Bản quyền: Chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…

Ngày 30/6/2019, bức ảnh chụp hình một anh lính cứu hỏa nhỏ lệ lan truyền chóng mặt trên Facebook và sau đó, nhiều tờ báo lớn cũng sử dụng để lấy nước mắt bạn đọc về chuyện chữa cháy rừng Hà Tĩnh. Hóa ra, thấy vậy mà không phải vậy.


Bức ảnh anh lính cứu hỏa được chụp ngày 15/4/2014 tại một vụ cháy ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) của phóng viên Nguyễn Khánh đã bị khai thác sử dụng trái phép minh họa cho thông tin về vụ cháy ở Hà Tĩnh

Thực tế bức ảnh ấn tượng ấy được chụp cách nay hơn 5 năm, cụ thể là ngày 15/4/2014, tại một vụ cháy ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) và đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh. Tác giả bức ảnh là phóng viên Nguyễn Khánh.

Thế nhưng, xuất phát từ động cơ kêu gọi cộng đồng chia sẻ với vụ cháy nặng nề ở Hà Tĩnh, một facebooker vô tư dùng lại bức ảnh này để minh họa mà không chú thích rõ. Rồi cứ thế, “cư dân mạng” sau đó lại tiếp tục chia sẻ và "chuyển khẩu" anh lính cứu hỏa trong hình từ Hà Nội về Hà Tĩnh. Điều đáng tiếc là nhiều tờ báo lớn khi thấy bức hình lan truyền trên mạng, đã khai thác sử dụng lại mà không thẩm định, một thao tác bình thường đối với báo chí chuyên nghiệp. Khi sự cố này được làm rõ từ một chia sẻ của tác giả ảnh, phóng viên Nguyễn Khánh, trên Facebook, bức ảnh đã được nhiều trang mạng âm thầm xóa đi.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường trực tuyến hiện nay. Đây không phải là chuyện mới, nhiều năm qua, thực trạng này đã được lên tiếng trên báo chí, trên các hội nghị, hội thảo. Và mặc dù vi phạm bản quyền là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, nhưng số người vi phạm hiện vẫn còn “lờn” do những xử phạt, chế tài, cảnh báo chưa đủ sức răn đe.

Rất nhiều tác giả ảnh bị xâm phạm bản quyền chỉ biết lên Facebook than thở vì chuyện kiện cáo quá nhiêu khê. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định là người từng đoạt nhiều giải thưởng ảnh quốc tế mới đây tìm kiếm trên mạng đã phát hiện ra hàng chục điểm rao bán ảnh và tranh vẽ lại từ ảnh “cầm nhầm” các tác phẩm của anh. Có người còn trơ trẽn trả lời những ý kiến phản ứng của anh về bản quyền rằng, vì anh đã công khai ảnh trên mạng nên họ… có quyền khai thác.

Chị L.M.D - nữ giáo sư, tiến sĩ của Đại học KHXH - NV Hà Nội mới đây cũng than phiền rằng một đề cương giảng dạy của chị đã bị một giảng viên ở trường đại học khác sao y bản chính và tự tiện ký tên bên dưới.

Thơ cũng bị chép lại không dẫn nguồn, truyện ngắn cũng bị “đạo”, rất nhiều bài báo bị “luộc” vô tư và thậm chí những bài viết trên facebook cá nhân cũng bị sao chép không cần xin phép.

Sự phát triển của Internet, đặc biệt là sự phát triển của truyền thông xã hội và sự tiện lợi của các công cụ kỹ thuật đã góp phần làm cho đời sống thông tin phong phú. Internet giờ đây là biển thông tin khổng lồ mà không một thư viện nào có thể sánh được. Internet trở thành địa chỉ cung cấp tài nguyên thông tin mà con người hiện nay có xu hướng nghĩ đến trước tiên mỗi khi có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề về cuộc sống cá nhân và đời sống xã hội. Truyền thông xã hội giúp cho ai cũng có thể sản xuất và chia sẻ thông tin tự do, quá tự do, cho nên, ý niệm về “bản quyền tri thức” đã bị thử thách, “văn hóa bản quyền” bị xem nhẹ, “đạo đức bản quyền” không được tôn trọng.


Bức ảnh “gửi hương cho gió” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định hiện đã bị nhiều người in sao hoặc vẽ thành tranh để bán

Hiện nay, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia nằm trong top đầu thế giới về vi phạm bản quyền trên nhiều lĩnh vực như phim ảnh, sách, đặc biệt là phần mềm... Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng nếu không ngăn chặn tình trạng này thì chúng ta khó tiếp cận công nghệ mới, thậm chí là gặp nhiều rào cản hội nhập. Việt Nam đã gia nhập nhiều định chế quốc tế, vi phạm bản quyền về lâu dài có thể dẫn đến các vụ kiện tụng và đền bù thiệt hại tại các toà án quốc tế. Bởi hội nhập là tham gia một sân chơi sòng phẳng và minh bạch, trong đó vấn đề bản quyền rất được coi trọng. 

Không chỉ những cá nhân trên truyền thông xã hội mà nhiều cơ quan báo chí hiện nay cũng còn tình trạng khai thác tin thế giới, tin kinh tế, tin khoa học - kỹ thuật, tin văn hóa - nghệ thuật từ các kênh nước ngoài để biên dịch mà “quên” dẫn nguồn hoặc lách bằng hình thức “tổng hợp”. Đây thực chất không còn đơn thuần là chuyện đạo đức nghề nghiệp mà là những vấn đề pháp lý sẽ nảy sinh chưa thể lường trước được. 

Tiến trình hội nhập ngày càng sâu sắc hơn. Truyền thông Việt Nam hiện nay và trong những năm tới chắc chắc sẽ đối mặt với vấn đề bản quyền để phát triển bền vững. Công bằng mà nói, chúng ta đã có nhiều biện pháp pháp lý, biện pháp giáo dục để ngăn ngừa nhưng thực trạng này vẫn chưa giảm. Trước mắt, từng thành viên trên mạng xã hội cần nhắc nhau để tự điều chỉnh hành vi xâm phạm bản quyền, góp phần làm trong sạch đời sống truyền thông.
Phú Trang