(HTV) - Chương trình giao lưu "Di sản Sài Gòn - TP.HCM - Dáng hồn đô thị" nhấn mạnh việc bảo tồn kiến trúc cổ. Hai ấn phẩm mới ra mắt góp phần lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố, nơi giao thoa Đông - Tây độc đáo.
Tại sự kiện, các nhà báo, học giả và nhiếp ảnh gia đã cùng nhau chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về lịch sử hình thành, phát triển và vẻ đẹp kiến trúc của đô thị hơn 300 năm tuổi. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, các công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn - TP.HCM không chỉ là những khối bê tông, gạch đá hay mái ngói rêu phong, mà chúng là những chứng nhân lịch sử, mang đậm dấu ấn giao thoa Đông - Tây, kết tinh từ nhiều thời kỳ, nền văn hóa và dòng chảy xã hội.
Các nhà báo, học giả và nhiếp ảnh gia tại chương trình giao lưu chủ đề "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dáng hồn đô thị"
Nhà báo Nguyễn Hạnh - Chủ biên cuốn sách ảnh "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh", chia sẻ về quá trình sưu tầm tư liệu từ năm 1998, tiếp cận bộ ảnh quý từ Viện Trao đổi Văn hóa Pháp và nhiều nhà sưu tập. Cuốn sách tuyển chọn 300 bức ảnh quý, tái hiện không gian đô thị xưa với dinh thự, chợ, bến tàu, lễ hội, đám cưới, trò chơi dân gian và đờn ca tài tử, tạo nên một bức tranh sống động về văn hóa thị thành.
Nhà báo Nguyễn Hạnh - Chủ biên cuốn sách ảnh "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh"

Cuốn sách ảnh "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh"
Trong khi đó, ấn phẩm "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông" do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thực hiện, tập trung vào kiến trúc Pháp - Đông Dương từ năm 1862 đến 1945. Cuốn sách kế thừa đô thị Gia Định xưa cổ, từ giai đoạn bắt đầu kiến tạo Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, nay là TP.HCM – một trong những thành phố năng động và hấp dẫn của Việt Nam và thế giới.
Ấn phẩm "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông"
Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến - Chủ biên cuốn sách này, nhấn mạnh: "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông'' không chỉ là vấn đề của một thành phố nguy nga, không chỉ là dân số hay nét đẹp về kiến trúc mà ý nghĩa của cụm từ này là do vị trí của Sài Gòn rất quan trọng. Người Pháp đã nói rằng cảng Sài Gòn lúc đó là nơi hội tụ toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy".
Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến - Chủ biên cuốn sách "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông"
Trong bối cảnh đô thị hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ không chỉ là nhiệm vụ của ngành di sản mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Từ những bạn trẻ đang theo học ngành kiến trúc đến các nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà báo đều đang tích cực gom góp tư liệu, hình ảnh và ký ức để kể lại "dáng hồn đô thị" của một Sài Gòn luôn đổi thay từng ngày.
Việc giữ gìn di sản không nhất thiết chỉ là trùng tu nguyên bản một công trình mà còn nằm ở hành động lưu giữ ký ức, chia sẻ câu chuyện, làm sống lại những giá trị trong đời sống đương đại. Khi người trẻ hôm nay bắt đầu tò mò và trân trọng những gì ông cha để lại, đó là tín hiệu đáng mừng cho tương lai của di sản đô thị.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9