Julie Fowlis – Nữ hoàng dân ca từng thiếu tự tin khi đứng trên sân khấu

Từng gây ấn tượng mạnh với giải thưởng Ca sĩ nhạc dân tộc năm 2008 của BBC Radio 2, cô gái của vùng đảo nhỏ Scotland Julie Fowlis đã chinh phục người hâm mộ bằng nhiều tài năng thiên bẩm.


Julie Fowlis chinh phục người hâm mộ bằng nhiều tài năng 

Từ ước mơ đến con đường danh vọng

Julie Fowlis sinh ra và lớn lên ở North Uist, một hòn đảo nhỏ vùng Outer Hebrides (Scotland) thuộc cộng đồng nói tiếng Gaelic. Từ nhỏ, Julie Fowlis đã làm quen với cây sáo, kèn túi, các điệu nhảy và ca khúc dân ca Gaelic. Bên cạnh sự nghiệp ca hát khá thành công đến nay, Julie Fowlis còn là thành viên của nhóm nhạc dân ca Dochas từng đoạt giải Nhóm nhạc mới xuất sắc nhất tại Giải thưởng âm nhạc truyền thống Scotland năm 2004.  

Julie Fowlis nhận ra giá trị của North Uist qua chính quãng thời gian phải rời xa mảnh đất quê hương này. Mẹ cô là người gốc North Uist nói tiếng Gaelic, còn cha không phải là người bản xứ nhưng có nhiều năm quản lý một khách sạn ở vùng này. Năm Julie Fowlis lên 13 tuổi, người cha rời North Uist đem theo cả gia đình, đến nhận công việc mới ở vùng Scottish Highlands. North Uist là một trong rất ít nơi ở Scotland mà người dân vẫn sử dụng tiếng Gaelic là ngôn ngữ phổ thông. Từ cuối những năm 1950, đầu 1960, tiếng Gaelic đã không còn được sử dụng thường xuyên trong trường phổ thông. 


Julie Fowlis luôn trân trọng giá trị của quê hương mình

Julie Fowlis thực ra không hề có ý định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, hát nhạc dân ca Gaelic. Ban đầu, Julie Fowlis học kèn oboe, nhưng ngay từ lúc ấy cô đã nhận thấy mình không hợp với loại nhạc cụ này. Julie Fowlis chia sẻ: “Tôi thấy mình không hợp với việc trình diễn cùng dàn nhạc. Tôi thường cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi”… Julie Fowlis bắt đầu chuyển sang quan tâm đến những điệu dân ca thân thiết trong suốt thời thơ ấu, và cô dành hẳn một năm chỉ để bổ túc tiếng Gaelic. 

Sau đó, cô làm việc bán thời gian cho Feis Ross, một tổ chức hỗ trợ việc phát triển nhạc dân gian Gaelic ở Scotland. Trong một lần nghiên cứu tại Thư viện Edinburgh, cô tình cờ tìm được một đoạn ca khúc của vùng North Uist với lời ca đầy cuốn hút. Cô quyết định trở lại hòn đảo quê hương để tìm người biết những đoạn còn lại. 

Julie Fowlis đến nhờ “bậc thầy” Hug Matheson, nổi tiếng về vốn ca khúc và các điển tích của vùng North Uist. Nhưng ông già Hug Matheson khi ấy đang bị bệnh phổi khá nặng, không thể bật ra gì hơn ngoài vài câu hát ngắn, đứt quãng. Và khi Julie Fowlis đã thu dọn xong thiết bị thu âm và chuẩn bị ra về với bao thất vọng, thì bỗng nhiên Hug Matheson cất lên trọn vẹn ca khúc mà cô đang kiếm tìm. Julie Fowlis nhớ lại: “Đó là lần duy nhất ông ấy hát cho tôi nghe trọn cả ca khúc”. Và tình yêu dân ca vùng North Uist đến với Julie Fowlis từ đó.


 Julie Fowlis – sứ giả của dòng dân ca Gaelic

Hành trình bền bỉ “đốt lửa nghề”

Julie Fowlis bắt đầu khẳng định tên tuổi trên sân khấu trình diễn sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi mang tên Pan-Celtic Sean-Nos hồi năm 2004 ở Tralee, Ireland. Cùng năm đó, cô cũng được đề cử Ca sĩ tiếng Gaelic xuất sắc nhất tại Giải thưởng âm nhạc truyền thống Scotland (Julie Fowlis đoạt giải ở các năm 2005 và 2007, là ca sĩ duy nhất cho tới năm 2008 đạt 2 lần giải thưởng danh giá này).

Năm 2005, Julie Fowlis phát hành album solo đầu tay Mar a Tha Mo Chridhe và ngay lập tức gây được sự chú ý. Các ca khúc và chất giọng thể hiện của Julie Fowlis được mô tả là “có sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả chẳng kém các ca khúc của Kate Bush hay Bjork”. 

2005 cũng có thể nói là năm bận rộn nhất trong sự nghiệp âm nhạc đến nay của Julie Fowlis, khi cùng với thành công trong sự nghiệp solo, cô còn hợp tác với Dochas cho ra album mới An Darna Umhail. Sự bình dị đời thường trong các ca khúc ở vùng North Uist mà Julie Fowlis thể hiện ngày càng hấp dẫn người yêu nhạc và mang lại thành công chưa từng có đối với một ca sĩ hát bằng ngôn ngữ Gaelic. 

Sự nghiệp ca sĩ của Julie Fowlis mới được ít năm, nhưng đó là những ngày tháng đầy ắp thành công. Julie Fowlis đã cùng Dochas đi lưu diễn khá nhiều nơi trên thế giới, đồng thời cũng gặt hái được nhiều thành quả cá nhân. Những đêm diễn với các ca khúc Gaelic lôi cuốn đông đảo khán giả dù rất nhiều người trong số họ không hiểu nghĩa của lời bài hát. 

Tháng 3/2007, Julie Fowlis phát hành album đơn ca thứ hai - Cuilidh (hợp tác sản xuất với chồng, Eamon Doorley). Cuilidh ngay lập tức trở thành album ăn khách nhất ở các bảng xếp hạng âm nhạc folk và world music, đem về cho Julie Fowlis Giải thưởng âm nhạc truyền thống Scotland ở hạng mục Album của năm.


Julie Fowlis trong ca khúc “Touch the sky”

Bên cạnh sự nghiệp ca hát và biểu diễn thành công của mình, “Nữ hoàng nhạc Gaelic” còn xuất hiện với tư cách khách mời trên một số chương trình truyền hình tiếng Gaelic, tham gia vào các vở nhạc kịch, như: The curve of the earth (2002), The evangelists (2002), When they lay bare (2003). Sau đó, Fowlis còn là một DJ trên sóng phát thanh BBC ở Scotland - chương trình âm nhạc truyền thống Travelling Folk và một chương trình về thể loại world music mang tên Global Gathering. Hồi năm 2007, BBC cũng đã có một chương trình riêng về Julie Fowlis và các chuyến lưu diễn của cô mang tên Bliadhna Julie (Năm của Julie).

Ấn tượng với “kho báu Cuilidh” và hơn thế nữa…

Trung tuần tháng 8/2008, Julie Fowlis đặc biệt gây ấn tượng với người hâm mộ bằng việc phát hành đĩa Cuilidh (Kho báu) tại Mỹ. Quả đúng Cuilidh là một kho báu âm nhạc - từ các giai điệu truyền khẩu sôi động cho đến những khúc ballad êm đềm, man mác, diễn tả cuộc sống và những tổn thất bởi thiên tai trên hòn đảo khắc nghiệt North Uist ở Outer Hebrides. 

Và để quảng bá cho CD này, Julie Fowlis đã có một chuyến lưu diễn ở Mỹ từ 21/9 đến 5/10 tới đây, đi qua nhiều thành phố nổi tiếng như: New York, Chicago, Philadelphia... Những tháng hè năm nay, Julie Fowlis tham gia khá nhiều liên hoan âm nhạc ở Anh, xuất hiện cùng các ca sĩ đồng lứa và tiền bối như: Pete Doherty, Shane MacGowan và Lou Reed trong chuyến lưu diễn Rogues Gallery, viết lại ca khúc Blackbird bằng tiếng Gaelic để đóng góp vào album tôn vinh nhóm The Beatles.

Sau Cuilidh, năm 2012 Julie Fowlis tiếp tục ghi dấu ấn với khán giả toàn cầu bằng ca khúc Touch the sky trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng Disney Brave – Nàng công chúa tóc xù. Cùng với ca khúc Lean me right, Touch the sky đã đoạt giải Ca khúc trong phim hay nhất do Hiệp hội phê bình phim Houston bình chọn. (Ca khúc này sẽ được giới thiệu trong chương trình Thế giới âm nhạc phát sóng lúc 6g ngày 1/6 trên HTV7).


Julie Fowlis lãng mạn trong ca khúc “Go your way” với cây đàn guitar

Đến nay, tuy đã ở tuổi ngoại tứ tuần nhưng Julie Fowlis vẫn làm tan chảy bao trái tim si mê âm nhạc bằng các ca khúc đồng quê và dân ca Gaelic, với các ca khúc: Go your way, Camariñas (hát bằng tiếng Scotland), Allt,…
Ban Mê