Dấu ấn TFS trong năm 2020

Năm 2020, Hãng phim TFS - Đài HTV sản xuất được 106 phim tài liệu, một bộ phim truyền hình. Tuy khiêm tốn về số lượng do ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng TFS vẫn ghi nhiều dấu ấn trong lòng người xem.

Từ khóa lớn nhất trong năm 2020 đối với không riêng một lĩnh vực, ngành nghề nào, đó là COVID-19. Đại dịch xuất hiện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế, văn hóa… toàn cầu. Tuy Việt Nam chống dịch rất tốt nhưng không phải vì thế mà các lĩnh vực trong đời sống không bị ảnh hưởng. Và các dự án phim của Hãng TFS cũng không là ngoại lệ. Ông Lý Quang Trung - Giám đốc TFS cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều bộ phim của hãng như “Kẻ sát nhân cô độc”, “Mẹ trùm” phải tạm hoãn quay đến vài ba lần. Mỗi lần như vậy là tiến độ, không khí, bối cảnh… ghi hình đều bị thay đổi và do đó, việc sản xuất phim bị ảnh hưởng lớn. 

Với riêng Hãng phim TFS thì chịu ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là phim truyền hình vì những tác phẩm này quy tụ một lực lượng nhân sự lớn, thời gian ghi hình khá dài. Nếu năm 2019, khán giả được thưởng thức nhiều bộ phim hay như: “Rừng thiêng”, “Mùa cúc susi”, “Ráng chiều ấm áp”… thì năm 2020, Hãng TFS chỉ kịp “trình làng” bộ siêu phẩm “Kẻ sát nhân cô độc”. Dù ít về số lượng song chất lượng phim rất đáng tự hào. Kịch bản chặt chẽ, hình ảnh chỉn chu, diễn xuất ấn tượng, kỹ xảo gia tăng cảm xúc, nhạc phim đắt… tất cả đều hòa quyện lại tạo nên một bộ phim rất đáng xem. 

Trong khi đó, phim tài liệu của TFS năm 2020 nhỉnh hơn về số lượng phim; chất lượng phim cũng có những màu sắc mới với dấu ấn của sức trẻ, những thể nghiệm độc đáo lần đầu tiên ra mắt với nhiều sáng tạo, kỹ xảo được mạnh dạn đầu tư, người dẫn chuyện cũng xuất hiện để xâu chuỗi các mảnh ghép và thực hiện ý đồ của đạo diễn… Tất cả những điều này – cùng với tinh thần TFS được truyền qua nhiều thế hệ - đã tạo nên những thước phim tài liệu có chiều sâu và sinh động hơn. Theo đó, nhiều phim tài liệu nổi bật trong năm 2020 đã được phát sóng, đơn cử như: “Ra biển lớn”, “Duyên dáng xuân thành”, “Hành trình khởi nghiệp”, “Hồn của chợ”, “Ở đó là biên cương”, “Thành phố thông minh”, “Không hối tiếc”, “Chuyện từ tấm ảnh”, “Trở về từ trăm năm”…

Dưới đây là năm trong số những tác phẩm hay nhất của Hãng phim TFS năm 2020. Đây cũng là các phim thắng giải tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 40.

Kẻ sát nhân cô độc

 “Kẻ sát nhân cô độc” là phim của đạo diễn Trần Đức Long cùng các diễn viên Mã Hiểu Đông, Huỳnh Trường Thịnh, Thạch Kim Long, Huyền Thạch, Ngô Công Lý, Công Ninh, Mai Huỳnh, Lâm Hải Sơn, Gia Linh, Việt Hưng… Đây là một trong những bộ phim hình sự hiếm hoi khai thác đề tài tội phạm tâm lý. Phim là cuộc đối đầu giữa đội trọng án K13 cùng sự hỗ trợ của sinh viên Hoàng có biệt tài khắc họa chân dung tâm lý tội phạm - với kẻ giết người hàng loạt là một kẻ có học thức cao, ẩn thân giỏi, kiêu ngạo đến mức dám thách thức đội K13. Xuyên suốt quá trình phá chuỗi án mạng liên hoàn, những góc khuất liên quan đến mỗi nhân vật từ chính diện đến phản diện dần được hé mở, qua đó thông điệp lớn hơn mang đậm tính nhân văn của phim cũng được gửi gắm đến người xem. Phim giành được nhiều giải thưởng quan trọng như: Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất và giải A dành cho hạng mục Phim truyền hình của Hội Điện Ảnh TP.HCM; giành giải Vàng hạng mục Phim truyền hình tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc...



Ra biển lớn

 “Ra biển lớn” - nhóm đạo diễn Trần Quốc Sơn, Trịnh Quốc Thái, Lê Thùy Trang, Mỹ Trang - là bộ phim tài liệu mang nhiều dấu ấn đặc biệt và rất đáng xem. Phim trước hết chuyển tải một nội dung lớn với nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật giàu sức nặng như: doanh nhân Trương Văn Bền, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giáo sư Đặng Lương Mô, Tiến sĩ - bác sĩ Trần Chí Cường, Tiến sĩ Lương Quốc Việt. Qua đó gây ấn tượng về hành trình tìm lại dấu xưa qua thương hiệu xà bông cô Ba nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh, hình dung về Bình Đông - trên bến dưới thuyền nhộn nhịp buôn bán, những câu chuyện truyền cảm hứng của bàn tay vàng trong ngành can thiệp đột quỵ mạch máu não, hay người sáng lập Hãng máy bay không người lái phi quân sự đầu tiên ở Việt Nam… Không chỉ ghi điểm ở nội dung, “Ra biển lớn” còn gia tăng cảm xúc cho người xem bởi những hình ảnh bắt mắt nhờ lối kể chuyện khá độc đáo, lần đầu tiên kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật, từ tái hiện, phục dựng đến kỹ xảo và yếu tố dẫn chuyện xuyên suốt… 



Không hối tiếc

“Không hối tiếc” mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả Mỹ Trang và theo đó, phim đầy tính tự sự. Qua những con người tưởng chừng rất bình thường, thậm chí đôi lúc bị lướt qua hay thiếu để tâm trong cuộc sống - người già, và những câu chuyện với đủ cung bậc cảm xúc, “Không hối tiếc” đã để lại một nốt lặng, khiến người xem không khỏi suy ngẫm, chiêm nghiệm. Phim chỉ vỏn vẹn hai chục phút, nhưng đây không phải là tác phẩm có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Ngược lại, tác giả đã lặng lẽ lưu lại cuộc trò chuyện với những người già mà cô đã gặp được trong suốt hành trình tác nghiệp của mình để rồi kể chúng ra khi thời điểm đến. Cũng vì vậy mà khi xem phim, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy có đến 15 câu chuyện và 15 nhân vật, ở đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau! Khi xem phim, ta thấy bản thân đâu đó trong những trăn trở của nhân vật! Khi xem phim, ta cũng băn khoăn tự hỏi: Sống làm sao trong những ngày tháng ngắn ngủi của kiếp nhân sinh, sau cùng sẽ không còn gì hối tiếc!


Chuyện từ tấm ảnh

 "Chuyện từ tấm ảnh" (đạo diễn Lư Trọng Tín) là bộ phim tài liệu giàu cảm xúc, thấm đẫm nghĩa nước - tình thân! Phim là những mảnh ghép lịch sử được tái hiện qua lời kể của bà Đào Thị Minh Vân - nhân vật chính trong tấm ảnh năm xưa - một cô bé 10 tuổi, vinh dự được Bác Hồ ôm vào lòng chụp chung. Bà Minh Vân mồ côi mẹ từ nhỏ, cha cô không ai khác chính là nhà tình báo tài ba Hoàng Minh Đạo (tên thật Đào Phúc Lộc). Câu chuyện của phim bắt đầu từ một tấm ảnh đặc biệt - kỉ vật thiêng liêng của người cha anh hùng đã chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Tấm ảnh này được đồng đội của cha, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh trao lại cho bà Vân vào 30 năm sau đó, cùng lời dặn dò đầy ắp yêu thương. Đằng sau tấm ảnh cũ ấy là câu chuyện của một gia đình; đằng sau tấm ảnh cũ là tình cảm, là tấm lòng của cô con gái bé nhỏ - ngay cả lúc này, khi bà đã ở tuổi xưa nay hiếm - dành cho ba mẹ của mình; đằng sau tấm ảnh cũ ấy là hành trình đi tìm gặp lại hơn 400 đồng đội của cha để được nghe kể lại những câu chuyện một thời của một thế hệ thanh niên tình nguyện dấn thân vào cuộc chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Qua từng thước phim, người xem cảm nhận rõ, lịch sử dân tộc được ghi lại không chỉ bằng chính sử, mà còn có cả những nét chấm phá từ những mảnh đời được khắc họa trên những bức tranh, trên những tấm ảnh.  


Trở về từ trăm năm

"Trở về từ trăm năm" (đạo diễn Việt Bình, biên kịch Anh Linh) là bộ phim tài liệu mang đậm văn hóa Nam bộ bởi phim mở đầu bằng giọng hát của Nghệ sĩ Bạch Tuyết với trích đoạn trong "Lục Vân Tiên". Từ những dẫn dắt liên quan tới hai danh phẩm có vị trí cao của văn học miền Nam Việt Nam cuối thế kỷ 19: "Sơ kính tân trang" của Phạm Thái và truyện thơ Nôm "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu, "Trở về từ trăm năm" tiết lộ một câu chuyện diễn ra cách đây 120 năm.

Vào năm 1897, bộ bản thảo truyện tranh cổ đầu tiên "Lục Vân Tiên" ra đời và bị quên lãng trong thư phòng Viện Hàn lâm Văn khắc, văn chương Paris – Pháp. Theo đó, phim bắt đầu vào hành trình tìm đáp án cho câu hỏi lớn: Vì sao người Pháp lại chọn dịch Truyện thơ Nôm "Lục Vân Tiên" chứ không phải tác phẩm nào khác? Vì sao họ lại chọn họa pháp của một nghệ nhân cung đình là ông Lê Đức Trạch, mà không phải là họa sĩ người Pháp? Vì đâu mà số phận một di sản lại ngặt nghèo, lạ kỳ và đặc biệt đến như vậy? Vì đâu mà di sản quý ấy lại bị bỏ quên nơi xứ xa hơn trăm năm, từ 1899, trước khi trở về cố hương?

Thiên Bình