Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/08/1888 tại xã Mỹ Hoà Hưng, cù lao Ông Hổ (nay thuộc Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) - một khu đô thị được thành lập lâu đời của đồng bằng sông Cửu Long.
Chân dung Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Ông là vị Chủ tịch nước thứ hai của nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nhân dân cả nước ta tôn kính gọi ông với cái tên trìu mến: Bác Tôn.
Thưở nhỏ Tôn Đức Thắng theo học chữ nho với thầy Nguyễn Thượng Khách và sau đó tốt nghiệp sơ học trường Tiểu học Long Xuyên, năm 1906. Dẫu yêu quý và gắn bó với những cánh đồng lúa, với những đàn cò trắng của quê hương, nhưng ông đã nhận ra rằng “không thể thay đổi cuộc đời bằng các thửa ruộng cằn cỗi” mà ước mơ được đi xa hơn, hiểu biết nhiều hơn để tự lập. Và như một cánh chim, Tôn Đức Thắng rời Long Xuyên lên Sài Gòn học việc và làm công nhân nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn.
Ngôi nhà sàn do song thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng xây dựng tại cù lao Ông Hổ
Năm 1914, ông bị bắt lính sang Pháp, làm thợ máy cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào Xô Viết tại Hắc Hải năm 1919, treo cờ đỏ trên chiến hạm tại đây để ủng hộ Cách mạng tháng mười Nga. Năm 1920, ông về nước, xây dựng cơ sở công hội đỏ; vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8 năm 1925). Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ; bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn (1928), kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo (1930-1945). Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào sáng 13/5/1975
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Ông là Phó ban Thường trực Quốc hội (1946-1955) rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960), tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục các khóa I-VI. Về mặt chính quyền, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 5 năm 1947-tháng 11 năm 1947); Thanh tra đặc biệt toàn quốc (tháng 8 năm 1947), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1969-1980). Về mặt Đảng, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1947, từ khóa II đến khóa IV.
Bác Hồ và Bác Tôn
Với tấm lòng kính trọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào Nam Bộ nói riêng. Và mong muốn góp phần giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam hiểu hơn công lao, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước để giành độc lập, tự do cho đất nước hôm nay, mời quý khán giả đón xem bộ phim tài liệu Bác Tôn – người con của Nam Bộ Thành Đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngày 19/8/1958)
Phim gồm 4 tập phát sóng lúc 8g từ ngày 27/3 trên HTV9 do Hãng phim TFS thực hiện sẽ thể hiện sinh động cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn.
Thùy Trang