Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm là các câu hỏi xoay quanh việc những biến tướng ngày càng rõ nét diễn ra trong các hoạt động lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng ở nước ta.
Lễ hội Gióng
Việt Nam là một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Chính những nét đó làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội và hoạt động tín ngưỡng là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui… Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam là nét đẹp văn hóa dân tộc.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, cả nước ta có đến hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Lễ hội thường nở rộ vào dịp đầu xuân. Điều này vừa thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa dân tộc, vừa chứng tỏ cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã và đang không ngừng được nâng lên.
Lễ hội đèn lồng ở Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hóa truyền thống, có một thực trạng đang diễn ra ở hầu hết các lễ hội từ Bắc vào Nam, đó là những hình ảnh thiếu văn hóa, sự biến tướng ngày càng rõ nét trong các dịp lễ hội. Những hình ảnh xấu đang ngày càng lấn át các giá trị tốt đẹp của lễ hội. Có những lễ hội bị biến tướng, trần tục hoá, mở hội tràn lan...
Theo nhận định của một số người, tệ nạn mê tín dị đoan đang là một “căn bệnh khó trị” ở Việt Nam. Nhiều vị thầy tướng phát biểu rất hùng hồn đầy vẻ tự hào với báo chí rằng, có rất nhiều “ông to, bà lớn” đến nhờ xem quẻ, cúng sao, giải hạn đầu năm. Và không chỉ riêng giới công chức nhà nước mà cả lớp người tri thức, có học hàm học vị hẳn hoi cũng tham gia vào hoạt động này. Ngày càng có rất nhiều người đi chùa chiền, lễ hội thường sắm sanh sính lễ thật nhiều, thật đầy mâm… để có thể “cầu được, ước thấy”. Nhưng khi đến dự Lễ nơi đình, chùa, miếu mạo - vốn là chốn linh thiêng, nhiều người lại chen lấn, xô đẩy, thậm chí, nói tục, chửi thề hoặc đánh nhau ngay tại chốn linh thiêng, để dành cho bằng được vào dâng lễ, xin ấn và xúc quẻ đã làm cho nhiều lễ hội mất đi vẻ tôn nghiêm...
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, người dân chen lấn, xô đẩy để xin lộc
Cùng với xu hướng phục hồi và phát triển các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, thì không ít các hoạt động mang tính “thương mại hoá”, lợi dụng hoạt động này để thu lợi bất chính, ép buộc, bắt chẹt, đặc biệt là lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh” theo kiểu “đặt lễ thuê”, “khấn vái thuê”, bói toán, đặt các “hòm công đức” tràn lan, tạo dựng các “di tích mới” để thu tiền như trong nhiều hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra hàng ngày trên đất nước chúng ta... Cũng không phải không có một số “tổ chức” mệnh danh là quản lý lễ hội, hoạt động du lịch để bán vé thu tiền bất chính khách trẩy hội. Những hoạt động thương mại này đi ngược lại tính linh thiêng, văn hoá của lễ hội và tín ngưỡng tôn giáo, đẩy lễ hội rớt xuống mức thấp nhất của đời sống trần tục.
Theo dõi những diễn biến ở nghị trường Quốc hội nhiều năm gần đây, người viết nhận thấy rằng, chỉ hơn chục năm trước, chưa ai có thể nghĩ rằng, sẽ có ngày nhiều câu hỏi nghi vấn liên quan tới tâm linh, lễ hội như vừa nêu ở trên lại được đưa ra trên diễn đàn Quốc hội. Bởi chùa chiền, lễ hội trong tín ngưỡng của người Việt, luôn là nơi được coi là tôn nghiêm nhất, mọi người luôn cẩn thận từ cách ăn mặc đến lời ăn tiếng nói nơi cửa Phật. Cũng đến lúc này, dư luận mới giật mình và bắt đầu quan tâm đúng mức đến lễ dâng sao giải hạn ở một số chùa. Một số vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có khái niệm dâng sao giải hạn, nhưng nó vẫn diễn ra công khai ở một số chùa. Dư luận không thể nào hiểu nổi.
Tiền lẻ rải khắp nơi
Với số lượng lễ hội lớn nhỏ lên đến hàng nghìn, cùng với rất nhiều chùa chiền đã hiện hữu và đang được cấp phép xây dựng rầm rộ ở nhiều địa phương, đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết ở công tác tổ chức, quản lý của các ngành, các cấp có thẩm quyền trách nhiệm. Và bao giờ cũng thế, mọi hành động của con người đều bắt đầu từ nhận thức, chỉ khi chúng ta có nhận thức đúng về nét đẹp văn hóa tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc thì việc phục hồi và phát huy nó trong đời sống xã hội đương đại mới mang lại hiệu quả mong muốn.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mê tín dị đoan suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết. Điều quan trọng là chúng ta cần chú ý hơn tới giáo dục, tới văn hoá để nâng cao dân trí, để mọi người dân hiểu rằng hành vi này là đúng với tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đúng với giáo lý, hành vi kia là không đúng, bây giờ không phù hợp với thế giới văn minh.
Lễ chùa đầu năm cần sự thành tâm, không nặng mâm cao, cỗ đầy
Tất cả những vấn đề này cần có sự phân tích có tình, có lý của các nhà chuyên môn tôn giáo, những người thực hành tôn giáo, đặc biệt là những nhà nghiên cứu về văn hoá. Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ VHTTDL cũng như các địa phương cần tăng cường công tác để nêu gương những việc tốt, những việc phù hợp, việc chưa tốt, không phù hợp, để từ đó cùng phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hoá và nêu gương điều tốt, cái nào xấu thì loại bỏ.
Chính phủ rất mong đại biểu quốc hội, cũng như toàn thể nhân dân hãy gìn giữ, phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo mà mình đang theo, mình đang tín ngưỡng, nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp thời đại mới.
Văn Nguyễn