Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã trở thành một đài được yêu thích trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng ít ai biết được tại sao kênh truyền hình đầu tiên của HTV lại có tên là HTV9 và kênh HTV7 và ra đời trong hoàn cảnh nào.
Để tìm hiểu điều này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Đặng Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1993 – 1996), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát thanh và Truyền hình.
Phóng viên: Thưa ông, kênh truyền hình đầu tiên của HTV là kênh nào?
Ông Đặng Trung Hiếu: Kênh truyền hình đầu tiên của HTV là kênh 9. Ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiếp quản trọn vẹn Đài Truyền hình Sài Gòn, trên tinh thần có gì dùng nấy, tận dụng những thiết bị có sẵn của chính quyền Sài Gòn để sớm ổn định sinh hoạt vùng mới giải phóng.
Đài Truyền hình Sài Gòn thành lập năm 1966, phát sóng trên hai kênh: kênh 9 phát rộng rãi cho đại chúng và kênh 11 phát cho quân đội Mỹ. Khi quân đội Mỹ rút đi thì kênh 11 không còn hoạt động nữa. Như vậy, chúng ta chỉ còn kênh 9, không còn lựa chọn nào khác. Khi tiếp quản, chúng tôi cố gắng giữ nguyên vẹn Đài Truyền hình Sài Gòn, từ cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc cho đến cả con người. Buổi phát sóng đầu tiên vào tối ngày 1/5/1975 cũng là do các anh chị em đang làm việc tại Đài Truyền hình Sài Gòn cùng đoàn quân tiếp quản thực hiện. Chúng tôi chỉ đổi tên thành “Đài Truyền hình Giải phóng” với nội dung chương trình cách mạng.
Ông Đặng Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1993 – 1996) (Ảnh tư liệu)
Phóng viên: Vậy đã có sự chuẩn bị gì cho việc tiếp quản này, thưa ông?
Ông Đặng Trung Hiếu: Có chứ. Trước tiên là đào tạo con người biết làm truyền hình. Đài Phát thanh Tiếng nói Việt nam (TNVN) chọn cử một số anh chị em sang Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa học làm truyền hình. Cuba lúc bấy giờ có hệ thống truyền hình theo hệ Mỹ FCC hoàn toàn giống hệ thống truyền hình Sài Gòn. Ở trong nước, Đài TNVN phát động làm thí nghiệm truyền hình bằng những thiết bị phát thanh cải tiến (chuyển hai máy phát thanh thành một máy phát hình, một máy phát tiếng) và tự lắp ráp hai máy thu hình (camera) bằng ống thu hình (Super orthicon) đã qua sử dụng xin của Đài Truyền hình Mạc Tư Khoa.
Buổi thí nghiệm 7/9/1970 thành công. Từ đó Nhà nước mới giao cho Đài TNVN chính thức làm thí nghiệm truyền hình và lần đầu tiên Đài TNVN được cấp 300.000 đô-la Mỹ để mua sắm một hệ thống đồng bộ cho một Đài Truyền hình công suất nhỏ (theo mô hình Đài Truyền hình Thành phố Cảng Gdanks của Ba Lan). Chúng tôi nhập một máy phát 300W (có thể phát màu) với hệ thống ăng-ten, một xe thu hình lưu động với 4 camera để sản xuất chương trình truyền hình và nó trở thành Trung tâm điều khiển khi phát sóng. Ngoài ra, cũng có một số thiết bị sản xuất trong nước như hệ thống đèn, cột cao 60m để lắp ăng-ten… Có đủ điều kiện để làm thí nghiệm truyền hình. Công ty Ngoại Thương nhập 100 TV về bán phục vụ cho chương trình thí nghiệm này.
Cột ăng-ten HTV hiện nay, cao 252m (Ảnh: Đinh Dũng)
Đài TNVN thành lập “Ban vô tuyến truyền hình” đặc trách công việc thí nghiệm này, đào tạo con người làm truyền hình trong nước, chuẩn bị truyền hình cho miền Nam. Nhờ có sự chuẩn bị trước như vậy nên đoàn quân tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn không có gì bỡ ngỡ!
Để quản lý thống nhất phát thanh và truyền hình cả nước, ngày 12/5/1977, Nhà nước thành lập Ủy ban Phát thanh và Truyền hình (nâng cấp đài TNVN). Trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban có (Viện Nghiên cứu phát triển Phát thanh Truyền hình (Viện PTTH) để nghiên cứu giải quyết những tồn tại trong hệ thống PTTH thống nhất, chủ yếu là ở truyền hình, vì 2 hệ thống kỹ thuật khác nhau. Miền Bắc hệ các nước xã hội chủ nghĩa (OIRT/CCIR D), miền Nam hệ của Mỹ (FCC/CCIR M).
Viện PTTH là tổ chức tập hợp các kỹ thuật giỏi của hai miền Nam Bắc, có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết nhiều ngành nghề. Viện đặt trụ sở ở miền Nam để thuận lợi phối hợp với HTV giải quyết thống nhất hệ thống PTTH. Trụ sở Truyền hình Sài Gòn trước đây còn là cơ quan trung ương của Tổng Cục PTTH và Điện ảnh miền Nam.
HTV có cơ sở mới tiếp quản “Truyền hình Đắc Lộ” của Dòng Chúa Cứu Thế (175 Lý Chính Thắng, quận 3), một bộ phận của Đài Truyền hình Sài Gòn chuyên sản xuất chương trình giáo dục và thiếu niên nhi đồng. Viện làm trụ sở tại đây. Có đầy đủ thiết bị để làm công tác nghiên cứu sản xuất chương trình truyền hình và có một số phòng để nghiên cứu kỹ thuật các bộ môn khác nhau.
Phóng viên: Thưa ông, xin ông nói rõ thêm về công việc của Viện với HTV?
Ông Đặng Trung Hiếu: Trước tiên, Viện cùng HTV đảm bảo phát hình liên tục để ổn định tình hình sinh hoạt của vùng mới giải phóng, đặc biệt là Sài Gòn, từng bước nghiên cứu thống nhất hệ thống truyền hình cả nước.
Về phát hình, chúng tôi giữ nguyên hệ thống phát cũ của Mỹ (FCC). Có như vậy thì 200.000 TV của người dân Sài Gòn (theo thống kê của Truyền hình Sài Gòn) mới xem được chương trình HTV. Để có nhiều chương trình phát trên HTV, chúng tôi phải qua bộ chuyển mã (transcoder) từ chuẩn kỹ thuật OIRT sang FCC trước khi phát sóng. Vì vậy, các chương trình của VTV, các nước XHCN Đông Âu, thu từ vệ tinh ECRAN Liên Xô xuống đều phát được trên HTV.
Nếu phát hình theo hệ Mỹ thì phải có nguồn điện công nghiệp 60 chu kỳ (điện ở Việt Nam 50 chu kỳ). Khi phát hình phải cung cấp nguồn điện riêng gồm: 4 tổ phát điện, mỗi tổ 250kw, 60 chu kỳ (4 x 250kw/60), chạy bằng dầu DO rất tốn kém. Khi thống nhất hệ thống truyền hình, Viện cùng HTV nghiên cứu cải tiến nguồn điện 60 chu kỳ tự cấp thành nguồn điện 50 chu kỳ dự phòng. Công việc hơi phức tạp đòi hỏi thời gian nghiên cứu cải tiến và công sức nhưng phải chấp nhận bước quá độ này.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ở Nam Mỹ có hệ thống truyền hình ký hiệu là CCIR N (có video giống OIRT 15.625Hz/50Hz còn các kênh sóng phát thì giống FCC). Hệ thống này nếu ta áp dụng thì rất thuận lợi, vì tín hiệu hình video phù hợp với video OIRT sau này, không qua bộ chuyển mã (transcoder). Hệ thống này (CCIR N) lại sử dụng nguồn điện công nghiệp 50 chu kỳ, đỡ phải cung cấp nguồn điện riêng 60 chu kỳ vừa tốn kém vừa phức tạp.
Áp dụng thí nghiệm phát hình theo CCIR N, không thấy ảnh hưởng gì đối với TV của dân nên chúng tôi cho HTV phát hình như hệ thống CCIR N trong thời gian quá độ chờ chuyển hệ cho máy phát sóng và 200.000 TV của bà con miền Nam.
Phát thanh chỉ cần một sóng, một tần số, dải thông hẹp nhưng kênh truyền hình phải có dải thông rộng hơn vì có cả đường hình (video) và đường tiếng (audio). Hệ OIRT khoảng cách giữa hình và tiếng là 6,5 mega hertz (Mhz). Nhưng hệ thống FCC Mỹ, khoảng cách này chỉ có 4,5 Mhz. Do đó nếu dùng TV FCC thu tín hiệu OIRT sau này thì được hình mất tiếng và ngược lại.
Miền Nam lúc bấy giờ có khoảng 200.000 TV, một tài sản không nhỏ của nhân dân nên phải làm sao khi chuyển hệ kỹ thuật từ FCC sang OIRT thì 200.000 TV này vẫn tiếp tuc sử dụng được. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải nghĩ cách chuyển hệ TV (mở rộng băng thông TV từ 4,5 Mhz sang 6,5 Mhz). Chúng tôi mở nhiều cuộc hội nghị kỹ thuật nội bộ và cùng với các cửa tiệm mua bán sửa chữa TV của thành phố bàn bạc tìm biện pháp giải quyết chuyện này. Chúng tôi làm mẫu thí nghiệm mở rộng băng thông máy TV rồi đưa ra trao đổi với các nhà kỹ thuật góp ý trước khi phổ biến đại trà. Nhưng khó khăn là các tiệm không có nhiều máy phát sóng nhỏ các kênh OIRT (OIRT TV Pattern Generator) nên tốc độ thực hiện rất chậm. Để đẩy nhanh việc chuyển hệ máy TV, chúng tôi xin thành phố cho mua một máy phát 1 KW của Pháp (LGT Thompson) kênh 7 OIRT để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hệ TV trước mắt và tăng thêm kênh truyền hình cho HTV sau này.
Phóng viên: Vậy đó có phải là lý do kênh HTV7 ra đời hay không, thưa ông?
Ông Đặng Trung Hiếu: Đúng vậy. Trước mắt tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tham gia việc chuyển hệ TV, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành công việc này. Sau đó, tăng thêm kênh truyền hình cho HTV. Kinh nghiệm các nước nếu chỉ có một kênh thì không làm sao thỏa mãn hết các tầng lớp khán giả có nhu cầu khác nhau. HTV9 (CCIR N) và HTV7 (OIRT) cùng phát song song một nội dung chương trình giúp cho dễ dàng nhận dạng kết quả chuyển hệ. Nhờ vậy mà ta rút ngắn thời gian chuyển hệ 200.000 TV cũ tiếp tục xem HTV (OIRT).
Phục vụ xong chương trình chuyển hệ TV, hai máy phát HTV7 và HTV9 tách ra phát hai chương trình riêng biệt. HTV9 phát chương trình tuyên truyền chính trị, tuyên giáo, thông tin trong nước và quốc tế… HTV7 phát chương trình khoa giáo, thể dục thể thao, giải trí kết hợp thông tin kinh tế (quảng cáo)…
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2020, một trong những chương trình mang thương hiệu HTV (Ảnh tư liệu)
Công việc cuối cùng là thống nhất hệ thống phát sóng. Chúng tôi đề nghị nhập một máy 10 KW kênh 9 OIRT (có thể phát màu) cũng của Pháp để đến giờ “G” thay thế máy phát kênh 9 CCIR N đang dùng. Hoàn thành hệ thống truyền hình quốc gia thống nhất OIRT!
Kênh 7 ngày càng phát huy tác dụng, hấp dẫn với các chương trình tường thuật bóng đá trong nước và quốc tế, Cúp xe đạp HTV, Tiếng hát Truyền hình… kéo theo thông tin kinh tế (quảng cáo), tăng thu nhập cho HTV, có tiền phát triển HTV, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên.
Nhưng do máy phát HTV7 còn quá yếu, chỉ 1 KW, chúng tôi mới nghĩ đến việc tăng công suất HTV7, mở rộng địa bàn phủ sóng. May mắn là cấu hình của HTV 9 OIRT 10KW mới mua gồm 2 phần: Phần đầu là bộ kích thích (exciter) hoàn toàn giống như máy 1 KW của HTV7. Phần 2 là tầng khuyếch đại chung hình tiếng lên 10 KW bằng một đèn công suất tuyến tính.
Chúng tôi đăng ký với Ban Khoa học kỹ thuật Thành phố đề tài “Nâng công suất HTV7 lên 10 KW”. Đề tài được duyệt, chúng tôi mua tầng công suất về phối hợp với máy HTV7 làm bộ kích thích (exciter), sử dụng những bộ phận và linh kiện của kênh 9 và kênh 11 cũ của Mỹ như khung máy, các bộ nguồn, bộ phận khống chế… để hoàn thiện cho tầng công suất mới mua thành máy phát 10 KW OIRT 7. Có câu chuyện vui, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thành phố, phụ trách khoa học kỹ thuật, khi nghiệm thu đề tài nói: “Ông Hiếu, có phải mình thiên vị không mà mình bắt HTV7 mạnh hơn HTV9!”. Như vậy, giờ đây Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) có hai kênh HTV7 và HTV9 cùng công suất 10 KW, thống nhất hệ kỹ thuật OIRT quốc gia!
Phóng viên: Xin ông cho biết xuất phát điểm việc làm vừa qua của Viện?
Ông Đặng Trung Hiếu: Trước khi đi tiếp quản, chúng tôi được lãnh đạo dặn dò là đất nước ta còn nghèo, hệ thống truyền hình miền Nam do Mỹ viện trợ rất quý, chúng ta phải làm sao tận dụng, từng bước cải tiến, duy trì phục vụ nhân dân. Chúng tôi coi đó là mệnh lệnh, trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho thực hiện. Những công việc chúng tôi đã làm vừa qua đủ nói lên sự chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi không gặp khó khăn gì lớn. Mọi việc đều tìm ra giải pháp thích ứng trừ một việc bất khả kháng là hệ thống ăng-ten phát. Đó là loại ăng-ten “Cánh bướm” dải rộng nguyên băng 3, các bộ phận lọc (filter), ghép kênh (combiner), phân chia (divider) đều nằm trên cao, không làm sao cân chỉnh lại được cho phù hợp với các kênh OIRT 7 và 9 của chúng ta. Đành phải chấp nhận tổn hao trong phạm vi cho phép qua các đồng hồ đo của máy phát. Trước đây, Mỹ phải cân chỉnh xong xuôi ở dưới đất rồi mới cẩu lên lắp ráp vào tháp cao (vì người trèo cao được thì không phải là kỹ sư, ngược lại kỹ sư thì không trèo cao được).
Ê-kíp HTV trên đường tác nghiệp Cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình (Ảnh: Lê Công Sen)
Viện và HTV đã làm tròn trách nhiệm được giao, qua đó học được nhiều bài học thực tế rất quý và có được một bước trưởng thành nhất định.
Ngoài ra, Viện còn có trách nhiệm khôi phục và hoàn thiện các đài địa phương như: Cần Thơ, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang. Xây dựng mới đài Đà Nẵng vì trước đây nhân dân Đà Nẵng xem chương trình của đài Huế qua trạm phát lại (TV transposer) đặt trên đèo Hải Vân.
Phóng viên: Những câu chuyện ông vừa chia sẻ thật thú vị. Sự đóng góp của ông và các đồng nghiệp cho ngành truyền hình Việt Nam trong những năm đầu hoạt động sau tiếp quản thật lớn lao và rất đáng trân trọng. Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho bạn đọc của trang web HTV. Xin chúc ông thật nhiều sức khỏe!