Mới đây, ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng phải lên Facebook gửi lời xin lỗi và trong bài viết ấy, anh tự thừa nhận rằng do thiếu hiểu biết về luật nên đã vô tình có hành vi "xúi giục bạo lực"…
Nội dung bài xin lỗi này có đoạn: “Tôi là người có sự ảnh hưởng với công chúng nhưng lại chọn cách sai pháp luật, làm xao động đến dư luận trong mấy ngày qua cũng chỉ vì lòng trắc ẩn của tôi dành cho đứa trẻ. Và tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận sự khiển trách của luật pháp một cách nghiêm túc".
Trang fanpage chính thức của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tối 24/10 đã đăng một bài dài trong đó có nêu rõ lời xin lỗi của nam danh ca này về vụ việc trừng phạt anh Đoàn Văn Tý
Trước đó, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip anh Đoàn Văn Tý (30 tuổi, tạm trú TP Mỹ Tho) đánh đứa con nhỏ 2 tuổi bằng những cái tát rất nặng sau khi đi nhậu về. Thực ra, clip đó có từ 2 năm trước, người vợ cũ đã ly dị của anh Tý vừa tung lên mạng khi nghe tin anh Tý sắp có vợ mới. Khi clip đó lan tràn trên mạng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xem được và vì quá bức xúc, anh đã viết lên facebook nội dung treo tiền thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát liên tục vào mặt anh Tý (có quay clip làm bằng chứng).
Khi đám đông không kiểm soát cảm xúc
Trưa 17/10, một nhóm người chủ yếu là nam thanh niên với trang bị dữ dằn đến nhà trọ của anh Đoàn Văn Tý, lôi anh ra ngoài sân, bắt ngồi xuống khoanh tay, lấy dây trói, rồi tát rất nặng nề nhiều lần vào mặt anh. Cùng với việc hành hung, nhóm người này còn quay lại clip và đưa lên mạng facebook ngay sau đó. 100 người xông vào đánh và “xử án” anh Tý là những người không hề quen biết anh mà chỉ xuất phát từ bức xúc khi xem clip trên mạng xã hội, khi đọc những bình luận yêu cầu trừng phạt người cha trong clip ấy!
Anh Đoàn Văn Tý trú tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nạn nhân của một vụ hành hung nhân danh công lý đám đông
Khi câu chuyện từ Mỹ Tho chưa nguôi trong cộng đồng thì mới đây, vào chiều 26/10, tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hơn 50 người kéo đến Tịnh thất Bồng Lai (nơi cư trú của 5 chú tiểu tham gia chương trình Thách thức danh hài) đập phá, hành hung sư thầy khiến dư luận bức xúc. Số người này được dẫn dắt bởi một cặp vợ chồng cho rằng con gái 21 tuổi đang ở trong Tịnh thất này (họ cho biết con gái họ muốn đi tu nhưng gia đình phản đối và khẳng định cô gái ấy đang bị giam giữ tại đây, trong khi các nhà sư thì phủ nhận thông tin này).
Sau khi đoạn clip về vụ việc ồn ào ở Tịnh thất Bồng Lai tung lên mạng, cơ quan công an đã vào cuộc để điều tra làm rõ hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác”, “làm nhục người khác”… Trong khi đó, trên mạng xuất hiện rất nhiều ý kiến bất bình và rất nhiều lời kêu gọi bảo vệ Tịnh thất khi clip ấy được chia sẻ. Đã có hơn 100 người chạy xe gắn máy về đây để “giữ an ninh cho Tịnh thất”. Sự có mặt của những nhóm facebooker tự phát này làm tình hình ở địa phương càng thêm phức tạp. Cơ quan công an phải cử người có mặt tại hiện trường để giữ an ninh trật tự. Người dân địa phương rất khó chịu vì bị phá vỡ nếp yên tĩnh thường nhật.
Những ví dụ về hiện tượng “500 anh em cộng đồng mạng” tự ra tay đòi công lý như thế lâu nay rất nhiều và đó là hiện tượng đáng quan ngại. Chúng ta đã từng biết đến những vụ việc thương tâm khi đám đông nhân danh công lý để xử, mà xử nhầm những người bị cho là bắt cóc trẻ con. Nhiều quán ăn, nhà hàng cũng bị nhóm người nhân danh uy tín địa phương đến “xử” chủ quán vì chặt chém (từ thông tin chưa chính xác trên mạng)…
Mới thoạt nhìn, những hành động ấy có vẻ như xuất phát từ động cơ trong sáng, chính đáng, làm việc nghĩa. Nhưng bản chất của đám đông là đánh cho chừa, nhiều người tham gia các “phiên xử” ấy do bị a dua vì tâm lý đám đông.
Ông Nguyễn Lâm Hoài An, một trong những người đã tham gia và trực tiếp đánh anh Đoàn Văn Tý ngay ngày hôm sau đã đến xin lỗi. Mặc dù vậy, hiện nay, ông Hoài An vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình
Không thể dùng cái sai để xử lý cái sai
Hiện tượng những nhóm người dân trực tiếp thực thi luật pháp bằng cách tự mình kết án và thi hành án đối với người mà họ cho là có tội thường được các nhà tâm lý học gọi là “công lý đám đông”. Đây là hiện tượng tự phát và trong nhiều trường hợp, nó cực kỳ nguy hiểm.
Vì sao? Vì không thể dùng cái sai để xử lý cái sai. Không thể dùng một hành vi phạm pháp để xử lý hành vi phạm pháp. Không thể lấy "bạo lực" để răn đe "bạo lực"! Đó không thể được xem là bảo vệ công lý. Nói cách khác, công lý đám đông không thể bảo vệ được công lý.
Chúng ta đang sống trong một Nhà nước pháp quyền. Một xã hội văn minh có những thiết chế để bảo vệ công lý. Pháp luật mà cụ thể là hệ thống tòa án với những lý thuyết công bằng, với những nguyên tắc về quyền con người và quyền công dân (như suy đoán vô tội (presumption of innocence), quyền im lặng (right to silence) hay các chuẩn mực tố tụng (due process)… mới bảo đảm được quy trình xét xử và kết quả xét xử không chỉ là một bản án có quyền lực nhà nước, mà còn là một bản án bảo đảm được nhân quyền, quyền lợi của công dân và sự bình ổn, sự đồng thuận chung của xã hội dành cho chính thể.
Truyền thông xã hội mà cụ thể là mạng xã hội cho phép ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình. Chúng ta có thể phê phán hành vi phạm pháp để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn, để ngăn chặn nó. Nhưng chúng ta không được phép kêu gọi bạo lực. Điều 16 Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Hãy lưu ý rằng: Ranh giới giữa “làm việc nghĩa” và vi phạm pháp luật trong chuyện tự cho mình cái quyền trừng phạt người khác rất mong manh. Đừng vì yếu tố cảm xúc khi thấy chuyện bất bình mà quên rằng chúng ta cần tuân thủ pháp luật, cần sống và làm việc theo pháp luật.
Phú Trang