Có thể xem Hồ Huấn Nghiệp là người đầu tiên lãnh đạo bộ máy hành chính kháng chiến chống Pháp tại thành phố Sài Gòn, ngay khi thực dân Pháp vừa mới đặt chân lên đất Nam bộ.
Chợ Bình Tây những năm 1930
Người con chí hiếu
Khi thực dân pháp bắt đầu xâm chiếm Sài Gòn - Gia Định và thiết lập bộ máy cai trị của chúng, nghĩa quân yêu nước, tuy phải rút lui ra ngoài nhưng vẫn tổ chức một bộ máy hành chính bí mật trong vùng địch chiếm để duy trì cơ sở yêu nước trong dân, đồng thời xây dựng hệ thống tiếp tế cho nghĩa quân. Người đứng đầu bộ máy hành chính yêu nước là Hồ Huấn Nghiệp, một sĩ phu trẻ tuổi, bạn chiến đấu thân thiết của Trương Định.
Hồ Huấn Nghiệp sinh năm 1829 tại làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc địa phận TP. Hồ Chí Minh). Cha là Hồ Lợi, ông nội là Hồ Văn Thuận, làm quan đến chức Ký lục (như chức tuần phủ). Trong quyển Kỳ Xuyên văn sao, danh sĩ yêu nước Nguyễn Thông (1821-1884) viết về ông như sau:
“Huấn Nghiệp mũi cao, tay dài như tay vượn, tính thâm trầm cứng cỏi, có khí tiết khác người thường, khi cha là Hồ Lợi mất, ông làm nhà ở bên mộ, dạy học trò đọc sách. Bọn kẻ trộm thấy nhà ông ngăn cản đường qua lại của chúng nên đốt cháy. Huấn Nghiệp lại cùng học trò làm nhà khác, giảng dạy như thường. Bọn trộm thấy ông thành thực, tìm đi ngã khác. Năm 30 tuổi, vì có mẹ già ông không đi thi nữa”.
Hồ Huấn Nghiệp nổi tiếng vì giỏi thơ văn, có khí tiết, không màng danh lợi, nêu tấm gương hiếu thảo cao đẹp. Việc ông xây nhà ở bên mộ của cha cũng giống như việc Tử Cống xây nhà bên mộ của Khổng Tử để cư tang. Ông từ chối mọi công danh để ở nhà dạy học, nuôi mẹ già. Ông là bạn thân của nhiều danh sĩ thời bấy giờ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông.
Bến Bình Đông những năm đầu thế kỷ 20
Tri phủ quận Tân Bình
Năm 1859, quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Rigault de Genouilly đánh chiếm thành Gia Định. Năm 1861, quân Pháp do đô đốc Charner chỉ huy, tiến công đồn Kỳ Hòa. Cũng trong năm 1861, Pháp chiếm Mỹ Tho và Biên Hòa. Năm 1862, triều đình Huế buộc phải ký hòa ước năm Nhâm Tuất với Pháp, đồng ý cho Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường tức Mỹ Tho). Từ đó, Pháp bắt đầu củng cố bộ máy cai trị tại Sài Gòn.
Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương rút về Biên Hòa. Còn Trương Định thì rút về Tân Hòa (Gò Công), tiếp tục xây dựng căn cứ kháng Pháp. Tại Tân Hòa, Trương Định mời các nhân sĩ yêu nước đến để bàn định kế hoạch. Hồ Huấn Nghiệp có đến dự. Trên đường trở về Sài Gòn, có gặp người em của danh sĩ Nguyễn Thông là Nguyễn Hài. Hài hỏi:
- Trương Định xướng nghiệp, hào kiệt kéo đến đông như mây, không biết có thành công được không?
Huấn Nghiệp trả lời:
- Kẻ làm việc nghĩa, không kể đến thành bại.
Ít lâu sau, Trương Định cử ông làm Tri phủ quận Tân Bình (như chức Đô trưởng Sài Gòn). Huấn Nghiệp còn ngần ngại vì sợ mẹ già không người trông nom. Nhưng các thân hào, nghĩa sĩ trong vùng đều khẩn thiết yêu cầu để cho có người chủ trì việc dân, việc binh.
Vì thành phố Sài Gòn bị Pháp chiếm đóng nên mọi hoạt động đều phải bí mật. Hồ Huấn Nghiệp thiết lập chỗ làm việc và liên lạc trong nhà dân ở vùng Bà Hom. Từ đó, ông chủ trì mọi việc tiếp tế lương thực, điều động thêm binh lính cho Trương Định.
Ngày 7/4/1864, giặc Pháp dò tìm được chỗ ở của ông, bắt ông đem về giao tại trụ sở phủ Tân Bình cũ, nơi đặt dinh thống đốc Nam Kỳ đầu tiên (ở vị trí trường Taberd cũ, nay là trường Trung học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, trên đường Lý Tự Trọng). Bọn Pháp tra hỏi tên những người cầm đầu nghĩa binh, nhưng ông không trả lời. Chúng còn hỏi rằng Hòa ước Nhâm Tuất đã ký, sao còn sinh sự đánh nhau để hại dân. Ông khẳng khái cãi lại, vạch rõ đó chỉ là sự cướp nước.
Đầu đường Catinat (Đồng Khởi) nhìn từ bờ sông
Khí tiết của nhân sĩ yêu nước
Cuối cùng, không dụ được ông quy hàng, thực dân Pháp đưa ông ra chém đầu. Có viên cố đạo người Pháp thạo tiếng Việt là Legrand de la Liraye muốn thuyết phục ông, đem giá chữ thập ra khuyên ông lạy để được tha, nhưng ông vẫn giữ thái độ bất khuất, lấy giá chữ thập ném xuống đất.
Nơi đặt máy chém trước Tòa hòa giải những năm đầu 1990
Đến lúc sắp bị hành hình, Hồ Huấn Nghiệp rửa mặt, sửa khăn áo chỉnh tề ung dung, đọc 4 câu thơ rồi đưa đầu cho giặc chém. Ông hy sinh lúc 35 tuổi. Bốn câu thơ như sau:
Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi.
Thử thân sinh tử hà tu luận,
Duy luyến cao đường bạch phát thùy.
Nhà thơ Bảo Định Giang đã dịch ra như sau:
Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ,
Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ,
Thân này sống chết, không màng nhắc,
Thương mấy mẹ già tóc bạc phơ!
Cũng trong quyển Kỳ Xuyên văn sao, Nguyễn Thông nhận xét về cái chết của Hồ Huấn Nghiệp như sau:
“Phan Văn Đạt xướng nghĩa đầu tiên, thân chịu chết để giữ tròn điều nhân. Trương Định bị thua, thu thập tàn quân, chiếm cứ Tân Hòa, bỏ mình vì nghĩa. Ví thử khi Gia Định chưa mất, được cầm quyền binh, nhờ quốc uy và địa thế mưu lược xếp đặt há chỉ có thế mà thôi đâu. Còn Hồ Huấn Nghiệp ở nhà thờ mẹ, gặp thời loạn lạc không thể đạt được chí muốn của mình. Nhưng xem bài thơ ông làm khi lâm chung, lời nói mạnh mẽ, thật đáng là bậc trượng phu tiết nghĩa”.
Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, có con đường mang tên Hồ Huấn Nghiệp nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, Quận 1, bắt đầu từ Công trường Mê Linh (nơi có tượng đài Trần Hưng Đạo) đến đường Đồng Khởi.
Trần Vĩnh An