Với sự tiến bộ của y học, người nhiễm HIV không còn phải đối diện với án tử nếu tuân thủ điều trị đúng cách. Nhưng họ vẫn phải mang gánh nặng đến từ sự kỳ thị của cộng đồng.
Chị Ngô Thị Mộng Linh, tư vấn viên về HIV – AIDS, đã chia sẻ câu chuyện và quan điểm của mình cùng với tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”
TS Lê Thẩm Dương: Vì sao Mộng Linh chọn nghề này?
Mộng Linh: Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007, khi người bạn thân của em bị dương tính với HIV. Bạn ấy thật sự sợ hãi và xem như đã thấy cái chết trước mắt. Em đã đồng hành cùng bạn đến với những lớp học về HIV để vượt qua sự hoang mang, mơ hồ về căn bệnh. Chúng em tình nguyện tham gia các hoạt động truyền thông tuyên truyền phòng chống AIDS, gặp những đối tượng có nguy cơ cao để hướng dẫn họ sử dụng các biện pháp phòng ngừa đúng cách. Hiểu về căn bệnh, biết được nhiều hoàn cảnh có thể cứu chữa được nếu có kiến thức, em đã quyết định đi theo nghề tư vấn viên lĩnh vực HIV-AIDS.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương
TS Lê Thẩm Dương: Cứ nói đến HIV là người ta đồng nghĩa với sự xấu xa. Quan niệm ấy thật sai lầm?
Mộng Linh: Kỳ thị đã và vẫn đang là vấn đề lớn đối với người nhiễm HIV. Trước đây những pano, áp pích về HIV là nói về ma túy, mại dâm, những tệ nạn của xã hội, đã phần nào tạo nên định kiến, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Đây là một trở ngại rất lớn đối với người nhiễm HIV khi muốn hòa nhập cộng đồng.
Cần hiểu rõ, HIV không đáng sợ và dễ phòng. Chỉ có 4 con đường lây nhiễm, quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu không rõ nguồn gốc, từ mẹ sang con, con bú sữa mẹ có nguy cơ nhiễm bệnh. Không nằm trong những trường hợp này thì người bình thường không dễ dàng bị bệnh. Vì vậy cộng đồng cũng không cần phải kỳ thị người nhiễm HIV như hiện nay.
TS Lê Thẩm Dương: Rất cảm kích khi Mộng Linh tham gia vào mảng tư vấn có đóng góp rất lớn đối với xã hội. Khoảnh khắc nào khiến Linh cảm thấy ý nghĩa, và tiếp thêm quyết tâm động lực khi làm nghề?
Mộng Linh: Trong suốt 13 năm hỗ trợ dưới vai trò tư vấn viên, câu đầu tiên em nhận được từ người bệnh luôn là “Chị ơi, tôi muốn chết” và “tôi không biết vì sao tôi bị nhiễm”.... Họ suy sụp, hoang mang. Khi đó em cảm thấy mừng vì họ đã gọi, để em có thể đưa cho họ chiếc phao cứu sinh bên bờ vực thẳm. Em sẽ giúp cho tinh thần người bệnh vững vàng trở lại và hướng dẫn họ vào chương trình điều trị.
Một trường hợp tư vấn mà em khá hài lòng khi khách hàng của em có đủ kiến thức, nghị lực vượt qua khủng hoảng, chữa trị thành công và đấu tranh chống lại sự kỳ thị từ cộng đồng. Đại khái, công ty nơi bạn làm việc tổ chức xét nghiệm HIV trong chương trình khám bệnh tổng quát nhưng không cho người khám biết. (Hành động này là phạm luật vì quá trình xét nghiệm HIV chỉ thực hiện do tự nguyện, được bảo mật, được tư vấn trước, trong và sau khi xét nghiệm). Khi kết quả trả về thì thông tin đã lan truyền từ công ty cho đến nơi ở, khiến bạn bị mọi người xa lánh. Sau này, bạn đã chữa bệnh, khôi phục sức khỏe và đấu tranh để được đi làm lại như cũ. Vấn đề đặt ra là người chủ công ty không phải không hiểu luật, mà họ vẫn làm sai xuất phát từ tâm lý kỳ thị người nhiễm HIV.
Về phía người bị nhiễm, chính vì sợ sự kỳ thị từ cộng đồng, sợ bạn bè và cơ quan biết sẽ mất việc, nên đa phần họ sẽ không điều trị. Điều đó đồng nghĩa với cái chết. Mặc dù, theo nghiên cứu gần đây, người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị liên tục 5 năm, khi tải lượng virus dưới ngưỡng "ngưỡng không phát hiện" (200 bản sao/ml máu), thì họ giống như một người bình thường. “Căn bệnh thế kỷ” giờ đâychỉ được xem là căn bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể ngăn ngừa được nếu tuân thủ điều trị tốt.
Chị Mộng Linh tư vấn cho MC Phương Hiếu về những điều cần làm khi một người bị nhiễm HIV
TS Lê Thẩm Dương: Với vai trò là người tư vấn trong lĩnh vực HIV, Mộng Linh có lời nhắn nhủ gì với khán giả truyền hình?
Mộng Linh: Ai cũng có thể có nguy cơ nhiễm HIV. Nếu bị phơi nhiễm, bạn nên đến ngay bệnh viện Nhiệt đới hoặc Trung tâm y tế để uống thuốc dự phòng sau phơi nhiễm trong 72 giờ vàng. Gia đình có vợ hoặc chồng nhiễm HIV thì mình sẽ uống trước phơi nhiễm. Nếu đã có kết quả dương tính với HIV, thì hãy đến Trung tâm y tế quận, huyện điều trị. Điều trị HIV có nghĩa là bạn sẽ tiếp tục sống và sống khỏe đến cuối đời.
TS Lê Thẩm Dương: Người bệnh HIV thường bị mất bình tĩnh. Họ cần một chỗ dựa tinh thần, không chỉ từ người tư vấn mà còn từ người thân, bạn bè. Nếu đã chỉ là một căn bệnh mãn tính thì cộng đồng và xã hội không nên kỳ thị họ.
Đón xem “Khoảnh khắc cuộc đời”, phát sóng lúc 22g45 mỗi ngày trên HTV9.
Phạm Nhi