Ý thức cộng đồng, sức mạnh chống dịch Covid-19

Trốn lệnh cách ly, không tự giác khai báo y tế, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội, chia sẻ tin tức thất thiệt trên mạng… đó là những biểu hiện của tình trạng thiếu ý thức cộng đồng!

Khi cả nước cùng căng mình ra để đối phó với đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 từ cuối tháng 7 tới nay, vẫn còn đây đó những biểu hiện thiếu ý thức như vậy. Theo các chuyên gia, chỉ cần một người thiếu ý thức cộng đồng là đủ để gây nạn dịch lớn với hậu quả vô cùng nghiêm trọng trên diện rộng.


Khi Đà Nẵng phong tỏa, hàng ngàn người đi xe máy vượt đèo Hải Vân từ Đà Nẵng ra Huế đã bị các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế chặn lại, yêu cầu quay đầu xe (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Khi tầm nhìn còn nhỏ hẹp

Cứ như quy luật, khi cuộc sống có những sự kiện tác động nghiêm trọng tới mối quan tâm của cộng đồng, tin giả, tin xấu độc sẽ xuất hiện. Khi mạng xã hội phát triển, nhiều người dùng mạng xã hội cho những mục đích khác nhau, thì tin giả, tin xấu độc còn nhiều đất sống.

Trong đợt dịch Covid-19 hồi tháng 3 ở nước ta, rất nhiều tin giả xuất hiện do những kẻ đục nước béo cò và những người dùng mạng xã hội vô tình tiếp tay lan truyền tin xấu ấy. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt 350 trường hợp. Đợt dịch lần 2 này, cũng đã bắt đầu xuất hiện việc đưa tin giả, tin thiếu kiểm chứng nhưng điều đáng mừng là cư dân mạng ngày càng ý thức hơn nên tình trạng không nặng nề như lần trước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bị phạt. 

Ví dụ: Chủ tài khoản Facebook là ca sĩ Hòa Minzy đã chia sẻ tin giả được cho là phát ngôn của Phó thủ tưởng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống COVID-19 và bị Sở Thông tin Truyền thông TP.Hồ Chí Minh phạt 7,5 triệu đồng cuối tháng 7 rồi. Cùng thời gian đó, chủ tài khoản Facebook Vương Huyền Túi ở Huế cũng bị cơ quan chức năng phạt vì lý do tương tự. Một loạt chủ tài khoản Facebook khác như Nguyễn Ngọc Thúy làm clip có nội dung kỳ thị người Đà Nẵng hay facebooker Thảo Silver bày cách cho người dân tự chữa bệnh ở nhà… đều bị phạt và bị yêu cầu gỡ bài viết. 

Không chỉ có những biểu hiện thiếu ý thức cộng đồng trên không gian mạng, còn rất nhiều biểu hiện rất đáng lo khác trong đời sống. Đầu tháng 8, UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) phải thi hành kỷ luật một cán bộ trạm y tế phường vì trở về từ Đà Nẵng nhưng không tự cách ly tại nhà, không chủ động khai báo y tế mà vẫn đến cơ quan làm việc, đi học, tiếp xúc nhiều người. 

Giờ đây, không phải mọi nơi công cộng, người dân đều ý thức đeo khẩu trang. Không khó tìm thấy hình ảnh nhiều người ở các lứa tuổi đến những nơi như cảng hàng không, trường học, công viên… nhưng còn thờ ơ, không chịu chấp hành nghiêm lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng.


Bệnh viện là môi trường giao tiếp đông người và nguy cơ lây nhiễm cao nhưng vẫn có nhiều người bệnh không ý thức đeo khẩu trang

Ở một số địa phương, sau khi có lệnh giãn cách xã hội, một số người đã tự ý rời thành phố, thị trấn bị phong tỏa để né cách ly, gây nên nhiều nguy cơ về bùng phát dịch bệnh. 

Có những biểu hiện thiếu ý thức cộng đồng khá lạ lùng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, có một số người đã khai báo giả là từng đi từ Đà Nẵng về để được xét nghiệm nCovi. Mới nghe qua, tưởng những người khai báo giả để được xét nghiệm này tỏ ra có trách nhiệm xã hội thái quá, nhưng ngẫm kỹ, giữa lúc vật tư sinh phẩm y tế thiếu thốn, việc muốn được xét nghiệm giành cơ hội của người khác là một biểu hiện ích kỷ, chỉ nghĩ đến cá nhân thôi.

Cũng có thể những biểu hiện thiếu ý thức xuất phát từ nỗi lo, nỗi sợ, nhưng nhìn chung, những hành vi ấy xuất phát từ suy nghĩ cá nhân và tầm nhìn nhỏ hẹp của một bộ phận người dân - những người chỉ nghĩ về mình trước khi nghĩ về mọi người.

Cần xây dựng ý thức cộng đồng

Ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp.

Trong đợt dịch lần đầu hồi tháng 3, cả nước chung lòng “chống dịch như chống giặc”. Thành công của Việt Nam được cả thế giới ghi nhận và thành công ấy có phần làm không ít thành viên trong cộng đồng còn ngủ quên trên chiến thắng, có sự lơ là phòng dịch, coi thường những thói quen đúng như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn… Cho nên hiện nay, khi đối mặt với đợt dịch lần 2 với mức độ nặng nề hơn hồi cuối tháng 7, chúng ta cũng có phần lúng túng, nhiều người cũng có biểu hiện thiếu ý thức.

Đợt dịch lần này có tốc độ nhanh và cao về số ca mắc mới, tử vong. Cả nước đã và đang bước vào một cuộc chiến mới trên mặt trận mà chúng ta đã từng chiến đấu rất cam go bằng tất cả ý chí, lực lượng, tinh thần đoàn kết mới có thể giành chiến thắng. Nhiều địa phương bị cách ly, nhiều tụ điểm vui chơi và thậm chí là trường học, bệnh viện đã bị đóng cửa.

Cùng với nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, khi dịch bùng phát mạnh lúc này, hơn lúc nào hết, người dân cần phải có ý thức cộng đồng tốt mới góp phần chống được dịch bệnh. Trách nhiệm cộng đồng của mỗi cá nhân hiện nay không còn dừng ở câu chuyện ý thức nữa, đã có những chế tài xử phạt nặng những người vì sự vô ý thức, dẫn đến ảnh hưởng cho cộng đồng. Ví dụ, các hành vi chia sẻ, tung tin giả lên Facebook và các mạng xã hội gây hoang mang dư luận sẽ bị xử phạt lên tới 15 triệu đồng đối với cá nhân 30 triệu đồng đối với tổ chức, thậm chí bị xử lý hình sự tùy mức độ nghiêm trọng. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng ở TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ bị xử phạt. 

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 này, cần nhận thức rõ rằng, một sự thiếu ý thức của ai đó có khi làm thiệt hại tiền bạc, công sức của cả xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng của chính họ và của nhiều người khác. Vì thế, từng thành viên xã hội cần biết tuân thủ luật pháp, hiểu biết và nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng.
Phú Trang