Kỹ xảo hình ảnh và những bộ phim ấn tượng của HTV

Dù phim truyền hình Việt nói chung hiện nay còn khá khiêm tốn trong địa hạt mang tên “kỹ xảo”, nhưng không phải vì thế mà khán giả không có cơ hội được thưởng thức những phân đoạn kỹ xảo ấn tượng.

“Một chuyến phiêu lưu” - 2004

“Một chuyến phiêu lưu” (đạo diễn Lê Bảo Trung) là phim lẻ do TFS sản xuất. Không chỉ là một trong những bộ phim thiếu nhi hiếm hoi của phim truyền hình Việt Nam, “Một chuyến phiêu lưu” còn là bộ phim đầu tiên TFS áp dụng công nghệ truyền hình quay nhiều máy cùng lúc (ba camera) và thu tiếng trực tiếp tại hiện trường. Phim xoay quanh một cậu học trò, vì quá chán chường với việc học hành và thích được chăm sóc như em nhỏ của mình, nên đã khẩn cầu một phép màu, biến mình trở thành em bé. Sản xuất năm 2004, phim có sử dụng kỹ xảo trong một vài cảnh thực hiện phép màu trong phim. 


“Lục lạc huyền bí” - 2011

48 tập phim "Lục lạc huyền bí" (đạo diễn Mỹ Khanh) - phim giả tưởng dành cho thanh thiếu niên - kể câu chuyện của hai thế giới: thần tiên và loài người. Mỗi tập phim xoay quanh một vấn đề tuổi học trò thường gặp: áp lực học hành, mối quan hệ giữa bạn bè trường lớp, sự cô đơn trong gia đình; các tệ nạn trong trường học như hút thuốc lá; bạo lực học đường; cách luyện tâm hồn, ý chí... Tất cả được dẫn dắt xuyên suốt bởi sự xuất hiện của Thiên Thần Xui Xẻo - bay xuống trần gian để tìm lại lục lạc đã mất - và các bạn học sinh lớp 11K. Được biết, ê-kip thực hiện "Lục lạc huyền bí" mất ba năm trời (từ 2008-2011) để chăm chút cho phim, nhất là 2.500 phân đoạn dùng kỹ xảo - vẽ 3D (graphic) trong phim. 


Cây nước mắt - 2014

"Cây nước mắt" lấy bối cảnh những năm 1943 - 1949, thời Pháp thuộc chiếm đóng đồn điền cao su miền Nam, xoay quanh câu chuyện tình yêu nhiều trắc trở giữa ông chủ đồn điền Paul và một cô gái trưởng thành trong lán trại nghèo của người phu cao su. Khởi quay từ năm 2014, ê-kip thực hiện phim đã có những chuẩn bị khá công phu về phục trang, bối cảnh quay... Đặc biệt, ê-kip thực hiện "Cây nước mắt" đã dành gần 1 tháng cho cảnh quay cháy rừng - một phân đoạn có sử dụng kỹ xảo. Đạo diễn Xuân Hiệp chia sẻ: Cảnh quay kĩ xảo sẽ đạt hiệu quả khi khán giả tin vào mọi thứ đang diễn ra trong khung hình. Để làm được điều đó cần rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau, trong đó phải có sự đan xen của thật - giả. Đơn cử như cảnh cháy rừng trong phim, dù sử dụng kĩ xảo, nhưng thực sự tại phim trường, ê-kip phim vẫn đốt lửa và các cây cao su (đã chết) vẫn thực sự bị đốt cháy. 


“Kẻ sát nhân cô độc” - 2020

“Kẻ sát nhân cô độc” là bộ phim hình sự tâm lý tội phạm đặc sắc. Phim nhận được sự tán thưởng của không chỉ người xem mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao, giành được giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40. Bộ phim là hành trình phá án của đội K13 theo chân kẻ giết người hàng loạt qua chuỗi vụ án mạng li kỳ, kịch tính và đầy bất ngờ. Không chỉ có kịch bản vô cùng mới lạ, chặt chẽ, “Kẻ sát nhân cô độc” còn làm say lòng người xem bởi những thước phim đẹp mắt nhờ hình ảnh và các cảnh quay đều rất chỉn chu, diễn viên diễn xuất tốt. Kỹ xảo cũng được sử dụng trong vài phân đoạn để gia tăng cảm xúc cho khán giả khi xem phim. Đạo diễn Trần Đức Long chia sẻ: Trong phim, tôi chủ yếu sử dụng kỹ xảo trong các cảnh lớn, như cảnh phóng từ lầu cao xuống, hay các phân đoạn ảo giác, nhân vật bị ảnh hưởng của thuốc và kiểm soát tâm lý... nhằm giúp người xem dễ hình dung hơn. 

Ra biển lớn - 2020

"Ra biển lớn” (giải Vàng Phim tài liệu LHTHTQ lần thứ 40) tái hiện những cột mốc quan trọng, những dấu ấn mang tính lịch sử về kinh tế và văn hoá suốt diễn trình tạo lập thành phố Sài Gòn xưa đến TP.HCM ngày nay, gắn liền với những nỗ lực của con người trên mảnh đất này. Bộ phim được đầu tư rất nhiều vào những thước phim sống động và mãn nhãn, cũng như cố gắng phục dựng nhiều khung cảnh đặc sắc nay đã trở thành quá khứ. Nhờ hoà quyện góc nhìn trẻ và độc đáo, điểm mới trong nghệ thuật chế tác phim tài liệu, các thủ pháp trong xây dựng hình ảnh với kỹ xảo, tái hiện, phục dựng… “Ra biển lớn” đã mang đến cho khán giả những thông điệp cảm xúc gần gũi và giản dị về TP mình đang sống, một TP giàu di sản kế thừa nhưng cũng đầy nội lực để sẵn sàng cho những bước tiến mới ở tương lai. 

Xem thêm: Kỹ xảo và phim truyền hình trong thời đại 4.0
Thiên Bình