(HTV) - Sau 50 năm phát triển, ngành y tế TP.HCM đã chuyển mình mạnh mẽ: từ cơ sở điều trị thô sơ thời hậu chiến, đến hệ thống bệnh viện thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và chuyển đổi số trên mọi phương diện.
Nếu như năm 1975, người dân TP.HCM còn phải điều trị trong các bệnh viện mái lá, cáng cứu thương là những chiếc võng treo tạm bợ, thì nay các bệnh viện đã ứng dụng công nghệ cao, sử dụng A.I. trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe. Điển hình như tại Bệnh viện Thống Nhất, nơi vừa khai trương khu chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao vào cuối năm 2024 với hệ thống máy CT và MRI đạt chuẩn quốc tế.

Tư liệu về hoạt động điều trị và chăm sóc sức khỏe của ngành y tế TP.HCM những năm sau 1975
Từng sống qua thời y tế còn thiếu thốn, ông Võ Văn Thành (ngụ quận Tân Bình) không khỏi bất ngờ khi chỉ sau nửa tiếng đốt điện điều trị bệnh tim tại TP.HCM, ông đã khỏe lại như chưa từng mang bệnh. Căn bệnh ông mang trong người hơn chục năm qua, tưởng chừng nguy hiểm, nhưng nay đã được xử lý nhẹ nhàng nhờ thiết bị hiện đại.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Võ Công Nguyên - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Thống Nhất cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn một ngàn ca chụp CT, MRI, trong khi trước đây chỉ có vài ca mỗi ngày và chưa có hệ thống MRI. Ông nhận định, công nghệ A.I. không chỉ giúp giảm liều tia và thời gian chụp, mà còn hỗ trợ bác sĩ phân tích hình ảnh thông qua các phần mềm chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Võ Công Nguyên - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Thống Nhất
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhóm nghiên cứu đang phát triển mô hình học máy ứng dụng A.I. để chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng. Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải cấp cứu, song lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhờ phân tích dữ liệu từ hàng chục ngàn hồ sơ bệnh án, mô hình này đã giúp giảm tỷ lệ mổ ruột thừa âm tính xuống dưới 5%.

Giao diện mô hình A.I. chẩn đoán viêm ruột thừa biến chứng
Hiện nay, phần lớn bệnh viện tuyến thành phố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và cảnh báo nguy cơ bệnh. Việc khám chữa bệnh cũng được số hóa với các tiện ích như đặt lịch online, nhận diện khuôn mặt, chatbot tư vấn,...
Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh viện đã áp dụng chuyển đổi số trong hầu hết các lĩnh vực, từ quản lý hồ sơ đến thanh toán không dùng tiền mặt. Để bắt kịp tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo, đội ngũ y tế tại đây thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức mới liên quan đến A.I. và các công cụ hiện đại như ChatGPT nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

A.I. hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ y tế thông minh tại TP.HCM
Tại Viện Pasteur TP.HCM, việc giải mã bộ gen trước đây từng mất cả tuần, giờ chỉ cần khoảng 3 ngày nhờ công nghệ mới. Dữ liệu gen thu thập được hiện đang được tích hợp vào hệ thống A.I. nhằm theo dõi sự tiến hóa của virus, phát hiện sớm biến chủng và hỗ trợ cảnh báo dịch bệnh trong tương lai.
Ở lĩnh vực điều trị ung thư, trí tuệ nhân tạo đang giúp tối ưu hóa quy trình xạ trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ trị đầu cổ, tai mũi họng, hàm mặt, A.I. đã giúp nâng cao độ chính xác trong lập kế hoạch điều trị, rút ngắn thời gian thực hiện, đồng thời giảm đáng kể nguy cơ biến chứng, đặc biệt là những biến chứng muộn. Chỉ tính riêng trong thời gian gần đây, đã có 60 ca cấp cứu được áp dụng phương pháp này, tất cả đều ghi nhận chuyển biến tích cực.
Trải qua 50 năm phát triển, ngành y tế TP.HCM đã xây dựng được nền tảng vững chắc để chuyển mình từ chăm sóc y tế truyền thống sang y tế thông minh. Với nền tảng công nghệ hiện đại, nội lực nhân lực và tầm nhìn chiến lược, ngành y tế TP.HCM không chỉ hướng đến phục vụ người dân mà còn nỗ lực trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9