Bên cạnh các vai diễn, cùng những công việc khác tại Nhà hát kịch Thành phố Hồ Chí Minh, diễn viên Huỳnh Tấn còn tham gia nhiều vở diễn kịch truyền hình HTV như: Siêu thị cười, Chuyện 4 mùa, Táo...
Diễn viên Huỳnh Tấn
Huỳnh Tấn có thể chia sẻ về những vở diễn cùng những kỷ niệm khi tham gia đóng kịch truyền hình HTV?
Tôi tham gia một số vai diễn ở sân khấu kịch HTV là các vai trong chương trình Siêu thị cười, Chuyện bốn mùa, Táo... Kỷ niệm nhớ mãi đó là vào năm 2013, tôi tham gia diễn một vở về đề tài cách mạng, diễn chung với các nghệ sĩ: Anh Tuấn, Mỹ Uyên, Công Ninh... Ấn tượng của tôi khi tham gia diễn xuất ở sân khấu kịch HTV là được làm việc trong một phim trường được thiết kế tả thực, tái hiện một cánh rừng già với những mỏm đá chênh vênh, những bước chân trên lá còn nghe tiếng xào xạc.
Đối với một diễn viên trẻ như tôi thì được diễn xuất trong một môi trường như vậy mang lại cảm giác rất chân thực, điều đó giúp tôi rất nhiều trong việc lấy cảm xúc và hình dung hoàn cảnh của nhân vật mà tôi sắp hóa thân vào. Tôi rất ấn tượng bởi sự đầu tư chu đáo về cảnh trí và trang phục của sân khấu kịch HTV.
Diễn xuất là đam mê của Huỳnh Tấn
Thế còn những vai diễn đáng nhớ khác của Huỳnh Tấn tại Nhà hát kịch Thành phố Hồ Chí Minh?
Có thể kể đến như: vai Bảy Bá trong vở Vòng xoáy nghiệt ngã của cố đạo diễn NSƯT Đoàn Bá, vai Đô trong vở Sống mãi tuổi xuân (vai bộ đội trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Gần đây nhất, tôi tham gia vai Ben Trần trong vở 18 tuổi, và vai Ốc trong Nàng Hến tầm duyên, và một vai diễn khá nặng ký, Trung úy Tấn - chiến sĩ công an trong chuyên án phá đường dây ma túy vở Lằn ranh (đạo diễn: Trần Quý Bình).
Ngoài ra, tôi còn được một số đơn vị mời tham gia cộng tác với vai trò trợ lý sản xuất, đồng thời tham gia trực tiếp một số vai diễn trong các chương trình như: Lăng kính của con, Cơm ấm nhà mình, Sống để yêu thương, Hồ sơ trinh thám, phim sitcom Chồng à, vợ ơi - mang thông điệp giáo dục con trẻ, lối sống gia đình và quan hệ xóm làng nghĩa tình...
Huỳnh Tấn trong vở "Lằn ranh"
Là một diễn viên trẻ sống trong thời bình, vậy khi hóa thân vào vai chiến sĩ, bạn đã phải chuẩn bị như thế nào?
Tôi may mắn sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn phải oằn mình gánh chịu những trận mưa bom, lửa đạn và sự hi sinh mất mát của các thế hệ cha anh. Những trang sử bi hùng đó tôi được biết thông qua sách báo và xem những chương trình kỷ niệm các sự kiện lịch sử trên sóng truyền hình nói chung, của HTV nói riêng. Đặc biệt, tôi là diễn viên thì sự tìm tòi, nghiên cứu để hiểu về các nhân vật mình hóa thân là một nhiệm vụ phải hoàn thành.
Trong chiến tranh, sự sống và cái chết thật mong manh, những cuộc hành quân dài ngày không ngơi nghỉ..., đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc. Khi nhận vai Đô, trước mắt tôi thấy sợ và sợ với nhiều nghĩa khác nhau! Tuy nhiên, lúc đó, thầy Khánh Hoàng đã gợi ý cho tôi những thông tin cần thiết để tôi tìm hiểu và cảm nhận về nhân vật. Theo hướng dẫn, tôi đến bảo tàng, Đền Bến Dược - Củ Chi, hoặc tìm đến những cô chú bên Hội Cựu Chiến binh để nghe kể chuyện. Lúc đó, tôi cảm thấy hãnh diện vì thể hiện những tâm tư, tình cảm người chiến sĩ bằng chính cảm xúc của trái tim mình!
Huỳnh Tấn cảm thấy hãnh diện vì thể hiện những tâm tư, tình cảm người chiến sĩ bằng chính cảm xúc của trái tim mình
Là thành viên của Nhà hát kịch Thành phố với nhiều chuyến biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, hình ảnh nào khiến bạn nhớ mãi?
Bên cạnh những vở diễn tại Nhà hát, tôi cũng có những vai diễn phục vụ khán giả ngoại thành, vùng sâu vùng xa. Trong đó, tôi thích nhất là vai Ngọ trong vở Đâu có giặc là ta cứ đi của tác giả Ngô Linh Nguyễn Vũ. Vở diễn này xuất thân từ Đoàn Kịch nói Nam bộ và được Nhà hát phục dựng lại để lưu diễn. Vở diễn gây cho tôi nhiều xúc động vì thấy được sự vất vả của các cô chú văn công trong Đoàn Kịch nói Nam bộ ngày xưa đi biểu diễn phục vụ bộ đội trong thời kỳ chiến tranh.
Hay một lần đi diễn ở Bình Chánh với anh em nghệ sĩ của Nhà hát, nhìn xuống hàng ghế khán giả, tôi thấy những giọt nước mắt của những người cán bộ lão thành. Chắc hẳn họ thấy được những hình ảnh của mình ngày xưa trong vở diễn, một thế hệ thanh niên nhiều hoài bão, sục sôi chí hướng, quyết tâm giải phóng dân tộc.
Câu chuyện đến với nghề diễn viên của Huỳnh Tấn có gì đặc biệt?
Từ lúc nhỏ, ngoài thời gian đi học, tôi thường ở nhà một mình. Trò chơi của tôi quanh quẩn với những nhánh đu đủ khô, những giấy bóng kiếng, giả làm công chúa, hoàng tử, rồi tôi tự nghĩ ra lời thoại như những nhân vật trên phim theo trí tưởng tượng của mình. Chắc đó là lý do và cũng là tiền đề cho tôi theo nghiệp diễn, khóc cười với những nhân vật trên sân khấu.
Vào năm cuối cấp 3, tôi may mắn gặp chú Trần Đính, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao huyện Cần Giuộc phát hiện ra tôi có tố chất và tạo cơ hội cho tôi tham gia vào những tiểu phẩm tham dự các kỳ liên hoan văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát động.
Năm 2009, tôi thi đậu vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Sau ba năm học, tôi cũng đã đúc kết cho mình những kinh nghiệm từ bài giảng của thầy cô. May mắn thay, vào năm 2011, tôi được học thêm tại Nhà hát kịch Thành phố và được thầy Trần Khánh Hoàng (Giám đốc Nhà hát thời điểm đó) dìu dắt. Thầy đã dạy cho tôi những bài học gắn liền với thực tiễn và dìu dắt tôi trở thành một diễn viên của nhà hát kịch từ năm 2013 cho đến hôm nay.
Huỳnh Tuấn luôn cố gắng trong từng vai diễn
Bạn có thể chia sẻ về một số vai diễn trong thời gian sắp tới?
Như đã giới thiệu ở trên thì tôi có một vai diễn khá nặng ký đó là Trung úy Tấn trong vở Lằn ranh. Vở diễn của Nhà hát tham dự Liên hoan sân khấu ngành Công an Nhân dân vào tháng 7 năm 2020.
Lần đầu thủ vai chính đối với tôi rất áp lực vì tuyến nhân vật khá phức tạp, phải đấu tranh tư tưởng giữa công vụ và đời sống riêng tư, chưa kể phải sẵn sàng hi sinh để chống lại thế lực tội phạm ngày càng tinh vi. May mắn là trong quá trình tập, tôi được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của đạo diễn và các bạn diễn viên nên cảm thấy tự tin tham gia liên hoan đợt này.
Bên cạnh đó, với thế mạnh là diễn viên tham gia các vở kịch chính luận của Nhà hát nên tôi mạnh dạn chọn tác phẩm nói về hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo tốt nghiệp trong chương trình học của mình sắp tới. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự yêu thương, ủng hộ của đồng nghiệp và khán giả với các vai diễn của mình.
Cám ơn Huỳnh Tấn về cuộc trò chuyện thú vị này!
Minh Đăng