Ca sĩ Huỳnh Lợi yêu âm nhạc dân gian bởi sự phong phú, đa dạng

“Ca khúc dân ca là những tác phẩm có nội dung hay, giai điệu đẹp. Khi tiếp cận, chúng ta sẽ hiểu và thêm tự hào về đất nước và con người Việt Nam” – ca sĩ Huỳnh Lợi chia sẻ.


Ca sĩ Huỳnh Lợi – người đã có gần 30 năm gắn bó với dòng nhạc dân ca  

Huỳnh Lợi chủ yếu thể hiện các bài hát dân ca Bắc bộ, trong đó nhiều tác phẩm đã được HTV thu hình phát sóng, có thể kể như:  Tháng Giêng đến hẹn, Đi tìm chị Hai xinh, Hẹn hò Quan họ, Tháng Giêng anh đưa em về, Chút bâng khuâng chiều xuân, Ai xui Quan họ, Cảm xúc mùa xuân, Cảm ơn em mùa xuân, Về đồng, Gió đồng... và một số tác phẩm dân ca vùng miền khác. 

Mới đây, anh tiếp tục “rót mật” vào lòng người nghe với nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca Gặp nhau trên núi (Nhạc: Lại Hồng Xứng – Thơ: Lại Quốc Biểu), sẽ được giới thiệu trong chương trình Sắc màu âm nhạc phát sóng lúc 15g20 ngày 27/6 trên HTV9.

Xin chào ca sĩ Huỳnh Lợi. Được biết, trong chương trình “Sắc màu âm nhạc” tháng 6, anh có tham gia thể hiện ca khúc “Gặp nhau trên núi” của nhạc sĩ Lại Hồng Xứng. Xin anh cho biết cảm nhận của mình về ca khúc mới này?

Ca khúc có chất liệu dân ca Tây Bắc được viết ở nhịp 2/4, âm vực tương đối rộng. Ông chỉ mượn chút điệu tính âm nhạc vùng cao, điển hình là chùm 3 luyến đặc trưng. Ông chỉ quan trọng nét văn hoá nơi đây là “Chợ tình”... ở đó chỉ có rượu và khèn. Mặt khác, ông khéo léo vẽ lên hình ảnh đẹp của thiếu nữ vùng cao bên cạnh những địa danh tưởng chừng như khô cứng thành dễ chịu và đáng yêu. Kết thúc ca khúc, ông nhấn mạnh văn hoá nơi đây sẽ luôn được tổ chức hằng năm “Hẹn năm sau cùng anh nhé, về chợ tình Khau Vai”. 

Năm 2018, tôi và nhạc sĩ Lại Hồng Xứng có chuyến biểu diễn ở phía Bắc, tôi hát ca khúc Chợ tình của ông, được phổ từ thơ của nhà thơ Lại Quốc Biểu. Sau buổi diễn, chúng tôi gồm nhạc sĩ, nhà thơ và tôi hẹn nhau sẽ làm một chuyến về chợ tình. Nhưng do bận công tác, tôi đã không tháp tùng cùng chuyến đi của các ông trong năm 2019. Được nghe kể và xem hình ảnh thực tế của chuyến đi ấy, cũng như một tác phẩm mới đã ra đời là Gặp nhau trên núi, tôi rất hào hứng để thể nghiệm một tiết tấu khác của thể loại âm nhạc này, cũng như đã hiểu thêm gì về văn hoá “Chợ tình”. Bây giờ chỉ còn chờ sự đón nhận cũng như phản ứng của bạn xem đài, để làm thước đo cho sự hứng thú có hiệu quả hay không thôi (cười).


Ca sĩ Huỳnh Lợi có mối thâm giao với nhạc sĩ Lại Hồng Xứng

Cảm nhận của anh về âm nhạc của nhạc sĩ Lại Hồng Xứng?

Tôi vui vì được hát các sáng tác của ông và hát nhiều nữa là khác. Âm nhạc của ông cũng nhẹ nhàng, năng động như chính con người ông, không ồn ào nhưng cũng rất linh hoạt, uyển chuyển dù chuyên môn chính của ông là kỹ sư xây dựng.

Đã đặt bút sáng tác, ông đặt cả bầu tâm huyết vào nó, vì thế mỗi lần hát bài mới của ông là một thử thách, đã vượt qua rồi là hạnh phúc.

Lý do gì đã đưa anh đến với những khúc dân ca truyền thống?

Trên ghế nhà trường (Nhạc viện) dạy rất kỹ về dân ca, một số lớn ca khúc truyền thống cũng mang âm hưởng dân ca. Trong quá trình làm nghề, tiếp xúc và được trải nghiệm từ các tác phẩm của các nhạc sĩ, bắt nghệ sĩ chúng tôi phải quan tâm (Trách nhiệm của nghệ sĩ đối với nghề). Thêm vào đó dân ca, điệu lý, câu hò cơ bản rất ngọt ngào, thường các tác phẩm mang âm hưởng dân ca luôn ca ngợi nét đẹp của quê hương mình, đẹp từ thiên nhiên đến con người. Một phần vì giọng hát của tôi cũng phù hợp với âm nhạc dân ca.

Ca sĩ Huỳnh Lợi trong chương trình “Miền ký ức”

Có sự gắn bó lâu dài với dòng âm nhạc dân ca, anh có cảm nhận như thế nào về thể loại này?

Mỗi vùng miền có màu sắc âm nhạc dân gian khác nhau từ điệu lý, câu hò, lời ru... Dân ca lời cổ hay và đắt nhưng chỉ dừng ở mức bảo tồn, bảo tàng. Vì thế, để phát huy vai trò của âm nhạc dễ đi sâu vào trong lòng quần chúng nhân dân cho các đề tài giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội thì cần phải đặt lời mới sao cho phù hợp. 

Một bộ phận nhạc sĩ lại sáng tác các ca khúc dân ca cải biên, dân gian đương đại với đề tài phong phú, gần gũi với đời sống của các tầng lớp xã hội. Đến hôm nay, âm nhạc dân gian đã có chỗ đứng trong lòng nhân dân thông qua kênh truyền thông như HTV, đã nhiều năm miệt mài sản xuất các chương trình thuần về dân ca và đã có hiệu quả nhất định.


Ca sĩ Huỳnh Lợi trân trọng giá trị nghệ thuật truyền thống

Hiện nay, nhiều ca sĩ trẻ lại hướng mình đến các dòng nhạc trẻ, sôi động, thị trường, anh có lo ngại dòng nhạc dân ca sẽ bị mai một không thưa anh?

Hiện nay, âm nhạc Việt đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Lớp trẻ hiện thời xứng đáng là đại diện của nước nhà vươn ra và bắt kịp với xu thế phát triển âm của thế giới. Âm nhạc ngày nay đa dạng, đủ màu sắc, các bạn biết pha trộn âm nhạc bên ngoài với âm nhạc trong nước để tạo ra màu sắc riêng nhưng vẫn mang bản sắc Việt. 

Một minh chứng rõ nét là, sau này nhiều bạn trẻ yêu thích dân ca đã chuyển thể các tác phẩm đi vào đời sống chúng ta bằng những tiết tấu sôi động, dễ nghe phù hợp với hơi thở hiện đại, như: Tàu anh qua núi, Cô gái mở đường, Những cô gái quan họ... Chính điều này cho tôi cảm nhận “Dân ca truyền thống vẫn luôn có đất sống và sống rất mãnh liệt, quan trọng là cách nhìn từ mọi tầng lớp xã hội”. 


Ca sĩ Huỳnh Lợi tin dân ca truyền thống luôn có sức sống mãnh liệt 

Là nghệ sĩ xem trọng và đề cao vai trò của dòng dân ca trong âm nhạc truyền thống, hiện anh đã và đang có động thái nào nhằm góp phần gìn giữ và phát triển mạnh hơn nữa dòng nhạc này? 

Nếu nói về sự chủ động trong vấn đề này thì chưa hẳn, nhưng tôi luôn lưu tâm, để khi có cơ hội đều cố gắng hết sức trong khả năng của mình, như là mạnh dạn thử nghiệm giọng ca của mình với nhiều dân ca vùng miền khác nhau, đưa lên Youtube hoặc cha sẻ với mọi người qua trang facebook cá nhân chẳng hạn. Và hướng dẫn học trò tiếp cận với dân ca thường xuyên. Thật ra, hiện nay tôi vẫn khuyên các học trò của mình tập hát dân ca nhiều hơn.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này. Chúc anh luôn thành công!

Ngọc Hương