Danh ca Minh Cảnh: Lá rụng về cội

Cuộc đời nghệ sĩ Minh Cảnh gặp nhiều chông gai, ông nói vì mình quá đam mê làm nghề, làm bầu gánh hát mà quên đi việc vun vén cho hạnh phúc của bản thân.

Các nghệ sĩ sân khấu chào đón danh ca Minh Cảnh (thứ 4 từ phải sang)

Sau ba lần lỗi hẹn, ông đã kịp thời về đúng dịp sân khấu cải lương tròn một thế kỷ. Phải chăng ông quyết định chọn thời điểm này để về với quê hương?

Như lá rụng về cội, tôi không chọn đúng thời điểm mà tôi cho rằng, thời điểm đã chọn tôi. Ai không hiểu thì có thể nói tôi tham sô diễn mà cứ hẹn lần, hẹn lữa. 

Tôi có thể về được trước đó, nhưng tôi phải đợi làm xong các thủ tục pháp lý liên quan đến di trú rồi mới yên tâm trở về.

81 tuổi rồi, tôi không đủ sức bay đi, bay về gấp gáp như lúc còn trẻ. Như đã nói thời điểm đã chọn tôi, và tôi hạnh phúc vì điều đó.

Mười ba năm xa quê,để sống với nghề, chắc hẳn ông đã gặp nhiều phiền não?

Tôi có một người vợ biết cảm thông, san sẻ rất nhiều khó khăn, phiền muộn. Đời nghệ sĩ xa xứ không có gì khổ bằng mình chỉ biết ca hát, không biết làm nghề gì khác. 

Đúng là con cá trong vùng nước không thuận với mình thì chỉ còn biết cách cố giữ cho được sự sống. May thay, khán giả kiều bào đã dành cho tôi nhiều cảm tình. Họ yêu quý một Minh Cảnh từ nào đến giờ không biết màu mè, khoa trương. Một Minh Cảnh như tôi cứ hát ca, đam mê dù biết 13 năm qua nếu có đủ sức vẫy vùng thì sẽ có thêm nhiều dấu ấn đẹp để cống hiến cho nghề.

Cách ca hơi dài của ông được xem là nền tảng cho việc phát triển của bài vọng cổ. Ông có tự hào về điều này?

Tôi vui mừng vì điều này. Tôi ca bài Em bé đánh giày khi mới 14 tuổi, lúc đó báo giới gọi tôi là “thần đồng”. 

Khi được bầu Long phát hiện, đưa về đoàn, vì gầy yếu, mảnh mai nên tôi cứ được giao đóng vai con nít. Và để khẳng định thì phải tìm cách thể hiện chất giọng, bởi nghệ thuật cải lương đã định nghĩa: “phi vọng cổ bất thành cải lương”.

Tôi chú tâm vào việc rèn luyện cách vô câu vọng cổ, rồi để làm cho bài vọng cổ phong phú, tôi áp dụng việc đưa hò Huế vào, cách ngâm và cách ca nhấn nhá, luyến láy, dù dài hơi nhưng cách ca phải rõ nhịp.

Tôi đã được bà con quý mến khi thể hiện cách ca này và các em trẻ cũng dựa vào đó mà học hỏi. Tuy nhiên, các em có phần lạm dụng cách ca hơi dài. 

Tôi vẫn thường căn dặn các em không được thể hiện một cảm tính. Vì cảm tính dễ giết chết cảm xúc.

Ông có xem bước thăng trầm đời mình như một “phương tiện” để dung nạp chất liệu cho con đường nghệ thuật?

Không. Nếu cố tạo nên bi kịch để hả hê với “phương tiện” thì người nghệ sĩ trở nên vô tâm. Những thăng trầm về mặt gia cảnh mỗi nghệ sĩ đều có ngã rẽ riêng, không ai giống ai. 

Với tôi, chất xúc tác có được từ những trải nghiệm bi kịch, không cố tạo mà hoàn cảnh đưa đẩy tôi phải đối diện với nó. 

Chia tay vợ - nghệ sĩ Kiều My, tôi lao vào lập gánh hát. Mê nghiệp vừa làm bầu, vừa làm kép chánh, mà đôi lúc tôi xao nhãng việc làm chồng, làm cha trong một gia đình. Đó là cái giá tôi phải trả. Rồi sự lỗ lãi, của cải đội nón ra đi khi nghiệp làm bầu xuống dốc.

Tôi cho rằng, những ngang trái đó như những cú phạt để cảnh tỉnh mình và cảnh tỉnh đời. Bởi trong đời, sẽ còn nhiều bạn trẻ như tôi, mê nghề quá mà quên vun vén hạnh phúc cá nhân. 

Danh ca Minh Cảnh (bên phải) và đạo diễn Thanh Hiệp

Ông có nghĩ mỗi năm sẽ tiếp tục về thăm quê hương và biểu diễn?

Tôi được học trò là NSƯT Minh Minh Tâm lo các thủ tục để về nước biểu diễn. Tôi quý mến cậu học trò này, từ một diễn viên trẻ “nhiễm” cách ca diễn của tôi mà nay đã là Nghệ sĩ Ưu tú.

Tôi mong từng ngày được gặp lại khán giả mộ điệu. Khi báo chí đưa tin việc tôi về nước, thì làn sóng hâm mộ Minh Cảnh lại xuất hiện như cách đây 50 năm, đã làm cho tôi xúc động đến nghẹn lời.

Tôi có xem HTV nhiều chương trình cải lương, tôi thích nhất chương trình Vầng trăng cổ nhạcChuông vàng vọng cổ. Hai mảnh đất này giúp cho thế hệ trẻ có nhiều cơ hội thể hiện mình như một cách giữ gìn cội nguồn văn hóa dân tộc.

Danh ca Minh Cảnh và học trò là NSƯT Minh Minh Tâm

Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật cải lương cần một hướng đi mới để thay đổi hình thức phát triển. Bằng công nghệ hiện đại, người ta có thể bày tỏ sự hâm mộ theo cách của riêng mình, ví dụ như lập diễn đàn, trang web, những nhóm bạn trẻ cùng yêu thích nghệ sĩ. Và rồi từ truyền thông, các chương trình truyền hình, ngay cả việc tổ chức thi vọng cổ online cũng là cách biểu hiện lòng mộ điệu của giới trẻ với bộ môn nghệ thuật này.

Có điều như nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp trong nước đã trăn trở, sân khấu cải lương thiếu một mô hình để cất cánh. Nó sẽ mãi ì ạch khi chưa có sức đầu tư đúng chất. 

Tôi đã 81 tuổi rồi, không biết có còn về nước biểu diễn như mong đợi không. Thôi thì thời gian ở Việt Nam, được gặp khán giả và nghệ sĩ đồng nghiệp là tôi quá vui rồi. 

Có người từ Cà Mau, Sóc Trăng hoặc từ Hải Phòng, Hà Nội bay vào TP. Hồ Chí Minh để gặp tôi, ôm tôi vào lòng. Tôi ứa nước mắt trước tình cảm quá lớn của khán giả. 

Những ngày qua, tôi thật sự được sống trong niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp