Hàn Quốc rối loạn vì vụ đình công của bác sĩ: Nhu cầu hay gánh nặng?

HÀ THẢO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/2/2024, 08:00

(HTV) - Hàn Quốc đang rối loạn với vụ đình công trong ngành y tế khi trên 70% bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú nộp đơn nghỉ việc. Vụ việc xảy ra sau khi chính phủ công bố kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y từ năm 2025.

Kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh lập tức vấp phải sự phản đối của các bác sĩ. Nguồn ảnh: AFP

Hồi đầu tháng 2, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tăng thêm 2.000 suất vào chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường y, tăng cao so với mức 3.000 hiện nay. Mục đích là đáp ứng tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn, cũng như đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế tăng cao khi xã hội lão hóa nhanh chóng.

Chính phủ nhấn mạnh rằng nước này cần thêm bác sĩ. Dự báo đến năm 2035, Hàn Quốc sẽ thiếu khoảng 15.000 bác sĩ. Hiện tại, số lượng bác sĩ trên đầu dân ở Hàn Quốc đang thuộc hàng thấp nhất trong các nước phát triển. Theo số liệu năm 2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 1.000 người dân Hàn Quốc thì có 2,6 bác sĩ chăm sóc, trong khi tỷ lệ của OECD là 3,7 bác sĩ/1.000 người.

2,6 bác sĩ/1.000 người. Tỷ lệ của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trong số các nước phát triển

Bác sĩ và sinh viên y khoa đã phản đối kế hoạch của chính phủ, cho rằng nước này đã có đủ bác sĩ và việc tăng chỉ tiêu sinh viên y khoa là không cần thiết.

Từ ngày 20/02, các bác sĩ đã tuần hành ở thủ đô Seoul và nhiều tỉnh thành khác, giận dữ vì họ không được hỏi ý kiến về kế hoạch tăng chỉ tiêu của chính phủ. Họ cho rằng kế hoạch này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các bệnh viện và làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cũng đe dọa "đình công vô thời hạn" nếu chính phủ kiên quyết thực hiện kế hoạch trên.

Trên 70% bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú đình công. Gần 65% sinh viên y khoa nghỉ học

Tính đến ngày 25/02, hơn 9.200 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú tại 100 bệnh viện lớn ở Hàn Quốc đã đình công, tương đương trên 70% lực lượng bác sĩ trẻ nước này. Trong khi đó, gần 8.000 sinh viên y khoa tại 27 trường y đã xin nghỉ học tạm thời, tức khoảng gần 65% sinh viên y khoa trên toàn quốc.

Việc các bác sĩ đình công hàng loạt đã khiến các bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul phải huỷ từ 30 đến 50% số ca phẫu thuật và từ chối các bệnh nhân cần được chăm sóc cấp cứu. Các cơ sở y tế rơi vào cảnh quá tải dù đã tăng giờ làm và nhờ sự trợ giúp của các bệnh viện quân đội.

Người Hàn Quốc nhìn chung không đồng tình trước quyết định nghỉ việc của các bác sĩ.

Khảo sát của Viện nghiên cứu các vấn đề Hàn Quốc Gallup cho biết gần 75% người dân Hàn Quốc ủng hộ chính sách cải cách tuyển sinh trường y. Một số người còn chỉ trích việc các bác sĩ đòi nghỉ việc, cho rằng họ làm vậy vì lo ngại mức lương và địa vị xã hội của bác sĩ trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng.

Hàn Quốc rối loạn vì vụ đình công của bác sĩ: Nhu cầu hay gánh nặng?

Khi các bác sĩ thực tập rời bỏ vị trí của mình, các y tá phải gánh vác nhiệm vụ thường dành cho họ, chẳng hạn như ký giấy đồng ý và băng bó vết thương. Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép y tá làm thay một phần việc của các bác sĩ. Việc thí điểm này nhằm giảm áp lực về nhân sự ở các bệnh viện, nhưng đồng thời cũng khiến các y tá đối mặt lượng công việc nhiều hơn, và rủi ro về pháp lý. Hiệp hội Y tá Trẻ Hàn Quốc đã kêu gọi các bác sĩ thực tập ngừng đình công.

Y tá đang phải gánh vác một phần công việc, vốn là trách nhiệm của bác sĩ. Nguồn ảnh: Yonhap

Ngày 23/02, Hàn Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã nâng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng y tế lên mức "nghiêm trọng" - mức cao nhất trên thang gồm 4 cấp. Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo sẽ cho phép toàn bộ bệnh viện và phòng khám tại nước này triển khai các dịch vụ y tế từ xa, có hiệu lực từ ngày 23/02 cho đến khi cuộc đình công của các bác sĩ chấm dứt.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cho biết: chính phủ sẽ tăng giờ hoạt động của các cơ sở chăm sóc sức khoẻ lên mức tối đa vào các ngày trong tuần và mở rộng các dịch vụ tư vấn vào cuối tuần và các ngày nghỉ lễ. Nước này cũng sẽ mở thêm 4 đơn vị cấp khu vực để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu bị bệnh nặng.

Các bác sĩ thực tập Hàn Quốc phải làm việc rất vất vả. Nguồn ảnh: Yonhap

Đây không phải lần đầu kế hoạch tăng lượng sinh viên y khoa dẫn đến mâu thuẫn giữa bác sĩ và chính phủ Hàn Quốc. Đề xuất vào năm 2020 nhằm tăng hạn ngạch tuyển sinh lên 4.000 sinh viên trong 10 năm đã gây ra các cuộc phản đối tương tự, dẫn đến việc đề xuất bị hủy bỏ.

Các bác sĩ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh không giải quyết được vấn đề cốt lõi của tình trạng thiếu hụt nhân lực, thường gặp trong các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu và phẫu thuật, nơi lương thấp và điều kiện làm việc cực khổ.

Các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú cho biết họ bị trả lương thấp và phải làm việc quá sức. Việc các bệnh viện rối loạn khi họ đình công cho thấy hệ thống y tế của Hàn Quốc đang phụ thuộc nhiều vào bác sĩ trẻ.

Bác sĩ phải làm việc đến 100 giờ/tuần, tức 20 giờ/ngày

Ở các bệnh viện lớn tại Seoul, bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú chiếm ít nhất 40% lực lượng bác sĩ. Họ phải làm việc 80 - 100 giờ mỗi tuần, tức là tới 20 giờ/ngày. Các bác sĩ trẻ cho rằng chính phủ cần giải quyết vấn đề lương và điều kiện làm việc trước khi tăng số lượng bác sĩ.

Hệ thống y tế Hàn Quốc được tư nhân hóa cao và bác sĩ nước này có thu nhập trong nhóm cao hàng đầu thế giới. Một bác sĩ chuyên khoa tại Hàn Quốc có thể được trả lương gần 200.000 đôla Mỹ/năm. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc, thu nhập của các bác sĩ chênh lệch đáng kể tùy thuộc vào chuyên khoa của họ.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và bác sĩ da liễu tại các bệnh viện và phòng khám tư nhân có thu nhập cao nhất, trong khi bác sĩ đa khoa nhận lương thấp hơn mức trung bình. Bác sĩ nhi khoa được trả lương thấp nhất, chưa bằng một nửa so với mặt bằng chung.

Mức lương và điều kiện làm việc chênh lệch dẫn đến sự mất cân bằng giữa số lượng bác sĩ ở các chuyên khoa.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt hơn các đồng nghiệp. Nguồn ảnh: Washington Post

Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cho biết nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ ở các khoa “không được ưa chuộng” như khoa ngoại và khoa cấp cứu. Các bác sĩ thích các chuyên khoa như phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu, những ngành có lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn.

Trong năm 2022, khoa ngoại của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã tổ chức 11 đợt tuyển dụng mới tuyển được 47 bác sĩ phẫu thuật. Trước đó vào năm 2021, bệnh viện này ra chỉ tiêu tuyển 34 bác sĩ phẫu thuật, nhưng chỉ tìm được 24 người.

Khoa nội và khoa cấp cứu cũng cùng chung cảnh ngộ. Sau 9 đợt tuyển dụng, khoa nội tìm được 72 bác sĩ, trong khi mục tiêu là 82 người. Khoa cấp cứu dự định tuyển 24 bác sĩ, nhưng chỉ tìm được 10 người.

Ngược lại, khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã tuyển dụng đủ số lượng bác sĩ cần thiết vào năm 2022 chỉ trong một đợt, trong khi khoa da liễu và chỉnh hình thực hiện 2 đợt tuyển dụng để tuyển đủ chuyên gia y tế.

Cuộc khủng hoảng y tế hiện tại ở Hàn Quốc có thể kéo dài đến 1 năm. Nguồn ảnh: Yonhap

Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc và tuyên bố sẽ truy tố những người không tuân thủ, đồng thời cho biết họ sẵn sàng đối thoại và hoan nghênh các đề xuất cải thiện kế hoạch cho ngành y.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một chuyên gia trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc nói rằng mức độ bế tắc hiện tại cho thấy sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế có thể kéo dài trong một thời gian, thậm chí lên đến một năm.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo coi "kỷ cương-trách nhiệm" như một động lực tăng trưởng nội tại của bộ máy quản lý, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thủ tướng đồng ý chủ trương và yêu cầu phấn đấu hoàn thành nâng cấp tuyến đường nối này lên cao tốc vào cuối năm 2025.
(HTV) - Nội các Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ đóng cửa các cửa hàng miễn thuế ở khu vực nhập cảnh tại 08 sân bay quốc tế của nước này trong ít nhất một năm. Mục tiêu là nhằm khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng nội địa.
(HTV) - Vàng thế giới tiến sát mốc 2.400 USD/ounce, rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới về quanh ngưỡng 2,5 triệu đồng. Tăng 0,4% đủ để dầu Brent sánh bước với dầu WTI ghi nhận tuần tăng giá.
(HTV) - Lịch sử các lần tăng lương cho thấy giá cả đều "nối gót" tăng theo, bởi nhiều người lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến đại đa số người tiêu dùng.
Công an TP.HCM phát hiện, ngăn chặn một nhóm đối tượng có hoạt động mua gom vàng miếng SJC tại các điểm bán vàng miếng bình ổn để trục lợi.
(HTV) - Ông Masoud Pezeshkian, ứng cử viên theo đường lối cải cách, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vòng 2 diễn ra hôm 05/7. Thông tin do Bộ Nội vụ nước này công bố.