“Đường Hồ Chí Minh trên biển”: Chuyện kể từ hậu trường

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” tái hiện tinh thần chiến đấu bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc của những chiến sĩ trên “đoàn tàu không số” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Xung quanh việc thực hiện bộ phim này có nhiều chuyện hậu trường đáng kể.


 Một tàu chiến Hải quân tham gia quay phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển"

Khó khăn ngay ở khâu tiền kỳ   

Đường Hồ Chí Minh trên biển có bối cảnh những năm đầu 1970, tái hiện tinh thần chiến đấu bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc của những chiến sĩ trên “đoàn tàu không số” để tiếp viện vũ khí, khí tài cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước khi quay, đoàn phim có gần ba tháng để tìm bối cảnh, thiết kế trang phục, đạo cụ và đi thực tế gặp gỡ cựu chiến binh tàu không số còn sống ở TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân tìm hiểu chi tiết về tàu không số, chiến thuật đi trên biển, cách thích ứng với sinh hoạt trong mưa bão và tác chiến khi bị địch vây ráp.

Khó khăn nhất với đoàn phim là tái hiện bối cảnh, phục trang và đạo cụ. Dù ở thời điểm năm 2011 vẫn còn một số bến cập cảng của tàu không số xưa, nhưng nhà dân mọc san sát nên chỉ tận dụng chỗ nào gần giống, rồi dựng lại cầu cảng, lán trại... Tàu không số xưa cũng chỉ còn một vài chiếc. Con tàu Biển Đông QH 20 dùng để quay phim xuất xưởng năm 1972, khi đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở hơn 10 năm. 

Một số trang phục của lính chế độ cũ còn trong kho của Hãng phim Giải phóng nhưng kích cỡ không vừa với ngoại hình diễn viên và quá cũ mục, phải may mới rồi làm cho cũ lại. May mắn đoàn phim nhận được sự tư vấn chuyên môn, hỗ trợ về tàu chiến, trực thăng, súng, đạn và cả con người của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), Lữ đoàn 125, 962 và 371…

Vất vả khi quay đại cảnh

Tên phim là Ðường Hồ Chí Minh trên biển nhưng đoàn phim chủ trương không lạm dụng những cảnh quay tái hiện đường trên biển. Bởi điều kiện làm phim chưa cho phép và đây còn là câu chuyện xúc động trên tàu dưới bến của các thủy thủ và người ở hậu phương. 


Hiện trường quay đại cảnh ở khu căn cứ Minh Đạm

Các bối cảnh trên bờ được khai thác tại Bình Thuận (làng cát), Vùng 2 hải quân (kho đạn), căn cứ thành Tuy Hạ, bến phà Cát Lái (Đồng Nai)... Tuy vậy, vẫn phải có được một số đại cảnh tái hiện không khí khốc liệt của chiến tranh. Đó là những cảnh quay kết hợp giữa không quân, hải quân và bộ binh trong hai ngày cuối tháng 7/2011 ở Minh Đạm và Long Hải (Vũng Tàu). Bên quân đội hỗ trợ cho 2 chiếc trực thăng UH-1, 6 phi công và 10 kỹ thuật viên;  3 tàu chiến (HQ09, HQ11 và HQ15), 2 tàu PCF, một máy bay MI-8 và trên 250 diễn viên quần chúng (Sư đoàn 302). Hãng phim Giải phóng huy động 9 tổ quay, 18 đạo diễn và phó đạo diễn… để tránh phải quay lại nhiều lần. 

Ngày quay đầu tiên gồm cảnh địch đổ quân khẩn cấp xuống ruộng khoai mì ở bìa rừng, cảnh bao vây gọi hàng, giáp chiến với thủy thủ tàu không số diễn ra ở bãi trống thuộc khu di tích căn cứ Minh Ðạm. Các “diễn viên chính” là hai chiếc UH-1 đóng vai trực thăng của Mỹ, chiếc MI-8 (chở tổ quay phim), súng và hơn 30 xe: jeep, GMC, xe quân đội chuyên dụng, xe tải khói lửa, xe ánh sáng và xe cứu thương… đã hoàn thành ngay từ “đúp” quay đầu tiên. 


Quay phim từ trên trực thăng 

Nhưng ngày hôm sau quay cảnh tàu chiến của địch bao vây và tấn công tàu không số trên biển thì rất vất vả. Lúc đó đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão, nên gió to, mưa lớn và sóng biển đánh rất mạnh. Các tàu chiến phải neo xa bờ 20 km và mỗi tàu đậu cách nhau gần 2 km để đảm bảo an toàn, vì cập mạn nhau dễ bị chìm. Thế nên 5 giờ sáng đoàn phim phải mang phục trang, đạo cụ lên tàu nhỏ chạy ra tàu chiến, tập dượt, bố trí cảnh quay đến 15 giờ chiều mới xong. Mọi người đều bị say sóng, mệt lừ nhưng phải ráng hết sức, vì không có cơ hội quay lại lần thứ hai hay thứ ba.

Và những chuyện khác… 

Bộ phim có tổng cộng 120 nhân vật, gồm chính, thứ và phụ; chưa kể hơn 2.000 lượt diễn viên quần chúng. Diễn viên chính và thứ được casting kỹ, ngoài tiêu chuẩn ngoại hình phù hợp, khả năng diễn xuất tốt thì họ phải cam kết không được nhận phim khác để đảm bảo lịch quay. 


 Lâm Minh Thắng và Đinh Y Nhung trong một cảnh quay

Đóng phim chiến tranh cực khổ, diễn viên phải thức đêm, quay trên biển thì say sóng mà cát-sê không cao hơn so với phim xã hội hiện đại, nhưng ai nấy đều quyết tâm hoàn thành vai diễn. Lâm Minh Thắng (vai Ba Hoàng) đã bỏ lỡ cơ hội chứng kiến giây phút đứa con đầu lòng chào đời, vì không muốn bỏ qua một ngày quay ở làng Cát (Bình Thuận). Khi biết vợ Thắng vào viện chờ sinh, đạo diễn Đinh Thái Thụy đồng ý để anh nghỉ quay, bố trí người đóng đúp các phân đoạn quay xa, chừa lại các cảnh quay cận chờ Thắng, nhưng anh vẫn bắt xe đò vượt mấy trăm cây số ra quay. 

Bộ phim còn khắc họa đời thường, tình tư của những chiến sĩ trên con tàu không số, những chiến sĩ cách mạng tại những vùng bị địch chiếm đóng. Trong đó, tình cảm của Tư Nhâm (chiến sĩ hoạt động bí mật ở làng Cát) và Tòng (cán bộ tập kết tham gia đoàn tàu không số) hay Tư Lê và Thúy ở hậu phương (Hải Phòng) được xây dựng trên cơ sở chắt lọc từ những chuyện có thật. 


 Một cảnh lãng mạn trong phim

Đặc biệt, khi về Hải Phòng gặp gỡ cựu chiến binh tàu không số là chú Tâm, ê-kíp làm phim nghe kể nhiều chuyện rất cảm động về cuộc sống, tình yêu của thời chiến. Chú Tâm cưới vợ được ba ngày thì nhận nhiệm vụ đưa tàu không số vào miền Nam, bị tàu giặc vây ráp phải rút vào căn cứ ở Cà Mau, chờ 10 năm sau mới quay lại được miền Bắc. Người vợ ở hậu phương chờ chồng, tham gia công tác đoàn thể. Trong 10 năm ấy, có một lần tổ chức đã bố trí cho người vợ vượt qua nhiều hiểm nguy vào miền Nam gặp chồng… Sau này, họ sống bên nhau rất hạnh phúc với những kỷ niệm xưa luôn tươi rói trong tim. 

Mời quý vị đón xem bộ phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển" dài 40 tập, phát sóng lúc 9g từ thứ Hai đến thứ Sáu trên kênh HTV7.

Thủy Hương (Ảnh: ĐPCC)