Đồng hành cùng hành trình tìm kiếm của những người con gốc Việt, và qua lời kể của hai lính thợ Đông Dương hiếm hoi còn sống đến ngày hôm nay, là ông Lê Vạn Chung (97 tuổi) và ông Trần Văn Thân (100 tuổi), từng lát cắt về cuộc đời họ được hé lộ.
Hình ảnh lính thợ Đông Dương tại Pháp trong thế chiến thứ 2 (Ảnh: francetvinfo.fr)
Để chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ II, từ tháng 10/1939 đến tháng 6/1940, thực dân Pháp đã cưỡng bức 20 nghìn thanh niên Việt Nam sang Pháp, làm việc trong các nhà máy sản xuất bom đạn và các loại vũ khí khác. Và cho đến khoảng những năm 1950 khi chiến tranh đã hòan toàn kết thúc, chính quyền thực dân đã buộc nhiều người trong số lính thợ trở về Việt Nam. Cũng nhiều người trong số họ được ở lại do kiếm được các công việc làm khác, hoặc lấy vợ Pháp.
Tuy nhiên, những người lính này sống khép kín trong cộng đồng lính thợ của mình. Họ gần như không giao tiếp với bên ngoài. Họ sống mặc cảm, tự ti như thân phận những người tù vậy. Và họ im lặng, không muốn thổ lộ hay chia sẻ thân phận mình với con cái.
Những người lính thợ được chụp vào năm 1940 (Ảnh: francetvinfo.fr)
Chính vì vậy mà có một thế hệ con cái của những người lính thợ như anh Joel Phạm, Robert Chiffon, cô Dzu Lê Liễu, hay hàng nghìn người con lính thợ khác sinh ra trên đất Pháp, gần như không hay biết gì nhiều về những gì mà cha họ đã phải trải qua, kể cả về nguồn cội của mình.
Trong số họ có anh Joel Phạm, là con của lính thợ Phạm Kỳ, đã lặng lẽ lần tìm các tài liệu lưu trữ để hiểu rõ về thân phận của cha mình cùng hàng chục ngàn người lính thợ khác. Sau đó anh đã lập một website (http://www.travailleurs-indochinois.org) để đưa tất cả những thông tin về lính thợ Việt Nam mà anh đã tìm kiếm được. Thông qua đó đã có rất nhiều con, cháu của người lính thợ từ ở Việt Nam, Pháp, Mỹ, Canada... đã tìm được, hoặc ít nhất biết được hành trình và quá trình bị cưỡng bức lao động khổ sai trên đất Pháp của cha/ông của mình.
Những cuộc tuần hành thể hiện lòng yêu nước của những người lính thợ trên đất Pháp (Ảnh: francetvinfo.fr)
Không những thế anh Joel Phạm đã trực tiếp giúp nhiều người thân của lính thợ tìm được cha/ông mình khi thông tin quá ít. Với anh Joel Phạm, đây chính là động lực lớn nhất để anh lập website cũng như làm công việc tìm kiếm hơn 20 năm qua. Và khi giúp được ai đó tìm được nguồn cội hay người thân của mình là những người lính thợ, anh cũng cảm thấy mình rất hạnh phúc.
Thông qua bộ phim Lính thợ Đông Dương, chúng ta hi vọng sẽ có nhiều người lính thợ được về đoàn tụ cùng gia đình, con cháu, mặc dù hầu hết chỉ là trong tâm tưởng. Hơn hết, khán giả cũng sẽ được hiểu hơn một lát cắt, một giai đoạn lịch sử của đất nước ta từng có những thân phận con người như thế.
Đón xem bộ phim tài liệu "Lính thợ Đông Dương" phát sóng lúc 15g từ thứ hai (30/3) trên kênh HTV9.
Khánh Phương