(HTV) - Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện tình trạng giả mạo lãnh đạo - công chức, viên chức cơ quan nhà nước - thông qua nhiều hình thức khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dù những quy định - chế tài xử phạt đều đã có, thế nhưng, bất chấp tất cả, các đối tượng lừa đảo vẫn ngang nhiên hoạt động. Vậy nên, rất cần những giải pháp quyết liệt để có thể ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi vi phạm này.
Các hình thức được đối tượng lừa đảo áp dụng:
- Mạo danh giáo viên, hiệu trưởng trường học - nhân viên y tế, bệnh viện
- Mạo danh cơ quan tư pháp
- Và mạo danh cả công an để thực hiện những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Gần đây nhất là vụ việc mạo danh công chức thuế hướng dẫn cài đặt app để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.
Hàng loạt các trang báo điện tử đưa thông tin về vụ việc mạo danh Cục thuế TP.HCM để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cụ thể đối tượng giả danh cung cấp đường dẫn và hướng dẫn người sử dụng cài đặt các ứng dụng giả mạo ứng dụng của Cục thuế TP.HCM nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền.
Ngay sau đó Cục Thuế TP.HCM đã phát đi cảnh báo về việc này.
Ông Nguyễn Hoa Bắc - Trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Cục Thuế TP.HCM cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp cơ quan báo chí, cơ quan chức năng công an để xác minh điều tra từ đó tìm hiểu hành vi lừa đảo và kịp thời thông báo đến cho người dân. Cũng thuế cũng đã tăng cường việc truyền thông về danh bạ số đt của cục thuế đến cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được biết đây là những số điện thoại chính thống của Cục thuế để liên hệ".
Ông Nguyễn Hoa Bắc - Trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Cục Thuế TP.HCM
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena: "Quá trình giám sát an ninh thông tin mạng chúng tôi thấy hiện nay rất nhiều thông tin lừa đảo trên không gian mạng - internet, Zalo, Viber để nhắn đến từng người, nhũng thông tin đó họ xây dựng lên kịch bản cực kỳ hợp lý. Họ nghiên cứu đưa ra những tình huống giống như thông tin đưa ra từ cơ quan chức năng nên người tiếp nhận nghĩ thông tin thật nên họ đã thực hiện theo hường dẫn từ đó cứ làm theo tới lúc sập bẫy..chúng tôi cũng đã ghi nhận những trường hợp những người lớn tuổi vì những tin nhắn mà họ đã chuyển hàng tỷ đồng, khi đã chuyển rồi thì không thể nào thu hồi được và khi thực hiện xong thì số tài khoản đó cũng bốc hơi".
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ cùng Phóng viên HTV Thu Tình
Trung tâm An Ninh mạng Athena mỗi ngày tiếp nhận khoảng trên 5.000 cuộc tấn công trực tiếp bên cạnh đó là hàng trăm thông tin giả mạo tung lên mạng xã hội thông qua các kênh TikTok, Zalo, Facebook. Những vụ vi phạm, lừa đảo bằng nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm là không thể thiếu. Tuy nhiên, cũng không thừa nếu mỗi người dân, doanh nghiệp chủ động nâng cao tinh thần cảnh giác trước những chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo.
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9