Hãy là người thụ hưởng âm nhạc văn minh và chuyên nghiệp

Người yêu âm nhạc không còn xa lạ với những phần mềm nghe nhạc trực tuyến, nhưng thụ hưởng âm nhạc văn minh và chuyên nghiệp thì không phải ai cũng làm được.

Chị Đỗ Thị Mỹ Hà – nhân viên Spotify

Người làm nên sức sống cho các phần mềm nghe nhạc trực tuyến

Từ khi tốt nghiệp đại học luật năm 2010 đến nay, chị đã trải qua nhiều nghề, nhưng nghề nào cũng liên quan đến lĩnh vực âm nhạc. Âm nhạc là niềm đam mê và cũng là tiền đề đưa chị Hà Đỗ đến với nghề biên tập viên âm nhạc của một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến đang rất được ưu chuộng. Một biên tập viên âm nhạc luôn được yêu cầu am hiểu về thị trường âm nhạc, nghe hiểu nhiều thể loại âm nhạc từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, nắm bắt được xu hướng âm nhạc và trào lưu của giới trẻ.

Qua thao tác trên màn hình thông minh, chúng ta tưởng như đang được tiếp xúc với một trí tuệ nhân tạo vô hình, nhưng thực tế, phía sau những trang ứng dụng nghe nhạc là đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp. Chính họ kết hợp với công nghệ mới đọc vị được cảm xúc, đem đến cho người nghe sự hài lòng và thỏa mãn niềm đam mê. 

Một trong những điều hấp dẫn của phần mềm nghe nhạc trực tuyến mà Hà Đỗ đang làm việc chính là khả năng “đọc vị” người dùng, thông qua những “gợi ý nghe” được đưa ra một cách tinh tế, dựa trên thông số về lượt truy cập vào lĩnh vực mà họ yêu thích. Sở thích nghe được cá nhân hóa theo thị hiếu và tâm trạng mỗi người bằng các playlist (danh sách phát nhạc) có chủ đề thích hợp. Ví dụ như playlist đi dã ngoại, ăn tối, đi ngủ... với khoảng 50 đến 100 bài hát cho mỗi loại. Tất cả nhờ vào khả năng xây dựng nội dung đầy sáng tạo của người biên tập viên âm nhạc.

Thụ hưởng âm nhạc văn minh, chuyên nghiệp

Công sức của những người xây dựng nội dung để xây dựng trang mạng là vô cùng lớn. Qua bàn tay của họ, nghệ sĩ và thính giả được kết nối với nhau. Họ đã làm nên sắc màu, phong cách của những ứng dụng nghe nhạc lâu đời tại Việt Nam như Zing MP3, Nhạc của tui, Chia sẻ nhạc, Keeng. Đó là những kho dữ liệu khổng lồ về âm nhạc trực tuyến phục vụ miễn phí, đáp ứng nhu cầu người nghe. Tuy nhiên, điều đó đã phần nào hình thành nên thói quen “nghe nhạc miễn phí”.

Đến tháng 3 năm 2018, Spotify, một nền tảng nghe nhạc quốc tế trực tuyến đã bước vào thị trường âm nhạc Việt Nam với cộng đồng khoảng 280 triệu người dùng, trong đó có 130 triệu người nghe trả phí, đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức thụ hưởng của các tín đồ âm nhạc.

Giao diện Spotify – một phần mềm nghe nhạc trực tuyến trả phí 

Phiên bản trả phí của nền tảng này là nơi cung cấp dịch vụ stream nhạc lớn nhất thế giới, đem lại doanh thu cao nhất cho thị trường âm nhạc hiện nay. Một tháng, với mức phí 59.000 đồng, người dùng có thể nghe được hơn 40 triệu bài hát trên toàn thế giới. Người nghệ sĩ có bài hát được stream cũng sẽ được trả một khoản tiền từ hành vi tiêu dùng đó. Một cách trực quan, loại hình nghe nhạc có thu phí này đã làm cho thị trường âm nhạc mở rộng, phát triển chuyên nghiệp hơn trên nền tảng tôn trọng quyền tác giả và giúp người nghệ sĩ có thể sống bằng sản phẩm trí tuệ của chính mình.

Ngày 26 tháng 7 năm 2004, Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO (tổ chức thương mại thế giới) là tổ chức mà gần như mọi thành viên đều tuân thủ các điều luật của Công ước trên. Năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã xác định thời hạn bảo hộ Quyền tác giả là suốt đời và 50 năm sau khi chết. Với hành lang pháp lý rõ ràng như vậy, pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ các quyền của chủ thể đối với sản phẩm trí tuệ do họ tạo ra. 

Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống thì không chỉ hệ thống luật pháp mà mỗi người trong xã hội cần phải ý thức và tôn trọng quyền tác giả bằng hành động cụ thể. Thông qua việc sử dụng sản phẩm âm nhạc có trả phí, người tiêu dùng sẽ trở thành người thụ hưởng văn minh, hiện đại, và đúng luật bằng cách giúp cho những người sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật có đời sống kinh tế ổn định nhất.

Đón xem “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng lúc 22g45 mỗi ngày trên kênh HTV9.

Phạm Nhi