Những người âm thầm đứng sau thế giới phim

Biên tập viên Thao Giang: Đam mê mới có thể gắn bó

Thao Giang là biên tập viên gắn bó với Ban Khai thác Phim Truyền hình được gần 25 năm. Anh nói, công việc biên tập phim truyện khá thầm lặng, nếu không có niềm đam mê, người làm sẽ cảm thấy chán nản.


Biên tập viên Thao Giang là một trong những người âm thầm đứng sau thế giới phim

Trước khi Phòng Khai thác Phim truyện (nay là Ban Khai thác Phim Truyền hình) được thành lập vào ngày 1/9/1998, lúc đầu chỉ có một biên tập viên phụ trách. Sau đó, được tăng cường thêm 4 biên tập viên kỳ cựu, giỏi chuyên môn để thành Tổ Phim truyện thuộc phòng Chương trình. Theo thời gian, công việc ngày một nhiều hơn với khung giờ, thời lượng phát sóng trên cả hai kênh HTV7 và HTV9 nên nhân sự cũng tăng dần. 

Để có một bộ phim “đạt chuẩn” lên sóng, biên tập viên phim truyện có cả list công việc “dài ngoằng” cần phải làm. Biên tập viên Thao Giang chia sẻ: “Đối với phim nước ngoài, biên tập phải thẩm định - hiệu đính - hậu kỳ (thuyết minh/lồng tiếng) - chỉnh sửa - hoàn tất nội dung, kỹ thuật trước khi phát sóng. Sau khi nghị định của chính phủ tăng thời lượng phim Việt Nam lên trên 50% trong cơ cấu phim truyền hình, Ban Khai thác Phim Truyền hình có thêm mảng xã hội hóa, hợp tác sản xuất phim truyện Việt Nam. Quy trình không khác gì với phim nước ngoài, nhưng biên tập phải thẩm định đề cương kịch bản - thẩm định kịch bản chi tiết - công tác tiền kỳ cùng với nhà sản xuất, đạo diễn. Sau khi phim hoàn thành, chúng tôi thẩm định thành phẩm lần cuối giống phim nước ngoài trong công tác hậu kỳ trước khi phát sóng”.

Nói họ là những người âm thầm đứng sau thế giới phim cũng hợp lý, bởi nếu một bộ phim hay, khán giả cũng chỉ biết đến diễn viên, đạo diễn, chứ nào biết về những con người âm thầm này. Biên tập viên Thao Giang đã có những chia sẻ khá hài hước và dí dỏm về công việc của mình: “Ai cũng nói công việc của chúng tôi giống phận làm dâu. Còn tôi lại nghĩ, chúng tôi như những người đưa đò, và các kênh truyền hình như những dòng kênh. Tất cả các dòng kênh đều chảy, mà phim truyền hình là một dòng chảy bồi hồi và lắng đọng cảm xúc nơi người xem.”.


Anh là người gắn bó gần 25 năm với Ban Khai thác Phim Truyền hình

Gắn bó với Ban Khai thác Phim Truyền hình từ những ngày đầu đến nay cũng gần 25 năm, biên tập viên Thao Giang nói, công việc trước đây hay hiện tại đều không có gì thay đổi, chỉ khác về phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại. Khác hẳn với công việc có phần sôi nổi của các biên tập viên ở những ban khác, biên tập viên phim truyện khá thầm lặng, nếu không có niềm đam mê, người làm sẽ cảm thấy chán nản.

Anh tâm sự: “Tôi xem công việc này là cái nghiệp của mình, vì tôi vào HTV là một cơ may khi đó Đài cần “nâng cấp” Tổ Phim truyện thành Phòng Phim truyện. Tháng 12/1995, tôi chính thức gia nhập HTV. Công việc của chúng tôi là đem món ăn tinh thần đến với khán giả - một công việc mà tôi đã từng ấp ủ. Bởi ngày trước, tôi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, là người thích đọc sách, yêu văn học và đam mê phim ảnh. Tôi cũng thuộc tuýp người không thích phô trương, sôi nổi nên rất hợp với biên tập phim truyện vốn là công việc hậu trường thầm lặng. Trước khi vào HTV, công việc của tôi không liên quan gì đến phim ảnh, nhưng đôi khi bản thân chưa thể khám phá hết khả năng của mình. Và lúc cơ hội đến, con người lại phát hiện ra khả năng mới. Tôi cũng vậy!”. 

Người biên tập phim truyện phải thật sự đam mê mới có thể gắn bó với công việc.

Là một trong những biên tập viên “lão làng” của Ban Khai thác Phim Truyền hình, anh Thao Giang cho biết, để làm tốt vai trò này cũng không phải đơn giản. Biên tập viên phải biết lắng nghe, luôn học hỏi, đọc nhiều sách, rèn luyện kỹ năng về tổ chức sản xuất, công tác đạo diễn… để thẩm định phim một cách chuẩn xác cũng như có thể trao đổi với đối tác khiến họ cảm thấy “tâm phục khẩu phục”. 

Anh nói: “Người làm công việc này phải cố gắng vươn lên, nếu họ “an phận cứ nghĩ như vậy là đủ” sẽ dậm chân tại chỗ và dễ bị đào thải. Trong quá trình làm nghề, tôi cũng từng gặp “những ca khó”, phải chỉnh sửa, cắt gọt, dựng lại gần như toàn bộ . Mỗi bộ phim ra mắt, chúng tôi đều nhận được ý kiến phản hồi từ khán giả, khen có, chê có, nhưng quan trọng đừng để sai sót về mặt chính trị, tôn giáo, những vấn đề nhạy cảm… Đến thời điểm này, cũng may là tôi chưa phải “ra hầu tòa” vì để lọt phim kém chất lượng hay sai sót lên sóng”.

Hoàng Minh