Biên kịch Hạnh Ngộ: Hạnh phúc khi được kể lại câu chuyện "Sống gượng"

Hạnh Ngộ là biên kịch tài hoa từng hợp tác với hãng phim TFS để cho ra đời nhiều kịch bản giàu tính nhân văn, trong đó có “Sống gượng”. Ngay từ khi cầm những trang bản thảo trên tay, Hạnh Ngộ đã quyết định phải chuyển thể câu chuyện này lên màn ảnh nhỏ.


Biên kịch Hạnh Ngộ cảm thấy hạnh phúc khi được kể lại câu chuyện "Sống gượng" lên màn ảnh nhỏ

Sống gượng (đang được phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt) được chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên của nhà văn Lê Tuyết. Đây là câu chuyện về thân phận phụ nữ: người mẹ truyền thống năm xưa và người con gái sống trong xã hội hiện đại. Tuy sống ở hai thời đại khác nhau nhưng họ vẫn chấp nhận bị bạo hành, và điều đặc biệt là sau những trận bạo hành đó, họ vẫn giữ được tình cảm vẫn chăm sóc người đã bạo hành mình. 

Vì vậy, khi hãng phim TFS nhận lời đề nghị chuyển thể cuốn truyện này thành kịch bản phim truyền hình, biên kịch Hạnh Ngộ đã vô cùng hạnh phúc. Nạn bạo hành gia đình đã từng xuất hiện đâu đó trong những bộ phim truyền hình, nhưng Sống gượng là tác phẩm phản ánh “đậm đặc” vấn đề này. Vì vậy, nếu mang nguyên câu chuyện từ trong truyện lên màn ảnh, không khí xuyên suốt sẽ rất nặng nề. 

Để chuyện phim có một màu sắc tươi mới và truyền tải thông điệp hy vọng về hanh phúc luôn tồn tại, Bút nhóm Nắng Sài Gòn của biên kịch Hạnh Ngộ đã thêm thắt những chi tiết mới, những nhân vật mới… nhưng tất cả vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là những chia sẻ của biên kịch Hạnh Ngộ về hành trình “thêm thắt” này.


Câu chuyện "Sống gương" mang một màu sắc tươi mới sau khi được "thêm thắt"

Chào biên kịch Hạnh Ngộ! Được biết mục đích chị “thêm thắt” vào kịch bản không phải để tăng tính hấp dẫn, mà vì muốn làm giảm bớt sự nặng nề trong cốt truyện. Chị có thể cho biết rõ hơn về việc này?

Để bộ phim giảm bớt không khí nặng nề, tôi đã thêm xóm nhập cư, tình làng nghĩa xóm của người miền Nam. Ở đây, họ đùm bọc và giúp đỡ nhau khi Như Ngọc từ miền Bắc vào bị chồng đánh đập. Những con người lao động chân tay, nghèo khó nhưng luôn ý thức phải yêu đời, lạc quan để vượt qua sóng gió trong cuộc đời. Nơi đó, có cặp vợ chồng Bé - Bự hài hước để màu của phim được tươi sáng hơn, không quá bi luỵ như câu chuyện của Như Ngọc.

Trong truyện ngắn, Như Ngọc chấp nhận và sống đến già với người chồng bạo hành. Còn trong phim, tôi chỉ kể đến khi cô ngoài 30 tuổi, không đủ sức chịu đựng khi phát hiện ra người chồng của mình quá ác. Chồng Như Ngọc không những ác với chính mình mà vì vị kỷ nên ác với con, với người thầy đáng kính của vợ, với cả những người xung quanh nên cô quyết liệt ôm con bỏ đi, khi bỏ đi không được cô nhờ đến đoàn thể và người khác giúp. Vậy nên, với quan niệm, nếu mình tự biết thương lấy mình, không để tâm hồn và thể xác mình bị dẫm đạp một cách tàn nhẫn quá nhiều lần, thì lúc đó, sẽ có lối cho người phụ nữ bị bạo hành thoát ra.

Và khi thêm thắt những gì ngoài nội dung trong truyện, tôi cũng nhận được sự đồng ý của tác giả. Cô ấy cũng trao toàn quyền cho tôi thêm thắt khi chuyển thể thành phim truyện truyền hình, bởi cô tin tôi vẫn sẽ giữ được chủ đề của câu chuyện không bị thay đổi hay bóp méo khi nó lên phim.


Diễn viên Quang Sự vai Huy (áo xanh) - chồng Như Ngọc đã thể hiện được sự nồng ấm cũng như sự vị kỷ của nhân vật

Chị và nhóm của mình có từng gặp khó khăn hay thuận lợi gì trong quá trình chuyển thể?

Với tôi, thuận lợi khi chuyển thể là tôi rất thương nhân vật Ngọc, chỉ nghĩ đến cô ấy thôi cũng khiến tôi rung động. Đó là một phần nhỏ thôi, nhưng có mang cả hình ảnh bà tôi, mẹ tôi, dì tôi… họ không bị ít hơn hai lần người đàn ông mình yêu, đầu gối tay ấp “hạ thẳng tay”, nhưng họ vẫn yêu và thần tượng người đàn ông ấy. Họ bỏ qua và chấp nhận những thiệt thòi về mình là hình ảnh của Như Ngọc. Tôi thương, đồng cảm nhưng không đồng quan điểm này, vậy nên, tôi nói về Như Ngọc một cách khách quan hơn cho khán giả truyền hình được có nhiều góc nhìn về người phụ nữ bị bạo hành này. 

Có một chút khó khăn là tôi phải hòa mình vào không gian của Như Ngọc, nơi từ nhỏ cô đã yêu thương người mẹ tội nghiệp của mình, hai đời chồng nhưng không hạnh phúc. Như Ngọc sống với cha dượng, được cả yêu thương và đánh đập… đó không phải là hoàn cảnh của tôi, nhưng tôi cũng hòa nhập để làm được công việc biên kịch những tình tiết cho kịch bản phim của mình. 


Khi chuyển thể kịch bản, biên kịch Hạnh Ngộ đã phải hòa mình vào cuộc sống của Như Ngọc (do Lê Chi Na đóng) để cảm nhận mọi thứ

Khi bắt tay chuyển thể kịch bản, ngoài chị còn có thêm người bạn đồng hành là biên kịch Nguyễn Quỳnh. Vậy khi chuyển thể, hai chị có từng bất đồng quan điểm chưa? Và cả hai đã mất bao lâu để cho ra đời bộ phim này?

Cách đây 5 năm, chúng tôi xác định với nhau là làm việc nhóm, có tên: Bút nhóm Nắng Sài Gòn, một nhóm biên kịch toàn nữ. Chúng tôi làm việc khá ăn ý vì đã từng viết với nhau nhiều dự án trước đó. 

Khi chuyển thể Sống gượng, chỉ có tôi và Nguyễn Quỳnh theo đuổi đến cuối cùng vì dự án kéo dài, khoảng 6 tháng. Trước đó còn có Phương Huyền và Dư Phong hỗ trợ “chạy đường dây”, Ngọc Hạnh biên tập đề cương… Còn tôi và Nguyễn Quỳnh phải họp với nhau nhiều lần để tạo bối cảnh cho phim, vì trong truyện viết theo hành trình nhân vật nên bối cảnh khá nhiều và không đặc sắc. Dự án kéo dài khá lâu nhưng khi TFS hối thúc giai đoạn cuối để có kịch bản hoàn chỉnh bấm máy, tôi và Nguyễn Quỳnh đã hoàn tất trong khoảng 2 tháng. 

Tôi thật sự khá hài lòng vì màu sắc và cảm xúc của từng nhân vật trong kịch bản. Nhân vật nào cũng có cá tính khác biệt, tương trợ hoặc đối lập với nhau và đáng để kể về họ. Đây cũng là một trong những tác phẩm lấy chất liệu từ văn học cho điện ảnh mà chúng tôi yêu quý nhất.


Vai người cha dượng nghiêm khác và luôn cho rằng mình đúng đã được diễn viên Tùng Dương khắc họa một cách rõ nét

Khi theo dõi các tập phim, dàn diễn viên đã thể hiện được trọn vẹn những gì kịch bản đề cập chưa?

Thật ra, đòi hỏi điều này hơi làm khó diễn viên. Tuy nhiên, tôi đã thấy được Như Ngọc (do Lê Chi Na đóng) rất ấn tượng; Huy - người chồng của Như Ngọc (do Nguyễn Quang Sự đóng) nồng ấm và vị kỷ; ông Hưng (do Tùng Dương đóng) - người cha dượng nghiêm khắc và luôn cho rằng mình đúng; và chiều sâu của tác phẩm văn học qua mẹ Vân (do Thuý Hà đóng), bà Nội (do Ngọc Tản đóng)… Và chính tác giả cũng đã khóc khi nhìn thấy các nhân vật - cũng là những người thân của mình đồng hiện trên phim. 

Khi “con đẻ" lên sóng, cảm xúc của chị như thế nào? Chị có kỳ vọng gì về bộ phim mang lại cho khán giả?

Khi Sống gượng ra mắt khán giả, tôi và cả nhóm đều rất vui mừng như cảm giác của một cô sinh viên lần đầu được đăng báo vậy. Bao nhiêu cảm xúc lúc tôi đọc và viết Sống gượng dâng trào, “nghèn nghẹn” và hồi hộp. 

Tôi tin phim Sống gượng sẽ chiếm được tình yêu thương và sự quan tâm của khán giả truyền hình, nhất là trong lúc xã hội vẫn còn nhiều những mảnh đời phụ nữ bị bạo hành trong gia đình nhỏ của mình. Tôi cũng hy vọng bộ phim mang đến cho người xem tiếng chuông cảnh tỉnh cho người bị bạo hành lẫn người bạo hành, bởi cả hai, vô hình chung, chẳng ai có thể hạnh phúc, tổ ấm sẽ biến thành địa ngục khi sự việc đáng tiếc đó xảy ra.

Cảm ơn biên kịch Hạnh Ngộ đã có những chia sẻ thú vị về bộ phim!
Hoàng Minh