Bên cạnh tài năng, có thể nói Đình Toàn rất may mắn khi tham gia vào lĩnh vực nào thì đều gặt hái được thành công. Anh nói: “May mắn chỉ đến khi chúng ta có cơ hội, và bây giờ tôi vẫn luôn ý thức về điều này để cố gắng từng ngày.
Đình Toàn là nghệ sĩ thành công ở nhiều lĩnh vực
TP.Hồ Chí Minh gắn với ký ức tuổi thơ
Những ngày mưa ở TP.Hồ Chí Minh khiến Đình Toàn nhớ lại rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Ngày đó, anh và các bạn nhỏ trong xóm thường hay vui đùa tắm mưa. Anh nhớ mình rất thích cảm giác mỗi khi trời mưa lớn, đứng dưới máng xối để nước sẽ chảy ào ào xuống người.
Ngoài ra, anh còn có thú vui leo lên mái nhà, ngồi trên đó ngắm nhìn cảnh nước mưa cảy từ các khe mái tôn rơi xuống đất. Mọi thứ trở nên rất đẹp và dâng trào cảm xúc khó diễn tả. Nhắc đến Sài Gòn ngày mưa, nghệ sĩ này vẫn còn nhớ đến cảnh lật đật chạy đi lấy mấy cái xô, cái chậu để hứng nước mưa dột tí tách.
Tuổi thơ của anh gắn liền với rất nhiều kỷ niệm ở TP.Hồ Chí Minh
Nghệ sĩ Đình Toàn sinh năm 1976, khi đó đất nước vừa mới thống nhất. Anh chia sẻ: “Mẹ thường bảo tôi là đứa thiệt thòi nhất vì sinh ra ở thời điểm khó khăn. Tôi còn nhớ mẹ mua rất nhiều khoai mì, sau khi gọt thì ngâm vào nước. Thời đó, mọi người vất vả lắm mới có gạo để ăn nhưng trong gạo lại có khá nhiều con mọt hoặc bông cỏ. Sáng Chủ Nhật, tôi thường được ba chở dạo phố Sài Gòn, sau đó đến Cửa hàng Bách hóa tổng hợp để mua một món đồ chơi”.
Cơ duyên đến với nghệ thuật
Đình Toàn sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng anh tình cờ đến với con đường này và gắn bó cho đến bây giờ. Ngày còn đi học, vì để lớp có thêm điểm thi đua, anh đã cùng các bạn đăng ký tham gia học kỹ năng tại nhà thiếu nhi.
Đình Toàn kể, bản thân được Huỳnh Anh Tuấn (trước là Giám đốc múa rối Nụ cười, giờ là Sân khấu kịch Idecaf) lựa chọn, còn các bạn khác thì không. Lúc đó, anh cũng không hiểu vì sao nhưng sau này mới biết là do mình giống một thành viên cũ của đội múa rối.
Thật ra, Đình Toàn tham gia nhà thiếu nhi chỉ với mục đích để lớp được cộng điểm. Sau khi tốt nghiệp đại học Du lịch, nam diễn viên này vẫn chưa xem việc đi diễn là công việc chính mặc dù mình đã nổi tiếng qua chương trình Chuyện ngày xưa.
Trong một lần dẫn đoàn khách du lịch đến Tây Ninh, Đình Toàn về nhà là gần sát giờ biểu diễn. Cảm thấy mệt mỏi với chuyện “chạy tới chạy lui”, anh quyết định chọn nghề diễn để theo đuổi. Thay vì học khoa Diễn viên, Đình Toàn bị quá tuổi nên đã chuyển sang khoa Đạo diễn sân khấu. Anh cho rằng, đây là cơ duyên may mắn vì khi học đạo diễn, bản thân sẽ làm được nhiều việc hơn.
Đình Toàn gắn bó với diễn từ chữ duyên với nghệ thuật
Đình Toàn là một trong những nghệ sĩ gắn liền với các chương trình thiếu nhi như Chuyện ngày xưa (HTV), Ngày xửa ngày xưa (Idecaf). Lúc đầu, sinh hoạt ở Trung tâm múa rối Nụ cười, anh chỉ đảm nhận các vai diễn quần chúng. Khi HTV sản xuất chương trình Chuyện ngày xưa đã mời NSƯT Thành Lộc tham gia.
“Khi nhận lời, anh Thành Lộc đã mời thêm tôi cùng anh Bạch Long, chị Hoàng Trinh, chị Thanh Thủy để tạo thành một ê-kíp làm chương trình Chuyện ngày xưa. Đây là một bất ngờ lớn với tôi, và ngay vở diễn đầu tiên phát sóng đã nhận được sự yêu thích từ khán giả. Cũng trong năm đó, sân khấu kịch Idecaf cho ra mắt chương trình Ngày xửa ngày xưa”.
Được đứng chung sân khấu với các “đàn anh đàn chị” tên tuổi, giàu kinh nghiệm, Đình Toàn áp lực lắm. Sau một thời gian học hỏi từ mọi người, anh dần dần bắt được nhịp diễn của họ và nỗ lực hoàn thiện bản thân.
Nhóm Líu Lo trong “Chuyện ngày xưa” được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích
Có rất nhiều vai diễn định hình và góp phần làm nên tên tuổi của Đình Toàn, đưa anh đến gần hơn với khán giả. Trong số “gia tài” vai diễn, có lẽ các bạn nhỏ sẽ nhớ đến nhân vật Alladin, cậu bé rừng xanh. Nhưng vở Cậu bé rừng xanh mang đến nhiều kỷ niệm cho nam nghệ sĩ.
“Tôi nhớ vở này được diễn ở rạp xiếc, còn diễn viên phải học đu dây, nhào lộn, cưỡi ngựa… Tham gia vở diễn, tôi được thử thách và học hỏi nhiều điều mới. Có rất nhiều bạn trẻ yêu thích và nghĩ rằng bước ra sân khấu là trở thành diễn viên, nhưng thực tế không phải. Với tôi, diễn viên là nghề vô cùng khó khăn, đòi hỏi bản thân phải nỗ lực rất nhiều, chứ không đơn giản là bước ra sân khấu có thể nói, cười hoặc khóc”.
Bên cạnh Chuyện ngày xưa, Ngày xửa ngày xưa, Đình Toàn còn được khán giả “nhí” yêu thích khi dẫn chương trình Ngày Chủ Nhật của em. Đây là lần đầu tiên anh đứng ở vị trí kết nối chương trình với người xem. Với lối dẫn dắt hài hước, dí dỏm, nghệ sĩ này tiếp tục xuất hiện ở các chương trình dành cho các bạn nhỏ và cả gameshow.
May mắn khi có cơ hội
Ngoài diễn kịch, Đình Toàn còn tham gia phim truyền hình như: Gia đình phép thuật, Đường hoang lạc bước, Chiếc vòng ngọc biếc… Anh nói bản thân không may mắn để có thể đảm nhận nhiều dạng vai trong các bộ phim truyền hình. Nhưng với phim điện ảnh, vai vua Lê Long Đỉnh trong Khát vọng Thăng Long, nam diễn viên đã dành được giải Cánh Diều Vàng.
Đình Toàn còn tham gia bộ phim truyền hình “Gia đình phép thuật”
“Tôi bất ngờ khi được chọn vào vai diễn này bởi lúc đó có rất nhiều diễn viên nổi tiếng đến casting. Tôi bắt đầu đọc lại lịch sử và xác định đây là ông vua đầy bản lĩnh và có tham vọng. Bằng tâm thế của một ông vua, tôi bước ra phim trường diễn xuất. Lúc đầu, tôi chỉ được đề cử giải Nam phụ xuất sắc, nhưng sau đó, hội đồng nghệ thuật quyết định “đẩy” lên thành giải Nam chính xuất sắc cùng với diễn viên đảm nhận vai Lý Công Uẩn. Và cuối cùng, tôi nhận được giải Cánh Diều Vàng. Một vài năm sau, tôi cùng ê-kíp mang bộ phim sang miền Nam nước Pháp để tham dự liên hoan phim, tôi tiếp tục nhận được giải Nam chính xuất sắc. Khi bộ phim chiếu tại liên hoan phim, khán giả đã vỗ tay nồng nhiệt. Tôi cảm thấy hãnh diện vì điều đó”.
Đình Toàn gặt hái thành công ở vai trò đạo diễn khi vở diễn “Chuyện thần tiên xứ Phù Tang” ra mắt
Với vai trò đạo diễn, Đình Toàn cũng đã có các tác phẩm được yêu thích, điển hình như Chuyện thần tiên xứ Phù Tang. Lần đầu đảm nhận vị trí đạo diễn, anh gặp không ít áp lực nhưng đổi lại vở diễn này đã tạo thành “cơn sốt” thời điểm đó. Thậm chí, những bài hát sau đó nổi tiếng được rất nhiều nghệ sĩ cover lại.
Ở vở diễn này mang đậm nét văn hóa Nhật Bản, từ kịch bản, hình thức thể hiện, quần áo, âm nhạc… Thành công của Chuyện thần tiên xứ Phù Tang cũng góp phần khẳng định tên tuổi Đình Toàn ở vị trí đạo diễn.
Anh chia sẻ: “Tôi luôn lựa chọn những điều mới mẻ để đưa vào tác phẩm. Bởi tôi luôn quan niệm có thể mình làm không nhiều nhưng khi đã dựng thì đó phải là vở diễn có giá trị với bản thân, là ký ức của mình và ký ức đẹp cho khán giả”.
Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng vào lúc 10g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Thanh An