Trong đời sống truyền thông hiện đại, chiếc điện thoại di động không chỉ là công cụ để liên lạc, lướt mạng… mà còn là công cụ tài chính. Giờ đây, thử gõ vào Google cụm từ "vay tiền qua app" hoặc "vay online" sẽ lập tức hiện về hàng loạt kết quả.
Vay tiền giờ quá dễ! Có hơn 60 ứng dụng cho vay trực truyến trên mạng. Các ứng dụng này yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân bao gồm hình ảnh, số chứng minh thư, hình chụp CMND, số tài khoản ngân hàng và đồng ý các điều kiện trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn… Chỉ trong vòng mấy phút, người vay có thể dễ dàng nhận được tiền.
Một trang web cho vay tiền với dòng quảng cáo: “Duyệt vay nhanh chóng trong 15 phút!”
Lãi suất “cắt cổ” và những hậu quả
Khi đọc qua các cam kết từ những ứng dụng cho vay trên điện thoại, rất nhiều người không nhận ra kẽ hở pháp lý trong giao kèo và chỉ thấy hình thức vay quá thuận tiện, quá nhanh. Mọi thứ rất minh bạch. Nhưng, ở trong chăn mới biết chăn có rận!
Có một chi tiết trong yêu cầu tạo tài khoản ngay từ ban đầu là ứng dụng vay online buộc người vay cho phép truy cập danh bạ điện thoại trên điện thoại của họ. Một khi đã cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ thì những kẻ ẩn sau ứng dụng này sẽ biết hết bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người vay. Chúng sẽ dùng chính những mối quan hệ này để đe dọa người vay nếu trả nợ không đúng hạn. Nhiều người đã phải cầu cứu đến cơ quan chức năng khi bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
Rất nhiều những tin nhắn, những đoạn ghi âm của các nạn nhân gửi đến cơ quan công an cho thấy cách hành xử, cách đòi nợ kiểu “xã hội đen” của dịch vụ cho vay. Chậm tiền lãi vài ngày là những người vay qua app sẽ nhận được những lời đe dọa kinh khủng.
Theo một số nạn nhân, hằng ngày họ sẽ nhận khoảng 40-50 cuộc gọi đòi nợ. Có một số nhóm đòi nợ còn sử dụng các “chiêu” gây áp lực bằng mạng xã hội: Ghép ảnh người vay là nữ vào hình sex, hình gái mại dâm, ghi thêm dòng chữ "nhận đi khách” kèm số điện thoại để biến nạn nhân thành gái bán dâm… đưa lên các trang web sex. Đã có những trường hợp do không chịu nổi những khoản nợ do số tiền lãi lên quá cao, và hình ảnh của bản thân bị bôi nhọ trên mạng xã hội nên đã uống thuốc trừ sâu tự tử, nhưng may mắn được người nhà phát hiện và cứu chữa kịp thời.
Cần nói ngay rằng, hiện nay cũng có các ứng dụng cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch. Nhưng đa số người nghèo chọn phương thức vay qua app cho tiện lợi thì không đủ sức để phân biệt: Có quá nhiều app cho vay tiền thực chất là hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ.
Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm do người Trung Quốc cầm đầu hoạt động cho vay lãi nặng thông qua app trên điện thoại di động. Đó là các ứng dụng Vaytocdo, Moreloan, VD online. Các app này được quảng cáo trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... để thu hút người có nhu cầu vay tiền.
Câu hỏi đặt ra là: Cho vay qua mạng cũng có hợp đồng, nhưng những chiêu thức nào, điều khoản nào trong những hợp đồng này có thể sẽ là kẽ hở khiến cho những đối tượng cho vay đẩy lãi suất lên cao?
Người vay cần phải tìm hiểu kỹ để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín. Nếu không sẽ dễ bị mắc bẫy tín dụng đen
Tín dụng đen núp bóng
Có hay không biến tướng tín dụng đen trong các ứng dụng cho vay trực tuyến? Khoảng trống pháp lý nào khiến loại hình mới đầy rủi ro này có đất tồn tại? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời đối với một bộ phận người dùng điện thoại di động.
Thoạt nhìn các ứng dụng vay tiền, có cảm giác mọi thứ rất minh bạch: lãi suất phù hợp với khả năng chi trả, phù hợp với quy định pháp luật. Thế nhưng, người vay ít để ý đến các chính sách liên quan như phí dịch vụ, phí quản lý...
Một số người đã tìm hiểu kỹ và biết đến những cái “bẫy” nhưng vì nhu cầu vay nên phải “nhắm mắt”. Đa số những người vay đều có tâm thế là muốn nhanh chóng tất toán khoản vay nhưng họ quên mất là nếu trong khoảng thời gian thoả thuận, việc trả trước khoản vay cũng sẽ bị phạt với mức phạt rất cao. Những quy định ấy có vẻ rất công khai nhưng lại rất mập mờ.
Theo quy định của Luật Dân sự, trong chuyện vay, mức lãi suất các bên thỏa thuận với nhau nhưng trong khuôn khổ pháp luật. Và theo điều 201 của Luật Hình sự cũng quy định mức nếu mức lãi suất vay từ 100% trở lên thì sẽ bị quy vào tội cho vay nặng lãi. Cái bẫy ở đây là sự mập mờ giữa lãi suất thoả thuận và các khoản phí cũng như cách tính lãi suất.
Một số tổ chức tín dụng đen dùng nhiều ứng dụng cho vay: Những con nợ vay app đầu tiên 5 - 10 triệu nhưng đến hạn chưa kịp trả, họ lại sẵn sàng giới thiệu qua một app khác, có thể vay một khoản khác trả cho khoản này. Vòng xoáy nợ các khoản vay và lãi suất, phí… sẽ nhanh chóng tăng cao. Và đã xảy ra những hậu quả đau lòng đối với những người vay là nạn nhân của tín dụng đen như thế!
Vì cách thức vay tiền qua app quá dễ dàng nên nhiều đối tượng có nhu cầu tài chính rất dễ sa vào bẫy
Cần biết rằng, cho vay ngang hàng (P2P lending) là cách cho vay trực tiếp giữa người vay và người cho vay thông qua nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến mà không có sự tham gia của các tổ chức tín dụng. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động này. Bất kỳ tổ chức tài chính nào muốn thực hiện cho vay qua app đều phải có giấy phép hoạt động của Ngân hàng nhà nước.
Vì thế, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app. Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…). Mà tốt nhất là không nên vay qua ứng dụng trên mạng, rất dễ bị “cài bẫy”.
Phú Trang