Nghệ sĩ viết

Đạo diễn Đỗ Phú Hải: Không nên tự trói mình vào một dòng phim nhất định

Không nên làm khó mình khi chỉ đi theo một dòng phim mà phải thử nghiệm - đó chính là điều mà tôi cảm nhận từ rất lâu. Tại sao mình không tìm hiểu các thể loại, đi sâu vào tâm lý các nhân vật nhằm hiểu hơn về cách thể hiện để tiếp cận với khán giả.


Đạo diễn Phú Hải là người nổi tiếng với loạt phim truyền hình ăn khách

Khi làm phim, tôi coi trọng chất lượng hơn số lượng

Tôi có một cái may mắn là học đúng nghề, đúng ngành, ra trường cũng vào hãng phim truyền hình và làm đúng nghề là đạo diễn. Nhưng phải nói thật, quan điểm làm nghề của tôi có thể khác so với một số đạo diễn khác. Tôi học đạo diễn sân khấu nhưng chuyển sang đạo diễn truyền hình, tôi ý thức được bản thân chỉ làm những điều mình mong muốn. Chính vì thế, số lượng phim trong sự nghiệp của tôi không nhiều. 

Tôi thích sự chỉn chu, làm ít, làm lâu nhưng chất lượng. Cho nên tôi khắt khe với cái mình làm thì mới tìm ra cái mình muốn. Tôi làm phim quan trọng chất lượng hơn số lượng, mà tôi nghĩ, những người làm phim nổi tiếng được gọi là bậc thầy trên thế giới, tác phẩm họ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi chỉ mong người xem chê ít nhất chứ không muốn họ nói nhà sản xuất phim làm ẩu.


Anh quan niệm làm nghệ thuật phải coi trọng chất lượng hơn số lượng

Bộ phim đầu tiên của tôi là Xóm nước đen, đó là phim truyền hình chỉ dài 4 tập. Lúc đầu, TFS giao kịch bản này cho một đạo diễn khác. Tuy nhiên, họ cảm thấy không hợp nên chuyển lại cho tôi. Khi nhận kịch bản đó, tác giả có nói với TFS: không biết tôi có làm được phim đó không vì nhìn tôi có vẻ thư sinh, không phù hợp. Nhưng khi làm xong, chính tác giả là người đã ôm và nói rằng, tôi làm anh tự hào. Bộ phim này đã bén duyên cho tôi đến với các tác phẩm truyền hình khác.

Một trong những tác phẩm đáng nhớ của tôi là phim Lục Vân Tiên. Thật sự để có được một phim cổ trang chất lượng ra mắt khán giả cần phải đầu tư rất lớn. Tôi phải cảm ơn TFS vì chỉ những người có tầm nhìn như vậy họ mới dám đầu tư vào những dòng phim này.

Để hoàn thiện tác phẩm, tôi học hỏi từ các anh lớn, người đi trước, người giỏi về Hán Nôm. Tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều để tìm hiểu về phục trang, bối cảnh, ngôn ngữ. Khi bộ phim phát sóng, khán giả đón nhận nồng nhiệt, và cho đến bây giờ Lục Vân Tiên vẫn là một trong những tác phẩm cổ trang được khán giả nhớ mãi. 

Nhiều người nói làm phim điện ảnh có thu nhập cao hơn tại sao tôi lại không thử sức. Tuy nhiên, quan điểm của tôi rất đơn giản, điện ảnh chưa chắc giàu nhưng nó dễ nổi tiếng hơn truyền hình. Với phim điện ảnh Việt hiện tại, một năm có thể sản xuất 40 - 50 phim. Tôi nghĩ đạo diễn điện ảnh là người rất giỏi, vì họ phải thu gọn câu chuyện lại trong 90 phút. Câu chuyện làm giàu chỉ là một phần trong dự tính đó. Chính vì thế, làm đạo diễn điện ảnh hay truyền hình, tôi cũng sẽ luôn làm với quan niệm mình làm để người ta nhớ, có giá trị, còn làm để vui chơi, làm giàu không phải là cái đích cuối cùng.


Nam đạo diễn quan niệm mình làm để người ta nhớ, làm giàu không phải là cái đích cuối cùng

Hiện nay, xu hướng làm phim truyền hình và điện ảnh đang có sự thay đổi, nhiều nhà làm phim chuộng kịch bản remake hơn. Tôi thấy nếu chỉ “chăm chăm” làm phim remake thì cũng không ổn. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thực tế, phim Việt đang “yếu” ở khâu kịch bản. Tôi phải nói lời xin lỗi với các tác giả nhưng cá nhân tôi nghĩ, kịch bản yếu là vì họ chưa tiếp cận được với khán giả.

Trong khi đó, phim remake đã tiếp cận khán giả nước ngoài, và khi về Việt Nam lại dễ dàng thu hút hơn vì nó đã được kiểm chứng thành công ở nước khác. Chúng ta hay bị ngộ nhận là Việt hóa nhưng văn hóa của các nước khác nhau. Ví dụ như cùng là uống trà nhưng trà Đạo là của người Nhật không thể của Việt Nam. Văn hóa của họ là của họ, mình có biến hóa thế nào cũng không thể là của mình.

Tôi muốn làm series phim “đình đám” bắt đầu từ “Những chuyên án lạ”

Tôi có những quan điểm làm nghề riêng. Tôi cho rằng, không nên làm khó mình khi chỉ đi theo một dòng phim mà phải thử nghiệm. Đó chính là cái mà tôi cảm nhận từ rất lâu.

Tại sao mình không tìm hiểu các thể loại, đi sâu vào tâm lý các nhân vật nhằm hiểu hơn về cách thể hiện để tiếp cận với khán giả. Tôi nghĩ không nên tự trói mình vào bất cứ thể loại nào. Đó là lý do Những chuyên án lạ ra đời dù bây giờ khán giả đang chuộng phim gia đình, hài hước… 

"Những chuyên án lạ" được kỳ vọng là một series dài tập của nam đạo diễn

Để có được bộ phim này, ngay từ trước, tôi đã tham gia vào điều hành sản xuất, nội dung chiến lược cho TFS. Thời điểm đó, tôi muốn xây dựng một loạt phim giống như phim theo mùa của nước ngoài. Chính vì thế trong Những chuyên án lạ, tôi muốn xây dựng một nhóm chính và từ nhóm đó sẽ làm hết tập này đến tập kia, mùa này đến mùa kia.

Nội dung của phim là việc thành lập nhóm chuyên thích công việc điều tra, thấy bất công giữa đường là nhảy vào. Mỗi câu chuyện của phim chỉ diễn ra vài ba tập thôi nhưng khi giải quyết hết thì sẽ đến câu chuyện khác. Nếu bộ phim có phần hai, sẽ có vài người không còn tham gia nữa mà có nhiều tuyến nhân vật khác. Câu chuyện cứ thế kéo dài hàng trăm tập như những loạt phim nước ngoài.

Có thể dễ nhận thấy, trong phim tôi không chọn nhân vật trung tâm cho những chuyên án là cảnh sát mà phân bổ đều cho các ngành nghề. Bởi tôi muốn tìm kiếm câu chuyện mang tính điều tra, phóng sự, tâm lý, ly kỳ, những góc nhỏ trong đời sống… nhưng không bị thuần về việc dính tới pháp luật, bắt cướp. Vì vậy, trong phim chỉ có một nhân vật cảnh sát bởi tôi nghĩ cần có một người am hiểu pháp luật để họ biết trình tự điều tra như thế nào cho hợp lý nhất.


“Những chuyên án lạ” chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống

Một trong những khó khăn khi làm phim là câu chuyện phải giấu được lời giải đáp đến phút cuối. Nếu khán giả chỉ mới xem một hay hai tập phim mà biết hết mọi thứ thì đó là sự thất bại. Thứ hai là cách làm, cách thể hiện phải đủ hấp dẫn để người xem phải theo dõi đến cùng.

Thông qua Những chuyên án lạ, tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng: “Cuộc sống muôn màu, nếu như chúng ta có thể quan tâm người bên cạnh nhiều hơn một chút thì có thể tháo gỡ những vấn đề còn gút mắc, và khi ấy, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.

Đạo diễn Đỗ Phú Hải (Tiểu Di ghi)