Đầu thế kỷ 20, tờ báo nổi tiếng nhất ở Sài Gòn xuất bản bằng tiếng Việt là Nông Cổ Mín Đàm do Canavaggio làm chủ nhiệm và Lương Khắc Ninh làm chủ bút.
Trong các truyện Tàu (tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc) được dịch ra tiếng Việt hồi đầu thế kỷ 20, bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung được dịch sớm nhất. Tại Sài Gòn, bản dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa của Nguyễn Liên Phong và Nguyễn An Cư (chú của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) đã dược in thành từng tập vào năm 1906, tất cả có 31 tập. Một năm sau, tức là vào năm 1907, tại Hà Nội, bản dịch của Phan Kế Bính cũng được xuất bản thành từng tập.
Nói chung, độc giả truyện Tàu đều cho rằng hai bản dịch nói trên là những bản dịch sớm nhất. Ít người biết rằng trước đó 5 năm đã có một người Pháp dịch truyện Tàu này rồi. Đó là ông Cannavaggio, chủ nhiệm tờ Nông Cổ Mín Đàm, mà ngay từ số đầu tiên ra ngày 11/8/1901, đã có Tam quốc chí tục dịch. Đến số 8 ra ngày 19/9/1901, truyện dài nhiều kỳ này mới in kèm theo tên người dịch là Canavaggio.
Ông Canavaggio và tờ Nông Cổ Mín Đàm
Đầu thế kỷ 20, tờ báo nổi tiếng nhất ở Sài Gòn xuất bản bằng tiếng Việt là Nông Cổ Mín Đàm do Canavaggio làm chủ nhiệm và Lương Khắc Ninh làm chủ bút. Danh xưng tờ báo có nghĩa là những câu chuyện trà đàm về nông nghiệp và thương mại (cổ tức là cổ phần, góp vốn làm thương mại; mín đúng ra phải viết là minh, tức là trà non).
Đây là tờ tuần báo xuất bản ngày thứ năm mỗi tuần, dày 8 trang, khổ 20x27 (cm), với nội dung chủ yếu là nhằm cổ vũ cuộc “minh tân” (tức canh tân), khuyến khích người Việt phát triển nông nghiệp, góp vốn làm thương mại, áp dụng kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, học tập cách kinh doanh, tranh đua quyền lợi với Hoa kiều và Ấn kiều (chứ không tranh đua quyền lợi với người Pháp).
Về văn học, báo có đăng những bài thơ Đường luật, thơ lục bát thuộc loại xúc cảnh sinh tình, những bản dịch truyện “Tam Quốc chí”, “Kim cổ kỳ quan”, “Long đồ công án”… Điều đáng ghi nhận là trong số 159 ra ngày 29/9/1904, lần đầu tiên Nông Cổ Mín Đàm đã công bố 11 bài Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tích và mãi đến 22 năm sau, thi sĩ Đông Hồ mới sao lục và cho đăng lại trên tạp chí Nam Phong.
Ông Canavaggio làm chủ nhiệm tờ Nông Cổ Mín Đàm từ năm 1901 đến năm 1922, tức là tới khi ông từ trần. Sau đó, ông Nguyễn Chánh Sắt đảm nhiệm luôn chức chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến khi báo ngừng xuất bản vào ngày 4/11/1924. Đây là tờ báo có tuổi thọ khá lâu, hơn 23 năm.
Cửa thành Minh Mạng xây năm 1836, bị lính Tây phá vỡ năm 1859 (phỏng họa)
Có đúng ông Canavaggio là người dịch Tam quốc diễn nghĩa?
Là một người phương Tây rất yêu mến các tác phẩm văn học lịch sử châu Á, ông Canavaggio đã chọn bộ Tam quốc chí để dịch ra tiếng Việt, đăng trên tờ Nông Cổ Mín Đàm để các độc giả người Việt cùng thường thức.
Dưới đây là một trích đoạn của Tam quốc chí tục dịch, ký tên Canavaggio:
“Từ ngày Đổng Trác giết đặng Đình Nguyên và dụ đặng Lữ Bố rồi, thì nội triều chẳng có kiêng nể ai nữa, vậy nên truyền thiết yến điện cho mời các quan phó hội, rồi bàn truyện phế lập. Viên Thiện mới mắng Đổng Trác loạn thần, sao dám muốn bỏ dòng chính mà lập dòng thứ. Hai đàng khiêu khích muốn giết nhau. Có Lý Nhu can Đổng Trác rằng việc đại sự chưa xong, chẳng nên gây ra chuyện chém giết. Viên Thiện thấy vậy từ tạ bá quan, bỏ lên ngựa trở về Ký Châu. Các quan mới bàn cùng Đổng Trác rằng Viên Thiện giận bỏ về, e ngày sau sinh sự. Vậy chi bằng phong cho Thiện làm Thái thú một quận ngoài để mà mua lấy lòng người. Đổng Trác nghe lời, tuyên chiếu sai người ra phong Viên Thiện là Thái thú quận Bột Hải”.
Trong cuốn Những bước đầu của báo chí, tiểu phẩm và thơ mới (xuất bản tháng 1/1975 và được nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1992), tác giả Bùi Đức Tịnh có nhắc lại lời của cụ Vương Hồng Sển cho rằng bản dịch Tam quốc diễn nghĩa đăng trên tờ Nông Cổ Mín Đàm tuy ký tên Canavaggio, nhưng người dịch là Lương Khắc Ninh. Còn trong cuốn “Văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1865 – 1930 (Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1992, tái bản năm 1998), tác giả Bằng Giang khẳng định rằng người dịch đích thực là Canavaggio.
Theo Bằng Giang, ông Canavaggio là một nhà trí thức đã sống ở Nam Kỳ hơn 20 năm. Thời gian đó là quá đủ để dịch truyện Tàu ra tiếng Việt vì nhiều ngoại quốc chỉ cần vài năm là thông thạo Việt ngữ. Trước ông Canavaggio, một sĩ quan hải quân Pháp là Aubaret (1825 – 1894) đến Viễn Đông hồi năm 1858 mà chỉ ba năm sau đã biên soạn xong cuốn tự vựng Pháp – Việt và Việt – Pháp (Vocabulaire Français – Annamite et Annamite Français, xuất bản ở Bangkok năm 1861), tiếp theo còn dịch cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức từ Hán ngữ ra tiếng Pháp.
Có thể kể thêm ông A. Landes (1850 – 1893) đến Nam Kỳ vào năm 1874, sau đó đã dịch truyện thơ Nhị độ mai ra tiếng Pháp (Les pramiers refleuris, xuất bản ở Sài Gòn năm 1874).
Quang cảnh đường Catinat (Đồng Khởi) trước nhà hàng Pháp “Continental”
Giáo sư Trần Văn Giàu trong lời bạt cuốn sách nói trên của Bằng Giang cũng cho rằng Bằng Giang đã có một phát hiện quan trọng là người đầu tiên dịch truyện Tàu ra quốc ngữ lại là một người Pháp.
Chúng tôi đã đến Thư viện khoa học xã hội trên đường Lý Tự Trọng để tìm lại báo Nông Cổ Mín Đàm. Lúc đầu, cô nhân viên ở phòng đọc tỏ ý hoài nghi vì qua hai đời sách ở thư viện bị mất cắp với quy mô lớn, không biết tờ báo cổ xưa hơn một thế kỷ nay còn được lưu giữ hay không. Rất may, khi tra cứu trong hộp thẻ, chúng tôi tìm ra Nông Cổ Mín Đàm với ký hiệu CV5.
Đọc lướt qua các số báo năm đầu tiên, có thể thấy rằng hai người viết bài nhiều nhất là Lương Khắc Ninh và Canavaggio. Số nào, mỗi người đều có đăng hai, ba bài. Kế đó là Nguyễn Thành Sắc, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương, Đỗ Thanh Phong...
Riêng về bài đăng trang nhất (gần như xã luận) thì số báo nào cũng có bài của Lương Khắc Ninh hoặc Canavaggio. Ông Canavaggio viết về đủ mọi đề tài, đủ biết kiến thức ông rất rộng, đồng thời vốn tiếng Việt và chữ Hán của ông rất phong phú.
Trong số 18 (ngày 28/11/1901), ông Canavaggio đã viết bài nhan đề Nhiệm trọng trách đại (có chú thích bên cạnh là Nặng gánh nhiều lo) nhằm kêu gọi người Việt Nam chỉ vì chạy theo học tiếng Pháp mà lo là việc trau dồi tiếng của nước mình:
“Tuy tôi không phải là người bổn quốc mặc dàu, sống ở đây lâu năm rồi, tôi cũng nghe được hiểu được tiếng tăm, cách điệu con nhà An nam ra thế nào.
Tiếng An nam cũng như tiếng các nước khác, có tiếng nói thanh bai, có lời nghe thô tục, cho nên tuy sanh ra trong nước biết nói mặc dầu, mà không học thì cũng chưa gọi là biết tiếng mình cho lắm. Kẻ từng hơn thường hay chê bai lớp sau đây chuyên có một việc học tiếng Lang sa (tiếng Pháp) mà bỏ quên cách điệu riêng mình gần hết ráo.
Lúc còn nhỏ không can chi, nói bậy nói bạ không ai chấp nhặt. Chứ ra mặt rồi, đáng mặt rồi, mà không ăn nên đợi, nói chẳng nên lời thì lương tâm không nhôt nhạt, không áy náy hay sao?”.
Mới hay, từ xa xưa đã có người Pháp rành tiếng Việt và có tấm lòng yêu mến tiếng Việt như Canavaggio.
Trần Vĩnh An