(HTV) - Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % trong số này được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra; dẫn đến ô nhiễm, thảm họa môi trường.
Trước thực trạng này, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đã kết hợp với nhiều điểm trường tổ chức chuỗi chương trình "Văn hóa tái chế học đường" dành cho các em học sinh các cấp ở TP.HCM, tạo ra một môi trường học tập thân thiện, bền vững, trong đó lồng ghép các hoạt động truyền thông và triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý bền vững.
Ngày đến trường của các em nhỏ tại trường Mầm non Tân Phong (Quận 7, TP.HCM) trở nên ý nghĩa và sôi động hơn với các hoạt động vì môi trường như: Xếp hàng ngay ngắn chờ đổi rác, lấy quà, tham gia trò chơi phân loại rác hay tìm hiểu về tái chế chất thải,...
Những sản phẩm bắt mắt của các em nhỏ tại trường Mầm non Tân Phong đều là từ rác thải nhựa được tái chế.
Theo chị Lê Hoàng Phương Linh - phụ huynh học sinh: “Những hoạt động như thế này có ý nghĩa rất lớn với các bé. Bé nhà mình cũng háo hức tham gia, ở nhà cũng gom chất thải nhựa để đến đổi rác, dần dần học được cách phân loại rác. Mình cũng hy vọng những hoạt động như thế này ngày càng được tổ chức nhiều hơn ở trường học và cả ở các nơi mà các bé đang sinh sống.”
Về phía nhà trường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong (Quận 7, TP.HCM) Trần Minh Hà cho biết luôn thường xuyên lồng ghép việc giáo dục bảo vệ môi trường vào hoạt động giáo dục của nhà trường thông qua các hoạt động thực tế như tái chế rác thải nhựa thành đồ chơi. Đối với các cháu mầm non, nhận thức chưa được bằng người lớn, các cô giáo cần phải lòng ghép qua các bài thơ, vở kịch để các con dễ hiểu hơn, từ đó có thể nâng cao ý thức của mình.
Chương trình “Văn hóa tái chế học đường” rất được các điểm trường và các bậc phụ huynh ủng hộ
Chuỗi chương trình "văn hóa tái chế học đường" với đa dạng hoạt động, tạo điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức bổ ích về môi trường, lan tỏa Văn hóa tái chế cho thế hệ mầm non tương lai, tạo nền tảng để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Chương trình đã triển khai được 8 điểm trường thuộc Quận 7, Quận 8 với hơn 8.500 học sinh tham dự, 800 sản phẩm dự thi, thu về 1.500 kg rác, đồng thời ký kết thu gom, thu mua phế liệu lâu dài cho nhà trường.” Đây là những số liệu mà bà Lê Dung - Chánh Văn phòng Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đưa ra.
Chánh Văn phòng Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam Lê Dung cho biết chương trình đang được triển khai tại các điểm trường thuộc Quận 7 và Quận 8
Cải thiện môi trường là một quá trình lâu dài, đòi hỏi ý thức đến từ mỗi cá nhân. Việc hình thành thói quen ngay từ nhỏ sẽ góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tự giác, sẵn sàng hành động, để "Bảo vệ môi trường" không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9