Phòng chống dịch COVID-19:

Cả hệ thống cùng làm truyền thông

Cách đây cả tháng, khi dịch COVID-19 chỉ mới bùng phát ở Trung Quốc và một số quốc gia, chưa lan rộng trên thế giới như hiện nay, những hộ dân và nhiều cơ quan ở TP. Hồ Chí Minh đã nhận được “Cẩm nang: Hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh”.

Đây là một nỗ lực trong công tác truyền thông của Ban Chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV). 5 triệu bản in cẩm nang nhanh chóng đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, khu dân cư phục vụ công tác tuyên truyền rất hiệu quả


Tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh ấn hành và phổ biến trong nhân dân

Từ tin nhắn Bộ Y tế đến thông tin trên các mạng xã hội

Khó mà kể hết những hình thức truyền thông cực kỳ đa dạng trong thời gian qua khi cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chống dịch như chống giặc!”. 

Tất cả các thuê bao điện thoại di động đều thường xuyên nhận được các tin nhắn từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông mang nội dung giải đáp những câu hỏi cơ bản, cung cấp những kiến thức cần thiết nhất về dịch bệnh COVID-19 cho mọi người, đặc biệt là các nội dung có tính chất kỹ năng: Cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm bệnh?”, “Sử dụng khẩu trang y tế thế nào là đúng cách?”, “Rửa tay như thế nào cho đúng cách?”… hoặc những hướng dẫn cách phòng chống tin giả mùa dịch.

Trên các con phố ở hầu khắp các quận huyện TP. Hồ Chí Minh, đâu đâu cũng có băng rôn, pa-nô, nhiều địa điểm có bảng điện tử với nội dung truyền thông về dịch bệnh COVID-19. 

Chưa đợi đến sự vào cuộc của các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, hệ thống các mạng xã hội, từ Facebook, YouTube, Zalo, Viber đến Lotus và các mạng trong nước đều vào cuộc trong nỗ lực truyền thông phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với những hình thức phong phú. Các fanpage do cơ quan, ban ngành chức năng lập ra thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và chia sẻ. Nhiều thành viên cộng đồng mạng đã động viên nhau chia sẻ các thông tin tích cực và cùng chống các tin tức giả, thông tin xuyên tạc trên mạng xoay quanh dịch viêm phổi cấp COVID-19.


TP. Hồ Chí Minh dùng nhiều bảng điện tử tại các địa điểm đông người qua lại để tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh chụp tại Ngã Sáu Lý Thái Tổ sáng 5/3/2020)

Nhìn ở bình diện chung, thông tin trên nhiều mặt trận, nhiều binh chủng tư tưởng tạo nên một bức tranh toàn diện, góp phần tạo sự tin tưởng, yên tâm trong toàn xã hội trước đại dịch. Tất nhiên, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thì công tác truyền thông cũng khó tạo nên được hiệu quả ấy. Hay nói đúng hơn, truyền thông đã cùng với các ngành chức năng, góp phần giúp người dân an tâm và biết hành xử đúng đắn, góp phần chung vào công tác kiểm soát tốt tình hình, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; giúp người dân không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng trong xã hội; không để ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước. 

Tỷ lệ tin bài, mật độ, tần suất thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trong hơn tháng luôn cao. Các chuyên gia đầu ngành thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền thông chính thống từ báo online đến truyền hình, từ phát thanh đến báo in, để chia sẻ kiến thức kỹ năng cho người dân. Hệ thống truyền thanh cơ sở cũng tăng thời lượng để đưa các thông tin tư vấn cho người dân về phòng chống dịch bệnh.

Chống dịch bằng thơ, ca khúc, tranh cổ động, tranh biếm họa, sân khấu…

Mặt trận truyền thông phòng chống dịch bệnh Covid-19 không chỉ đa dạng, phong phú (tờ rơi, tin nhắn, bảng hiệu, pa-nô, áp phích, tài liệu, xe lưu động, đường dây nóng, báo chí, mạng xã hội…) mà còn cực kỳ đa dạng hình thức, trong đó, có nhiều hình thức nghệ thuật như thơ, hò, vè, ca khúc, tranh cổ động, tranh biếm họa, tiểu phẩm sân khấu…  Những tác phẩm nghệ thuật này động viên mọi người cùng chung tay chống dịch bằng những hành động thiết thực. Ví dụ, đây là một bài thơ theo thể thất ngôn bát cú, nội dung phê phán hành vi nâng giá khẩu trang kiếm lời:

Dịch cúm covi hiếm khẩu trang
Nhiều quầy giá cả cứ leo thang
Người hiền tạo phước đem từ thiện
Kẻ khát tiền luôn nói cháy hàng
Ngờ tưởng bầu kia cùng họ bí
Ngờ đâu lợi dụng kiếm cây vàng
Mong rằng pháp luật nên vào cuộc
Trừng trị thẳng tay... chớ lọt sàng

Hình ảnh trích từ MV ca khúc “Đánh giặc Corona! Xung kích là ngành ta”

Rất nhiều ca khúc dạng nhạc cổ động đã ra đời trong không khí cả nước chống dịch. Có thể kể đến bài hát Đánh giặc corona của TS. Lê Thống Nhất được ông và nhân viên Phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh thực hiện MV “theo phong cách ngành y”. Ca khúc này nhanh chóng có sức hút trên mạng xã hội và kéo theo nhiều người nổi tiếng vào cuộc trình bày lại với nhiều phong cách thú vị. Bài hát Đánh giặc corona có ca từ dễ hiểu như: "Không đến nơi đông người để dịch bệnh dễ lan ra. Nghi nhiễm cần kịp thời mau đi khám, cách ly xa" hay "Nhớ khẩu trang ta mang vì lợi ích ta an toàn. Nên nhớ khi đi về là cần rửa kỹ đôi tay. Ai cũng vì cộng đồng, không lây nhiễm corona".


Ca khúc “Ghen cô Vy” của Việt Nam nhắc đến trong chương trình Last Week Tonight with John Oliver (HBO) ngày 1-3. Sau khi nghe đoạn điệp khúc được trích dẫn trên HBO, nhiều khán giả quốc tế tìm kiếm bản thu gốc “Ghen cô Vy” trên kênh YouTube của Min để nghe (Hình ảnh trích từ MV ca khúc này)

Nhiều YouTuber, Vloger nổi tiếng cũng có những bài hát chống dịch thành công. Nhưng “nổi tiếng thế giới” phải nhắc đến ca khúc Ghen cô Vy. Đây là bài hát cổ động do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (thuộc Bộ Y tế) hợp tác với nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Min và ca sĩ Erik.

Ca khúc này được nhiều bạn trẻ trên thế giới rất thích, cùng lan truyền vì nội dung của nó đã trở thành hiện tượng mạng xã hội, thu hút giới trẻ quay video nhảy theo giai điệu. Mới đây, trong một show truyền hình nổi tiếng ở Mỹ - chương trình Last Week Tonight - bài hát này được MC John Oliver khen ngợi vì giai điệu sôi động và nội dung ý nghĩa về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

***
Khó mà thống kê hết các hình thức sáng tạo sinh động trong truyền thông phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua. Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi từng thành viên cộng đồng cùng ý thức trách nhiệm trong một nỗi lo chung thì ai cũng là nhà truyền thông năng động. Bức tranh truyền thông phòng chống dịch thời gian qua quả là một hình ảnh đáng trân trọng.
Phú Trang