“Chạy” là nhạc chủ đề của bộ phim “Ròm” từng gây bão phòng vé trong những ngày cuối tháng 9 của đạo diễn Trần Thanh Huy. Chạy và Ròm đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất mang đậm tinh thần luôn hướng về phía trước của tuổi trẻ.
Đạo diễn Trần Thanh Huy
“Không được đứng, không được dừng, đừng đứng lại”
Nhân vật Ròm ra đời từ bộ phim ngắn “16:30”, tác phẩm tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh của đạo diễn Trần Thanh Huy. Bộ phim đã mang về cho anh hầu hết các giải thưởng về thể loại phim ngắn ở Việt Nam trong khoảng thời gian năm 2012. Đến tháng 5/2013, “16:30” được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes, thể loại Góc phim ngắn (short film corner).
Cảnh trong phim ngắn “16:30” (ảnh sưu tầm)
Chính tại nơi đây, anh đã nhận ra “khoảng cách” giữa phim ngắn và phim điện ảnh. Không chỉ về năng lực, trình độ đầu tư mà còn là sự trọng thị của giới chuyên môn và giới truyền thông trên thảm đỏ. “Đứng lại nghĩa là thụt lùi”, vì vậy anh bắt tay vào phát triển bản phim điện ảnh của “16:30”.
“Ròm” và những con số đáng nể
Gian nan gắn với Ròm có thể hình dung qua những con số kỷ lục. Bộ phim được làm trong 8 năm với 89 ngày quay, có 2 DOP (đạo diễn hình ảnh) và 7 quay phim. Mỗi một shot hình bình quân quay đến tám lần hoặc có thể hơn và đa phần sử dụng góc máy nghiêng… phá vỡ quy chuẩn về khung hình chuẩn mực của phim điện ảnh.
Khó nhất là thời gian quay không liên tục mà ngắt quãng để tìm bối cảnh thực tế. Đoàn làm phim đã từng chờ hai tháng rưỡi đến mùa mưa để quay cảnh nước ngập trong thành phố. Diễn viên của phim vì vậy cũng mang cảm xúc của nhân vật trong khoảng thời gian khá dài. Sống với phim, trở về với đời thực, rồi gầy dựng lại cảm xúc khi đến lúc hội đủ điều kiện cho cảnh quay mới.
Cảnh quay nước ngập mà đoàn phim phải chờ đến hai tháng rưỡi mới quay được
Riêng với đạo diễn Trần Thanh Huy, trong suốt tám năm trời thai nghén Ròm, anh làm việc không ngừng nghỉ, cao điểm có khi lên đến 18 đến 20 tiếng một ngày. Nhiều khi ăn, nghỉ tại quán cà phê để duy trì mạch cảm xúc viết kịch bản, không chỉ một mà tới 12 cuốn cho Ròm. Người ta nói vui “Khi Ròm ra đời thì tác giả của nó không còn ròm nữa”. Thực tế Huy đã tăng đến 20 kg vì chế độ làm việc và nghỉ ngơi xoay quanh Ròm suốt cả ngày lẫn đêm.
Cuộc chơi của người trẻ tuổi
Từ lúc tốt nghiệp đến nay, sau chuyến đi đến Liên hoan phim Cannes, có nhiều nhà sản xuất, dự án phim mời Thanh Huy tham gia nhưng anh đều từ chối để tập trung cho Ròm, bộ phim mang ý tưởng và lý tưởng của riêng anh. Bộ phim dành để chứng minh cho năng lực và sức sáng tạo của tuổi trẻ.
Trong đoàn phim, từ ê-kip sản xuất đến diễn viên đều là những người trẻ. Thời gian sản xuất 8 năm cũng là thời gian để họ hết mình với cuộc chơi và thông qua đó mà trưởng thành về mặt chuyên môn. Thường ngày bận bịu với việc mưu sinh, nhưng chỉ cần có một cú điện thoại từ đạo diễn, họ luôn tập hợp lại thành đội ngũ và không hề có một lý do cá nhân nào được đưa ra làm trì hoãn công việc.
Nhà tài trợ cho phim cũng không mong thu lại vốn từ Ròm, chưa kể gì đến doanh thu. Đã thế, đến giai đoạn hậu kỳ, để đạt được chất lượng âm thanh 5.1 cho phim chiếu rạp, đem đến cho khán giả bản giao hưởng “âm thanh của cuộc sống” một cách chân thật nhất, họ cũng chấp nhận cho Thanh Huy đem phim qua Pháp để hoàn thiện.
Nhận cúp lưu niệm tại Liên hoan phim quốc tế Busan
Và sau cùng đạo diễn Trần Thanh Huy đã khẳng định được tên tuổi của mình trên sân chơi quốc tế sau một thời gian dài “ẩn mình” hoạt động. “Ròm” giành giải thưởng “Làn sóng mới” (New Currents) - giải cao nhất tại liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019 và đến với khán giả Việt Nam vào ngày 25/9/2020, đạt doanh thu 10 tỷ đồng chỉ sau một ngày công chiếu.
Phim và cuộc đời
Trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, Trần Thanh Huy không khẳng định được cảm xúc vui hay xúc động khi Ròm nhận giải thưởng điện ảnh quốc tế. Có lẽ đó là sự bình tĩnh đón nhận một kết quả xứng đáng sau quá trình lao động hết mình của cả một tập thể. Nhưng anh đã khóc khi đạo diễn Vũ Thành Vinh hỏi “Phim cũng chính là cuộc đời của anh?.
Bởi vì hình ảnh của những đứa trẻ bán vé dò đã quá quen thuộc trong những xóm lao động, nơi anh đã gắn bó một phần đời mình ở đó. Những góc khuất tỉ mỉ, chi tiết đến từng hơi thở được anh đưa vào phim để người xem thấy đời “chạy” của những đứa trẻ mưu sinh bằng nghề này. Nó là ký ức mà anh từng nhìn thấy mỗi ngày, là trò chơi anh từng thử tham gia để kiếm tiền mua kẹo, là hiện thực vẫn tồn tại cùng cuộc sống của những người lao động kiếm cơm từng ngày.
Nhân vật Ròm luôn phải chạy (ảnh sưu tầm)
“Không được đứng, không được dừng, đừng đứng lại… Ngày hôm nay, ngày hôm qua… Từ khi nào?. Tao đã chạy từ lúc tao biết không còn ai lo cho tao nữa. Chạy vì miếng ăn, chạy vì nhà cửa, chạy vì một nửa và vì gia đình, cha mẹ, tương lai… Chạy nước rút cho cuộc đời, đến khi tao thấy mặt trời…”.
Bài hát “Chạy” của Wowy - rapper, không hẹn mà gặp ra đời cùng năm với bản phim ngắn “16:30”, cũng là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Trần Thanh Huy viết kịch bản phim Ròm. Từ khi ra đời, tinh thần của bài hát đã trở thành tinh thần của tuổi trẻ luôn hướng về phía trước. Đó cũng là tiếng nói của những đứa trẻ đường phố luôn đấu tranh để tồn tại và vượt qua nghịch cảnh.
Tuổi thơ phong trần của Wowy cũng từng chạy trên đường phố Sài Gòn. “Ròm”, nhân vật bán vé dò cũng chạy để giành lấy cơ hội mưu sinh. Và có lẽ đạo diễn Trần Thanh Huy cũng đã chạy cùng với thanh xuân để đạt đến thành công chân chính của người làm nghề đạo diễn.
Đón xem chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” mùa 2, phát sóng trên kênh HTV9, 22 giờ 45 phút mỗi ngày.
Phạm Nhi