Đạo diễn Đổng Tường thành danh từ trường đời

Nổi tiếng với bộ phim “Chuyện đạo hát” nhưng không phải ai cũng biết đạo diễn Đổng Tường đã trưởng thành qua “trường đời” trong một quãng thời gian khá dài.


Đạo diễn Đổng Tường

Tốt nghiệp ngành kiến trúc năm 2018, Đổng Tường thực hiện cùng một lúc 2 đề án tốt nghiệp, một cho chuyên ngành kiến trúc và một cho ngành sân khấu điện ảnh. 

Bộ phim “Chuyên đạo hát” ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm cải lương cũng là phim đầu tay của Đổng Tường. Điều đáng nói là đạo diễn phim không hề đăng ký học qua trường lớp chính quy nào bởi 6 năm trước đó gia đình khuyên nhủ “ngành sân khấu điện ảnh khó kiếm sống và ba mẹ không thể hỗ trợ cho con”.

Sự ngăn cản của gia đình không dừng được đam mê của chàng trai trẻ tuổi cùng chiến lược học tập có một không hai. Vừa học kiến trúc vừa “học lén” kiến thức từ các lớp bên trường sân khấu điện ảnh. 

Để có điều kiện thực tập, anh tham gia các khóa học cascadeur, lên phim trường đóng thế. Mỗi ngày một chút, sau khi hoàn thành vai diễn, Tường đứng sau biên tập, đạo diễn, biên kịch, chủ nhiệm hoặc quay phim quan sát và học hỏi. Vì cái tính ‘chịu mò” mà kiến thức tích lũy sau 6 năm lăn lộn đã hình thành một con người đa năng trong lĩnh vực sản xuất điện ảnh.

Nghe đến kiến trúc và sân khấu điện ảnh, người ta cứ nghĩ đó là hai đường thẳng song song. Nhưng Đổng Tường đã tạo ra những điểm chung ngoạn mục. Đó là những lần nhận thiết kế sân khấu để kiếm thêm thu nhập. Những bức vẽ dạo quanh nhà thờ Đức Bà luyện cho anh kỹ năng làm storyboard (bảng vẽ câu chuyên bằng hình ảnh) hay những bức ảnh chụp kiến trúc góp phần cho kỹ thuật khung hình thêm chặt chẽ. Đối với Đổng Tường, không có kiến thức nào là vô ích mà như chắp cánh thêm cho anh trên con đường chinh phục nghệ thuật thứ bảy.

Cơ duyên nào đưa Đổng Tường đến với cải lương? Thật ra anh chưa từng là người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này trước khi bắt đầu làm phim “Chuyện đạo hát”. 

Với bản tính hoài cổ, thích lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc đã được thế giới công nhận, cộng thêm sự khôn ngoan lựa chọn hướng khai thác đề tài mới lạ mà anh đã chọn làm phim về cải lương. Thời điểm bắt tay vào sản xuất, chỉ có một bộ phim về đề tài này ra mắt khán giả trước đó là “Song Lang” của Ngô Thanh Vân.


Cảnh trong phim “Chuyện đạo hát”

Chỉ đơn giản một ước mơ làm phim điện ảnh mà đã từng có người tốn tiền tỷ, thậm chí bán cả gia tài để thực hiện. Một sinh viên mới ra trường như Đổng Tường có khả năng làm phim được không? Kinh phí đã có nhà tài trợ. Ê-kíp thực hiện “gom” từ đội ngũ sinh viên trường sân khấu điện ảnh. 

Đến việc mời diễn viên “ngôi sao”, một trong những yếu tố quyết định rating của phim, Tường cũng được nhiệt tình ủng hộ với sự góp mặt của bé Nắng Kim Thư, bé Ngân Chi, nghệ sĩ Hữu Thành… Đặc biệt bộ phim có dàn cố vấn hùng hậu, nhất là về chuyên môn của nghệ sĩ Bạch Long.


Nghệ sĩ Bạch Long, người thầy, cố vấn chuyên môn của phim “Chuyện đạo hát”

Theo như Đổng Tường chia sẻ, có thể thấy vai trò của anh không chỉ dừng lại ở người đạo diễn mà còn là chủ nhiệm, biên tập, biên kịch, tổ chức sản xuất… một “nhân tài vạn năng”. Trên hết, khả năng tập hợp, nhân lực, tài lực cho bộ phim đầu tay cũng làm ngạc nhiên các đàn anh đàn chị, những cộng tác viên quan trọng của phim.

Thành công của “ Chuyện đạo hát” cũng là thành công của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đánh cược sự nghiệp nghệ thuật trong một phi vụ mang tính phiêu lưu nhưng được chuẩn bị hết sức chu đáo. 

Nó cũng là lời khẳng định tính đúng đắn trong góc nhìn, nhân sinh quan về cuộc sống mà Tường gởi gắm vào trong phim. “Cải lương tự thân nó đã  đẹp, vì nếu không đẹp sẽ không thể tồn tại qua sự đào thải của thời gian. Trong đạo hát còn có cái đạo của làm người, làm nghề. Mâu thuẫn từ xưa đến nay, dù núp dưới vỏ bọc nào, đều xuất phát từ nhu cầu sinh tồn, bản năng cơ bản nhất của con người”.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” mùa 2, phát sóng lúc 22 giờ 30 phút hàng ngày trên kênh HTV9. 
Phạm Nhi