Giáo dục trực tuyến (dạy học online, e-learning) từ lâu đã không còn xa lạ với hệ thống giáo dục Việt Nam, nhưng tùy thuộc vào quan điểm, tác dụng, nhu cầu mà nó được sử dụng ở mức độ khác nhau.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng
Từ góc độ nhà quản lý
Nửa đầu năm 2020, trong điều kiện phương pháp giáo dục tập trung truyền thống không thể thực hiện được, đã đặt đội ngũ giáo viên vào thử thách quyết liệt, phải chuyển đổi để thích nghi với mô hình giáo dục trực tuyến. Theo tiến sĩ Vũ Thế Dũng – Giám đốc điều hành Thinking school, việc áp dụng giáo dục trực tuyến hiệu quả hay không chỉ quyết định bởi 20% là yếu tố công nghệ, còn lại là do con người.
Hầu hết lực lượng giảng viên hiện nay đều là giáo viên “truyền thống”, nên muốn triển khai giáo dục trực tuyến hiệu quả, cần phải có chương trình hỗ trợ để họ trải nghiệm sâu sắc với loại hình giáo dục này, trang bị kỹ năng số và có động lực dấn thân vào đổi mới. Ở tầm nhìn rộng hơn, đây cũng chính là quá trình đầu tư và hoàn thiện nguồn nhân lực cho ngành giáo dục.
Theo tiến sĩ Vũ Thế Dũng, hầu hết các trường ở Việt Nam đang áp dụng giáo dục trực tuyến ở mức độ hỗ trợ cho lớp học truyền thống, để chia sẻ tài nguyên học tập. Ở mức cao hơn, một số trường, trong một số môn học, giáo dục trực tuyến tuy đã trở thành một thành phần quan trọng trong cách thức tổ chức lớp học, có sự đầu tư của lãnh đạo nhà trường, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức là công cụ dạy và học.
Mô hình 5 cấp độ ứng dụng e – learning của TS Vũ Thế Dũng
Dù hiện trạng có như thế nào cũng không thể phủ nhận giáo dục trực tuyến là tương lai của ngành giáo dục. Trong môi trường đó, người dạy và học đều đạt được lợi ích. Người học tối ưu hóa lượng kiến thức dung nạp trong một phạm vi tối thiểu về thời gian và chi phí, vì họ có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với những kiến thức đã được chuẩn hóa.
Đối với giáo viên, giáo dục trực tuyến giúp họ giải phóng khỏi việc lặp lại những kiến thức cơ bản bằng các bài giảng điện tử, tập trung vào cải tiến, sáng tạo những nội dung mới cho môn học, tăng cường các hoạt động tương tác để thực hành, ứng dụng, và hoàn thiện kỹ năng. Việc quản lý quá trình học tập, đánh giá năng lực học viên được tự động hóa bằng các chương trình hệ thống, làm cho khả năng giám sát hỗ trợ học viên trên diện rộng cũng như chi tiết đến từng cá nhân đều được thực hiện một cách nhanh chóng.
Từ đầu tháng 4 năm 2020, khi có chủ trương triển khai dạy học qua internet từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban lãnh đạo và giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã tiến hành nhiều buổi tập huấn phương pháp xây dựng lớp học trực tuyến. Mặc dù tuổi tác và khả năng tiếp cận công nghệ đã được đề cập đến như là một trở ngại không nhỏ, nhưng hai tuần sau đó, hầu hết các thầy cô đều đã tổ chức thành công lớp học online đầu tiên của mình. Điều này cho thấy, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng thay đổi, xem giáo dục trực tuyến là một thách thức lẫn cơ hội để phát triển nghề nghiệp. “Họ cảm thấy các công cụ dạy trực tuyến hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý lớp học và đánh giá học sinh rất tốt”, tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học đại học - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết.
Các khách mời trong chương trình Giáo dục hướng nghiệp thảo luận về dạy và học trực tuyến
Góc nhìn của giáo viên
Giáo dục trực tuyến chỉ được thực hiện và phát huy hiệu quả khi hệ thống các hạ tầng cơ sở được chuẩn bị đầy đủ và vận hành đồng bộ. Đó là:
- Hạ tầng kết nối internet, bao gồm đường truyền, thiết bị đầu vào cho người dạy và thiết bị đầu cuối cho người học;
- Hạ tầng phần mềm, có các hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) giúp xây dựng các lớp học trực tuyến; hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) cho phép tạo, quản lý nội dung học tập; các công cụ làm bài giảng (authoring tools) một cách sinh động, dễ dùng, và đầy đủ multimedia;
- Hạ tầng thông tin, phần quan trọng của giáo dục trực tuyến, bao gồm hệ thống học liệu, bài giảng điện tử đã được chuẩn hóa và trình bày dưới nhiều hình thức sinh động như video bài giảng, trò chơi,... Đây cũng chính là nguồn dữ liệu, tài nguyên học tập mở và phong phú cho dạy và học online.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên trường THPT Nguyễn Du
Về kinh nghiệm dạy học online, Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên bộ môn Toán trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “Kết cấu cơ bản của một lớp học trực tuyến gồm 3 phần: bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến tương tác online với người học và phần kiểm tra năng lực củng cố kiến thức. Bài giảng điện tử phải được xây dựng sao cho hấp dẫn, từ nội dung, giao diện video cho đến giọng thuyết trình rõ ràng để thu hút người xem. Thời gian học trực tuyến không nên vượt quá 2 tiếng cho một môn học. Quá trình học cần tăng cường hoạt động tương tác bằng câu hỏi trắc nghiệm để kích thích khả năng tư duy, đồng thời tránh cho học sinh buồn ngủ trong không gian học một mình”.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân
Trên một phương diện khác, thầy Đỗ Đức Anh – giáo viên môn Văn trường THPT Bùi Thị Xuân nhấn mạnh, tuy làm quen với loại hình này đã lâu nhưng bản thân thầy nhận thấy dạy học online không thể thay thế hoàn toàn lớp học truyền thống. Ví dụ, học trực tuyến đòi hỏi tính tự giác, tự lập rất cao ở học sinh vì đó là môi trường học tập năng động, đề cao khả năng tự học là chính. Vì vậy, học trực tuyến không phải là giải pháp tốt nhất cho học sinh có tính cách thụ động. Hơn nữa, đối với những môn học thực nghiệm như vật lý, hóa học, cũng như các môn học cần có sự truyền cảm trực tiếp như môn văn thì giáo dục trực tuyến có nhiều điểm hạn chế.
Cảm nhận của học viên
Một học sinh trung học phổ thông cho biết, em rất thích học trực tuyến vì một số ưu điểm nổi bật mà môi trường này đem lại. Học sinh có thể chủ động quá trình tự học ở nhà bằng bài giảng điện tử được nhà trường gửi trước buổi học, nghe lại nhiều lần để tăng mức độ tiếp thu.
Trong giờ học trực tuyến, em có thể hỏi trực tiếp giáo viên mà không cảm thấy e ngại về tâm lý. Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng sôi động hơn so với lớp học truyền thống vì bài giảng chính đã được nghiên cứu trước, học sinh có nhiều thời gian thảo luận cũng như có nhiều thắc mắc trao đổi. Và cuối cùng, bài kiểm tra kiến thức và kỹ năng cũng dễ hơn, hướng đến khả năng nắm bắt kiến thức toàn diện hơn.
Khi được hỏi nếu phải chọn một trong hai loại hình học tập truyền thống và học tập trực tuyến, em vẫn chọn được đến trường. Vì ở đó còn có môi trường tương tác xã hội, nơi nuôi dưỡng tình cảm bạn bè, thầy trò mà em đã thiếu vắng rất lâu trong một kỳ nghỉ quá dài vì đại dịch. Em mong rằng, với những ưu điểm của mình, giáo dục trực tuyến sẽ trở thành hình thức học mới, song song và hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục truyền thống nhằm đạt được mục tiêu học sinh là trungtâm, được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại và chất lượng.
Nguồn tham khảo: Chương trình “Giáo dục trực tuyến” - Kết nối không giới hạn và “Dạy và học trực tuyến hiệu quả trong mùa dịch” - Giáo dục hướng nghiệp do Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình TPHCM sản xuất tháng 4/2020.
Phạm Nhi