Hệ sinh thái rừng U Minh Hạ còn là môi trường sinh sôi phát triển của nhiều loại cá đồng, trong đó có cá sặc rằn nức tiếng miền Tây Nam bộ. Nhiều gia đình tại địa phương đã cải thiện kinh tế từ nghề làm khô này.
Công nhân đang phơi cá sặc rằn
Rừng U Minh Hạ, Cà Mau với hệ sinh thái ngập mặn là môi trường sinh sống thuận lợi của nhiều loại cá đồng. Nổi bật nhất có thể kể đến loài cá sặc rằn. Tát đìa, kéo lưới ăn không hết, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách xẻ ra ướp muối, phơi khô để ăn dần. Từ đó, khô cá sặc rằn (còn gọi là khô bổi) đã trở thành đặc sản của mảnh đất cuối cùng bản đồ Việt Nam này.
Cá sặc rằn - loài cá nức tiếng U Minh Hạ
Việt Nam đi là ghiền đã có mặt tại một khu làng nghề làm khô nổi tiếng tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau để tận mắt chứng kiến quy trình làm khô cá sặc rằn. Theo đó, cá sặc sau khi được sơ chế sẽ đem ướp muối trong một đêm. Sau đó cá được đem phơi một nắng rồi sấy và tiếp tục phơi thêm 2 nắng.
MC Vũ Long cùng anh Từ Thanh Hào, một người trẻ tiếp nối nghề truyền thống của gia đình
Nhiều gia đình tại địa phương đã cải thiện kinh tế từ nghề làm khô bổi này. Đặc biệt, có những người trẻ, sau khi hoàn thành việc học đại học ờ thành phố lớn đã trở về quê hương tiếp nối công việc của gia đình. Với kiến thức mới cùng trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, họ đã góp phần phát triển nghề nghiệp truyền thống gia đình, cũng như nền kinh tế của quê nhà U Minh.
Việt Nam đi là ghiền, 11g50 thứ Sáu hàng tuần trên HTV7.
Đan Quỳnh (Nguồn HTV)