Phim Tài liệu

Chuyện về hai người vợ của một Anh hùng

Bộ phim là câu chuyện về hai người vợ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, người Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định, tham gia Cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, hoạt động trong và ngoài nước.

Chân dung anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai

Vào thập niên 1960s, ông Trần Văn Lai là nhà thầu khoán trang trí nội thất cho Dinh Độc lập và thầu khoán xây dựng cho cơ quan viện trợ U.SOM của Mỹ. Sài Gòn lúc đó biết đến ông là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, ông Năm U.SOM hay ông Năm Lai. Với vỏ bọc đó, ông tiếp tục hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn do Cách mạng giao phó. 

Cả hai người vợ của ông đều là những tấm gương hi sinh thầm lặng và chịu nhiều đắng cay nghiệt ngã do hoàn cảnh lịch sử. Họ là những người phụ nữ điển hình trong muôn vàn người phụ nữ Việt Nam đã chịu những mất mát trong chiến tranh. Họ là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng họ chính là điểm tựa hậu phương vững vàng của ông Trần Văn Lai trong những năm tháng ông hoạt động cách mạng trong lòng địch, đối diện với hiểm nguy sống còn.

Chân dung liệt sĩ Phạm Thị Chinh

Bà Phạm Thị Chinh, người vợ đầu của ông Trần Văn Lai, với thân thế là cô cháu gái của chủ một trong những tiệm vàng lớn nhất Sài Gòn thời đó, đã có công góp phần tạo vỏ bọc và đưa ông Lai về hoạt động công khai tại Đô thành Sài Gòn, góp phần tạo nên nhà thầu khoán Mai Hồng Quế tiếng tăm một thời. 

Từ đó ông Lai có đủ điều kiện để ra vô Dinh Độc Lập, cơ quan U.SOM… nhằm thu thập tin tức, các tài liệu vô cùng giá trị theo yêu cầu của cấp trên và cho các hoạt động sau này. Bà là điểm tựa vững chắc cho ông Lai trong cả việc thầu khoán, hoạt động Cách mạng của ông. Bà Chinh đã hi sinh khi mới 34 tuổi, ở tuổi đời còn khá trẻ, bà với ông Lai chỉ kịp xây dựng một hạnh phúc ngắn ngủi. 

Cảnh đoàn phim tác nghiệp

Nếu như người vợ đầu tiên của ông Trần Văn Lai được nhắc đến như một hình ảnh đẹp trên phim ảnh và cả đời thường thì còn có một người phụ nữ thứ hai chịu nhiều thiệt thòi cay đắng là bà Đặng Thị Thiệp. Bà Đặng Thị Thiệp, với phẩm chất chịu thương chịu khó của người miền Trung, đã cùng ông Lai tạo ra những căn hầm bí mật làm nơi hội họp cho các cán bộ Cách mạng. Bà đã giúp ông Lai trong quá trình vận chuyển và cất giấu vũ khí. 

Bà Đặng Thị Thiệp cùng con đầu lòng

Bà đã dũng cảm sống trên đống vũ khí có thể cháy nổ bất cứ lúc nào, hoặc nếu bị địch phát hiện thì coi như bà và cả nhà cầm chắc cái chết. Bà Thiệp vì nhiệm vụ Cách mạng giao phó, đã phải chịu biết bao điều tiếng từ xóm giềng. Bà cam chịu tất cả để trở thành điểm tựa vững chắc cho ông Lai. Tự bao giờ, trong đôi mắt bà luôn phảng phất một sự hi sinh thầm lặng.

Bà Đặng Thị Thiệp (bìa trái) trong một lần gặp gỡ các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa

Với thời lượng 40 phút chia thành 2 tập, bộ phim còn là nguồn tư liệu quý về lịch sử Sài Gòn những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Đón xem bộ phim tài liệu “Điểm tựa người anh hùng” phát sóng lúc 8g từ thứ năm (17/10).

Thùy Trang