Sau một năm đăng quang ngôi vị Quán quân, Kiều Ngân trở lại với cuộc thi “Én vàng học đường 2018” trong vai trò giám khảo. Trên hàng “ghế nóng”, Kiều Ngân đã có những góp ý chân thành, thẳng thắn về các tiết mục dự thi của các thí sinh.
Kiều Ngân đảm nhận vai trò giám khảo tại cuộc thi "Én vàng học đường 2018"
Xin chào Kiều Ngân! Chị có thể chia sẻ những cảm nghĩ khi được Ban tổ chức mời ngồi “ghế nóng” tại cuộc thi “Én vàng học đường 2018”?
Én vàng là một sân chơi chất lượng và là nơi Ngân có nhiều kỉ niệm đẹp. Lần này, Ngân quay trở lại sân khấu Én vàng, được ngồi vào hàng ghế quyền lực, Ngân rất hãnh diện và phấn khích.
Điều đầu tiên, Ngân sợ mình chưa đủ già dặn để là thầy của các em thí sinh nhỏ tuổi. Nhưng khi bắt đầu công việc, Ngân mới hiểu ý đồ của Ban tổ chức, mình ngồi đây không chỉ là người hướng dẫn, mà để trở thành “bạn” với các em.
Ở đây, yếu tố kỹ năng dẫn chương trình không phải là yếu tố duy nhất mà Ban giám khảo chấm điểm, mà chủ yếu, Én vàng học đường quan tâm khai thác quan điểm của các em thí sinh, tư duy phản biện, suy nghĩ của các em về giáo dục, gia đình và xã hội.
Cuộc thi năm nay, đối tượng dự thi là những học sinh, sinh viên. Nếu so với dàn thí sinh “khủng” của cuộc thi năm trước, Ngân có cảm thấy công việc giám khảo của mình sẽ tẻ nhạt bởi sự “non nghề” của các thí sinh?
Cái mà đơn vị sản xuất cũng như điều mà các giám khảo muốn hướng tới, đó là sự khác biệt - khác biệt trong chủ đề và đối tượng dự thi. Ngoại trừ việc “non nghề”, là điều mà Ban tổ chức đã dự trù trước, còn lại những giá trị mà các em đem đến sân chơi là sự thú vị của thế hệ trẻ, những mầm cây xanh sung sức, mới tinh, cấp tiến và cầu thị.
Sự non trẻ ấy, cần được uốn nắn sớm để các em phát triển thành cây cổ thụ, tạo được giá trị cho cuộc đời của chính các em trước khi khẳng định vị trí của mình ở đâu đó trên cuộc sống này.
So với dàn thí sinh “khủng” của bảng thi chuyên nghiệp, các em có cả lợi thế lẫn yếu thế! Kiều Ngân và các vị giám khảo trẻ còn lại được khởi nghiệp từ bảng thi chuyên nghiệp sẽ sát cánh cùng các em ở những chủ đề đầu tiên, góp ý sát sao hơn cho những khuyết điểm ở cả kỹ năng nói lẫn biên tập và tiếp cận chủ đề.
Đây chính là điểm mới của cuộc thi năm nay, sự giao thoa giữa các thế hệ thí sinh, và đằng sau sự hỗ trợ, còn là sự gắn kết, lắng nghe và tìm về giữa những người cách nhau thời gian và thế hệ. Ở Én vàng học đường 2018, chúng tôi chia sẻ với nhau “thời gian” và hệ tư duy khác biệt.
Hoa hậu toàn cầu tại Mỹ 2015 - Kiều Ngân thu hút mọi ánh nhìn
Các thí sinh đã trải qua những bài thi với nội dung phong phú, bám sát các vấn đề xã hội, cũng như giới trẻ quan tâm, như: Văn hóa thần tượng, tình yêu học đường, bạo lực học đường, giao thông học đường... Vậy theo Ngân, chủ đề nào gây khó cho thí sinh nhất?
Thí sinh năm nay, ai cũng làm cho các giám khảo bất ngờ, bởi các em không chỉ sở hữu thành tích học tập đáng nể mà còn là những nhà “xã hội học” và đại diện cho thế hệ các em vang tiếng nói trên các diễn đàn nước bạn. Các em không chỉ giỏi kiến thức lý thuyết mà còn quan tâm đến xã hội Việt Nam và thế giới. Bản thân Kiều Ngân thấy đó là một kỹ năng tuyệt vời mà mình và thế hệ mình chưa đủ bản lĩnh để làm tốt như các em.
Qua các tập đã ghi hình, các em tiếp cận chủ đề theo nhiều hướng và kết thúc bằng một thông điệp tươi sáng, văn minh và tích cực. Đó là điều các thí sinh học đường đã tạo ra được cho chính các khán giả ở lứa tuổi của mình, cái lứa tuổi mà những chủ đề giải trí, hài hước, hay ngôn tình dường như mới hợp-khẩu-vị và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Nói góc nhìn của mình, với các em, không phải là thử thách, cái khó thật sự nằm ở cách thể hiện lập trường ở các chủ đề xã hội như: Tiền, Từ thiện sao cho đúng, Văn hoá thần tượng, Tình cảm tuổi học trò... những chủ đề mà theo Ngân, không phải là để phản biện đúng hay sai, mà để cân, đong, đo, đếm ở mức độ nào là vừa đủ, thông điệp nào là phù hợp.
Thí sinh Tường Vi - Uyên Phương
Tuy là cuộc trò chuyện từ phía người trẻ, nhưng thuyết phục được những người trẻ khác và những người lớn, là bản lĩnh trong ngôn từ và thái độ của các em. Tuy nhiên, cái mà Ban tổ chức cũng như các thí sinh “cân não” nữa, đó là cách tiếp cận sao cho hợp thời. Chúng tôi vẫn khuyến khích các em, nhân văn thôi chưa đủ, phải nhân văn, tinh tế, dung dị, hợp thời và chạm theo cách TRẺ trung nhất.
Công việc dẫn chương trình không chỉ có nói, mà còn kết hợp rất nhiều yếu tố khác như sắc vóc, duyên dáng, kinh nghiệm... Vậy đâu là yếu tố thu hút khán giả khi theo dõi các phần thi của thí sinh?
Ngân tin là các Én bảng chuyên nghiệp (các giám khảo), có đầy đủ các yếu tố khác nhau để hỗ trợ, dìu dắt cho các em khi cần. Còn những phần thi này, hãy nghe và chỉ đơn giản là xem các em nói, và cảm cả một bầu nhiệt thành của lứa tuổi cấp 3, còn chập chững trước ngưỡng cuộc đời, còn phân vân giữa những lựa chọn, còn ngỡ ngàng không phân biệt được các hình thái của tình cảm.
Đó là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, chỉ xuất hiện một lần ngắn ngủi và tồn tại một mảng ký ức đặc biệt trong mỗi người chúng ta, mà lâu rồi, chúng đã bị chôn vùi. Mở lòng hơn với các em, chính là chúng ta đang mở phần ký ức của chính mình. Ngân đã không ít lần rơi nước mắt vì thấy mình trong đâu đó câu chuyện diễn ra trên sân khấu. Nếu ai đó đi ngang tuổi ẩm ương mà hoài niệm, hay tiếc nuối về nó thì xem phiên bản Én vàng học đường như xem thời thanh xuân đã qua của mình.
Tiêu chí chấm điểm của giám khảo Kiều Ngân thế nào? Cái nào được chị ưu ái, cũng như những lỗi nào chị sẵn sàng bỏ qua?
Ngân không quá để ý lý thuyết hay các định nghĩa mà các em trình bày trên sân khấu, những giáo điều các em trưng ra. Ngân xem phần trình bày như khán giả, mà khán giả chỉ cần mạch cảm xúc không bị sạn hay tụt là hay, thêm vào thông điệp sáng và cách dẫn sáng tạo, Ngân sẽ cho điểm cao.
Ngân vẫn ưu ái với những khuyết điểm dẫn dắt chương trình chưa mượt mà, chưa kinh nghiệm, lỗi sử dụng ngôn từ, động tác tay. Nhưng Ngân nhắc ngay những vấn đề liên quan tới thói quen, hoặc sai nghiêm trọng mà nếu không chỉnh sửa, dễ thành khó sửa. Ví dụ như phát âm chữ “g” của Anh Thức, cách lấy hơi của Đức, thái độ của Giang,...
Hoặc những lỗi sai đáng lẽ có thể tránh được, nếu các em xem những bạn thi trước, hoặc đơn giản chỉ cần xem sơ qua các chương trình cùng dạng để lấy bài học cho mình. Với Ngân, những lỗi đó do các em không nghiên cứu.
Ở chủ đề taklkshow về Người truyền cảm hứng là cái Ngân nhớ nhất. Talkshow vô cùng khó, và đã làm thì cần nghiên cứu cho kỹ để tránh những lỗi làm khán giả bị hư mạch cảm xúc, cũng như tụt câu trọng tâm của khách mời. Tuy tiết mục đó điểm rất cao, nhưng Ngân cũng nhắc ngay những điểm đáng chú ý để các em lấy làm bài học cho mình sau này.
Cuộc thi đang bước vào những vòng thử thách khó khăn hơn, Kiều Ngân có điều gì nhắn nhủ tới các thí sinh?
Bên cạnh các kỹ năng, Kiều Ngân muốn nhắn nhủ tới các em, cuộc thi tôn trọng cái “Tôi” và cá tính của mỗi thí sinh, muốn các em định hướng tư duy ngay từ bây giờ để sau này, không chỉ trở thành người dẫn chương trình, mà còn là những đại sứ văn hoá, đem tiếng nói và nhân cách sáng làm hình mẫu cho thế hệ trẻ.
Dẫu là nâng tiếng nói, nhưng không có nghĩa là mình đã lớn. Trong tự do ngôn luận, rất cần người tỉnh táo điều tiết thái độ tranh luận cho phù hợp người trẻ văn minh. Hãy để ý đến thái độ tranh luận các em nhé. Chính điều đó sẽ tạo nên nét đẹp nhân cách mà cuộc thi nào cũng rất cần!
Cám ơn giám khảo – Hoa hậu Kiều Ngân về những chia sẻ thú vị này!
Thanh Nga. Ảnh: NVCC