(HTV) - HNgày 01/05 - Ngày Quốc tế Lao động, cũng là dịp kỷ niệm Ngày phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình TP.HCM.
48 năm qua, đội ngũ đài truyền hình TP.HCM - HTV luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình
Làn sóng của Đài đã mang đến khán giả cả nước và khắp thế giới những chương trình truyền hình đậm bản sắc, dấu ấn riêng. 48 năm qua, đội ngũ đài truyền hình TP.HCM - HTV luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình. Điều này được thể hiện rõ ở các chương trình do Đài tự sản xuất, chất lượng từng bước được nâng cao ở mảng tin tức thời sự, chuyên đề, khoa giáo, văn hóa nghệ thuật, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền. Truyền thống hàng chục năm của nhiều thế hệ người làm truyền hình đang được tiếp nối bởi lòng yêu nghề của tập thể trẻ trung, sáng tạo HTV hiện tại.
Hình ảnh tư liệu khó quên từ buổi phát sóng đầu tiên 1/5/1975
Tiền thân của Đài Truyền hình TP.HCM là Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, phát sóng buổi đầu tiên lúc 19 giờ ngày 1 tháng 5 năm 1975.
48 năm HTV, 32 năm TFS, tiên phong thực hiện phim Tài liệu - Ký sự đầu tiên trên cả nước, với đỉnh cao là bộ phim dài kỳ "Mekong Ký Sự"
Ở tuổi 48, tập thể Đài Truyền hình TP.HCM tiếp tục giữ vững tinh thần tiên phong truyền thống của mình trong nhiều hoạt động, đặc biệt là công tác số hóa truyền hình. Tại HTV, hiện hầu hết các khâu sản xuất, lưu trữ, khai thác và phát sóng đều đã được thực hiện trên môi trường số với các qui trình chặt chẽ. Một số qui trình như sản xuất chương trình tin tức hiện đang thực hiện hoàn toàn dựa trên môi trường mạng từ khâu lên kịch bản, kiểm duyệt, lên bản tin, phát sóng và phân phối. Các chương trình truyền hình của HTV cũng đã được đưa lên môi trường internet thông qua website, các mạng xã hội phổ biến như Youtube, Facebook, TikTok và ứng dụng HTVC do HTV phát triển.
Trong thời gian tới HTV sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các quy trình hơn nữa, tích hợp các quy trình nhằm tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả nguồn chương trình, có được mô hình kinh doanh nội dung hiệu quả trên internet.
Ông Nguyễn Hải Triều - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình HTV
Ông Nguyễn Hải Triều - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình HTV, cho biết: "Chuyển đổi số là hướng phát triển tất yếu mà các cơ quan báo chí bắt buộc phải thực hiện để bắt kịp sự phát triển của truyền thông. Đối với các Đài truyền hình chuyển đổi số vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức. Nội dung chương trình truyền hình giờ đây có được nhiều hạ tầng để đến với khán giả, tuy nhiên phải cạnh tranh với rất nhiều nội dung khác. Doanh thu quảng cáo truyền hình cũng dịch chuyển sang quảng cáo internet, đòi hỏi các Đài truyền hình có cách tiếp cận phù hợp, phân phối nội dung hợp lý, để vừa duy trì nguồn thu truyền thống đồng thời kiếm thêm nguồn thu quảng cáo từ các hạ tầng internet. 48 năm làn sóng HTV cũng đánh dấu cột mốc tuổi 32 của Hãng phim TFS - tập thể tự hào là đơn vị tiên phong thực hiện phim Tài liệu - Ký sự đầu tiên trên cả nước, với đỉnh cao là bộ phim dài kỳ "Mekong Ký Sự".
Với những biên tập viên trẻ này, vận dụng sự sáng tạo và công nghệ vào các thước phim tài liệu mới là cách họ chọn để giữ lửa nghề được truyền từ những thế hệ đi trước.
Biên tập viên Nguyễn Thị Nguyệt Hương - Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM
Biên tập viên Nguyễn Thị Nguyệt Hương - Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM, cho biết: "Phim tài liệu bây giờ đã khác, hình ảnh nhanh hơn, chuyển động nhiều hơn và độ nén cũng lớn hơn. Chúng tôi cố gắng để cách kể cũng khác đi về những nội dung của cuộc sống. Một thuận lợi rất lớn đó là kho tư liệu đồ sộ của TFS, chính điều đó đã cho chúng tôi cảm hứng để sáng tạo nhiều hơn trong sự kết hợp giữa cũ và mới".
Bà Phạm Ngọc Lan - Trưởng Phòng Phim Tài liệu, Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM
Bà Phạm Ngọc Lan - Trưởng Phòng Phim Tài liệu, Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM, cho biết: "Trung bình chúng tôi sản xuất 100 tập phim tài liệu một năm. Sự sáng tạo từ đội ngũ trẻ đang tạo ra một làn gió mới cho nội dung này. Ở đây thì Ban Giám đốc TFS khuyến khích sự kế thừa, bởi vì nhiều nội dung các khai thác truyền thống sẽ là một phương án cần thiết, tính mới mẻ có thể đến từ cách thể hiện, các bạn cũng tiếp thu và làm rất tốt trong thời gian qua".
Hành trình gần nửa thập kỷ của HTV cũng để lại những dấu ấn khó quên trong lòng khán giả, với nhiều chương trình truyền hình có tuổi đời hai con số. Cùng với 35 năm Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình, nhiều chương trình đã gây được tiếng vang lớn như Vầng trăng Cổ nhạc, các chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm các ngày lễ lớn, các dịp trọng đại của dân tộc.
Trước áp lực từ ảnh hưởng của sự cần thiết phải đổi mới, Vầng trăng Cổ Nhạc và cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ - những chương trình mang nỗ lực gìn giữ nghệ thuật Cải lương không biết mệt mỏi của Ban Văn Nghệ HTV cũng đã có nhiều cải tiến trong những năm qua.
Biên tập viên Võ Tử Uyên - Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình TP.HCM
Biên tập viên Võ Tử Uyên - Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình TP.HCM, cho biết: "Khi mà đưa cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ lên môi trường online thì đó là một sự thay đổi, một sự làm mới theo đúng tinh thần của các lãnh đạo. Hiệu quả thời điểm đó cũng đã cho thấy việc đa hạ tầng để chương trình đến với nhiều khác giả hơn là một phương án đổi mới hết sức cần thiết với chúng tôi".
Ông Trần Hiền Phương - Phó Trưởng Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình TP.HCM
Ông Trần Hiền Phương - Phó Trưởng Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình TP.HCM, cho biết: "Cái khó nhất để duy trì sức sống cho những chương trình lâu đời chính là sự tin tưởng của những người đồng hành với mình. Vầng trăng Cổ nhạc là chương trình văn nghệ trực tiếp truyền hình lâu đời nhất Việt Nam, đã đến năm thứ 21 rồi, và có được điều này chính là sự nỗ lực của đội ngũ, sự tin tưởng lớn từ nhiều thế hệ nghệ sĩ".
Nhà báo Thanh Hiệp - Báo Người Lao động
Nhà báo Thanh Hiệp - Báo Người Lao động, nhận xét: "Đội ngũ HTV đã có rất nhiều thay đổi trong cách thực hiện chương trình những năm qua. Bản thân tôi có dịp hợp tác trong nhiều chương trình nên có thể cảm nhận được những thay đổi đó. Có thể nói là nỗ lực gìn giữ nghệ thuật Cải lương từ các chương trình lâu đời của Đài là một nỗ lực đáng trân trọng, nếu không có HTV thì sẽ khó có thể giữ lửa Cải lương đến như hôm nay.
Chị Nguyễn Minh Anh, Quận 5, TP.HCM, nhận xét: "Cách thể hiện sinh động làm cho những nội dung của HTV đã ngày càng thuyết phục người xem hơn, tôi mong muốn sẽ luôn cập nhật và là một kênh thông tin uy tín".
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết: "Bản thân Doanh nghiệp sẽ luôn quan tâm những kênh thông tin chính thống như HTV, khi mà hình thức thể hiện mới mẻ hơn thì đồng nghĩa sự chất lượng dịch vụ truyền hình đó đã cao hơn và hấp dẫn đông đảo người xem".
Theo dòng chảy không ngừng của thời gian, những cột mốc đáng nhớ của HTV sẽ lại được thiết lập. Đi cùng niềm tự hào là tinh thần cầu thị của đội ngũ những người làm truyền hình, không ngừng nâng cao tính hấp dẫn của các chương trình chính luận cũng như giải trí nhằm phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả truyền hình, đưa tầm vóc thương hiệu HTV lan tỏa khắp cả nước và nhiều quốc gia khác.