Lê Phương Nam: “Đạo diễn là nghề tôi chọn!”

Đạo diễn Lê Phương Nam là người gắn liền tên tuổi của mình với TFS kể cả phim tài liệu lẫn phim truyền hình. Ông nói, đạo diễn là nghề ông chọn vì may mắn có được những người thầy giỏi. Vậy ông đã chọn nghề này như thế nào?


Lê Phương Nam là đạo diễn gắn liền tên tuổi của mình với TFS

“Đạo diễn là nghề tôi chọn”

Đạo diễn Lê Phương Nam kể, năm 1980, vào cuối năm lớp 12, lúc đăng ký thi đại học, ông đã ghi nguyện vọng thi vào trường Điện ảnh khoa Đạo diễn trong lá đơn của mình. “Nhưng lúc đó, nước mình nào đã có trường đại học điện ảnh, và thế là… tôi đã lông bông đúng một năm trời! May mắn lúc đó Xí nghiệp phim Tổng hợp (nay là Hãng phim Giải Phóng) có mở một khóa nghiệp vụ đào tạo sơ cấp quay phim. Khóa học này chỉ có 18 tháng, nhưng tôi và các bạn cùng khóa đã được học kiến thức và kinh nghiệm từ những người thầy tài năng và tâm huyết lúc bấy giờ như: thầy Khương Mễ, thầy Lý Cương, thầy Cao Thụy và thầy Trần Ngọc Huỳnh… Đó là những người thầy đầu tiên truyền cho chúng tôi những đam mê và nhiệt huyết với nghề”, vị đạo diễn này chia sẻ.

Sau khi kết thúc khóa học, đạo diễn Lê Phương Nam về làm việc ở Xưởng phim Thời sự - Tài liệu thành phố. Nhưng sau gần 4 năm làm phụ quay, ông mới được giao máy để quay những thước phim đầu tiên. Ông nói: “Khi đó đất nước mình còn nghèo, phim nhựa quý lắm. Trước khi bấm máy, bản thân phải biết mình quay gì, ánh sáng, bố cục, góc độ… như thế nào để truyền tải được nội dung phim và ý đồ của đạo diễn. Tôi quan niệm, người quay phim như cây viết truyền tải thông điệp của người đạo diễn bằng ngôn ngữ hình ảnh”.


Đạo diễn Lê Phương Nam thời trẻ (cầm máy quay)

Năm 1988, TP. Hồ Chí Minh thành lập trường Đại học Điện ảnh, Lê Phương Nam và các bạn đồng nghiệp háo hức thi vào khoa Đạo diễn. Cũng như mọi người, ông có quan niệm: chỉ có nghề đạo diễn, bản thân mới độc lập “nói” được những suy nghĩ của mình thông qua tác phẩm của mình. Kỷ niệm sâu đậm nhất của vị đạo diễn này trong suốt 4 năm học chính là phim tốt nghiệp (thể loại tiểu phẩm truyện) có tên Chim Sứ. Ở bộ phim này, ông được tự do tuyệt đối trong sáng tác ở cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Đạo diễn Lê Phương Nam nói, kể những câu chuyện ở trên để thấy rằng: “Đạo diễn là nghề tôi chọn”. Nhưng ông may mắn có được những người thầy giỏi và tâm huyết, có được sự tin tưởng, đầu tư của các cơ sở sản xuất điện ảnh, truyền hình, của những người bạn đồng nghiệp… “Nếu như không có những điều này, liệu rằng nghề mà tôi chọn có đúng hay không (?!) Nói nghề chọn tôi phần nào cũng có điều đúng”, ông chia sẻ.

Năm 1988, Lê Phương Nam ra trường, vẫn công tác tại xưởng phim tài liệu và thực hiện những phim mà cơ quan giao trong vai trò đạo diễn. Ông làm phim với nhiều đề tài, từ lịch sử danh nhân, lịch sử thành phố cho tới đề tài kinh tế, xã hội… nhưng có lẽ bảo vệ môi trường thiên nhiên là đề tài mà ông thích thú và dành tình cảm nhiều nhất. 


Lê Phương Nam nói: “Đạo diễn là nghề tôi chọn”

Ông tâm sự: “Tôi còn nhớ năm 1994, đoàn phim chúng tôi lang thang mấy tháng trời tới tận cùng Đất Mũi Cà Mau để thực hiện bộ phim tài liệu nhựa Rừng Trắng. Đây là bộ phim kể về những cánh rừng tràm, đước, mắm đang dần mất đi trước nạn cháy rừng, chặt phá làm than và nuôi tôm. Những hậu quả của nó tác động mãnh liệt tới môi trường thiên nhiên và đời sống của cư dân vùng Đất Mũi Cà Mau trong hiện tại và tương lai”. 

HTV - Nơi gắn liền với tên tuổi

Đạo diễn Lê Phương Nam về công tác tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) từ năm 1999 khi đó cố NSND Phạm Khắc làm Giám đốc Đài, ông Nguyễn Hồ làm Giám đốc Hãng phim TFS. Ông thuộc biên chế của phòng Phim truyện trực thuộc Hãng phim TFS. Lúc này TFS đang là ngọn cờ đi đầu trong sản xuất phim truyện truyền hình của cả nước, và đã có những bộ phim truyền hình nhận được sự trân trọng, yêu thích từ khán giả như: Đất rừng Phương Nam, Ngọn nến hoàng cung… 

Đạo diễn Lê Phương Nam chia sẻ: “Cơ duyên của tôi được chọn về TFS có lẽ là được thử sức, “coi giò, coi cẳng” từ bộ phim Đất khách mà HTV giao cho ba chúng tôi (Tường Phương, Vinh Hương, Phương Nam) thực hiện trước đó. Chú Khắc, anh Hồ khi đó không chỉ là người lãnh đạo sáng tác mà còn như những người anh ruột thịt dìu dắt, giúp đỡ, chỉ bảo chúng tôi từ khâu kịch bản, phân cảnh, trường quay… trong thể loại phim truyền hình mà mọi người vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Tôi còn nhớ trong một lần đi thăm hiện trường đoàn làm phim Dưới cờ đại nghĩa đang quay ở Đồng Tháp, chú Phạm Khắc đã nói với chúng tôi rằng: “Các cháu cứ làm hết bằng khả năng của mình và hãy luôn tin rằng, phía sau còn có các chú, có khó khăn gì các chú sẽ hết lòng giúp đỡ và ủng hộ”. 

Tôi nghĩ, ngọn lửa đam mê với nghề của nghệ sĩ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” bởi điện ảnh, truyền hình là một nền sản xuất công nghiệp nếu không có vốn đầu tư hoặc đầu tư không đúng, không chính xác… thì liệu rằng người nghệ sĩ có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại được hay không (?!) Câu nói của chú Khắc là kỷ niệm sâu nặng trong lòng tôi”.


Ông thường chọn người nông dân, đề tài là nông thôn, bối cảnh là dòng sông, con rạch, đồng lúa trong các bộ phim của mình

Đạo diễn Lê Phương Nam còn cho biết, những năm sau, thời NSƯT Nguyễn Việt Hùng làm Giám đốc, TFS một năm thực hiện hơn 365 tập phim để mỗi ngày phát sóng một tập trong những “khung giờ vàng”. Đề tài cũng rất phong phú, từ cổ trang, lịch sử, truyền thống, xã hội hiện đại… đều là những “món ngon” đặc sắc trong bữa đại tiệc phim ảnh. Dòng phim chính luận nói riêng và những phim mang thương hiệu TFS nói chung đã tạo được sự tin tưởng, mong chờ và tình cảm trong lòng khán giả xem Đài. 

Để có được những chất liệu làm phim, ông nói, bản thân rất trân quý những năm tháng làm phim tài liệu, bởi vốn tài liệu đã phần nào giúp mình thổi được hồn hiện thực của cuộc sống vào trong ngôn ngữ của thể loại phim truyện. Đặc biệt, sự chân chất, mộc mạc trong hành động, cư xử, tình cảm của người nông dân; hay sự bao la, dạt dào của cánh đồng lúa, trữ tình của phong cảnh làng quê… là điều mà vị đạo diễn này cảm thấy tâm hồn mình phù hợp. Vì vậy, ông thường chọn nhân vật là người nông dân, đề tài là nông thôn, bối cảnh là dòng sông, con rạch, đồng lúa trong các tác phẩm của mình.

Hình ảnh là ngôn ngữ đặc trưng để truyền đạt khi theo nghề

Theo đạo diễn Lê Phương Nam, đã chọn nghề phim, cho dù thể loại tài liệu hay phim truyện, mặc nhiên người thực hiện phải sử dụng ngôn ngữ đặc trưng là hình ảnh để truyền đạt nội dung và hình thức. Thuyết minh trong tài liệu hay lời thoại trong phim truyện chỉ có giá trị phụ trợ cho ngôn ngữ hình ảnh. 


Đạo diễn Lê Phương Nam lấy chất liệu làm phim từ những năm tháng làm phim tài liệu

Ông chia sẻ: “Trong phim tài liệu, hãy “Thuyết” những gì chưa “Minh”, và nếu đã “Minh” rồi thì đừng có “Thuyết”. Chúng ta đừng bao giờ dựa hoàn toàn vào “Thoại” của diễn viên để chuyên chở nội dung, hình thức mà hãy diễn đạt bằng ngôn ngữ đặc trưng nhất là hình ảnh. Đó là những điều mà các thầy đã truyền đạt lại cho chúng tôi. Lĩnh hội thì không khó nhưng thực hiện thì thật là gian nan. Nhà văn vất vả trong quá trình đi tìm câu chữ, người làm phim không những vất vả mà còn nhiều khi nguy hiểm, đe dọa tới sinh mạng trong trong quá trình viết nên ngôn ngữ đặc trưng của nghề mình. Phải cố thôi, liều thôi cho bớt giả, bớt giản lược… chứ biết làm sao bây giờ khi công nghiệp làm phim của chúng ta chưa có phim trường và sự đầu tư như Hollywood”. 

Đạo diễn Lê Phương Nam nói, ngày nay HTV đang trong cơ chế tự chủ và sự chuyển đổi nào cũng có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Mỗi chúng ta cũng phải tự chuyển đổi cho phù hợp và phát triển. Đầu phim, tập phim, kinh phí thực hiện có phần hạn chế nên chăng sự độc đáo trong đề tài, mới lạ trong thể hiện, tiết kiệm hợp lý trong khâu thực hiện… là điều mà mỗi thành phần trong đoàn làm phim xem đó là “cứu cánh” để được làm nghề và làm được nghề!

***

Lời kết cho cuộc chia sẻ đầy thú vị về câu chuyện nghề, đạo diễn Lê Phương Nam nói: “Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng 45 năm kỷ niệm ngày phát sóng đầu tiên của HTV, tôi xin được góp kể một vài kỷ niệm nhỏ bé và cảm xúc của mình sau 20 năm công tác tại Đài. Chúc HTV ngày càng phát triển, chúc các chương trình luôn là người bạn của khán giả cả nước”.
Hoàng Minh