và đem lại cho cuộc sống chung nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi