Tuyển sinh lớp 10: Vì sao TP.HCM điều chỉnh ngữ liệu phần nghị luận văn học?

1/3/2024, 10:59

Hôm qua 29/02, sau khi họp hội đồng bộ môn ngữ văn bậc THCS và THPT, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo chính thức về cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024, trong đó có điều chỉnh về đề ngữ văn.

 Ngữ liệu là tác phẩm hoặc đoạn trích trong sách giáo khoa

Thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 không thay đổi so với năm 2023.

Cụ thể, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút) gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Trong đó, phần nghị luận văn học, học sinh (HS) được lựa chọn một trong 2 đề để làm bài, trong đó đề 1 yêu cầu HS phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa (SGK). Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.

Kì thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ Văn năm nay sẽ có một số thay đổi

Theo Hội đồng bộ môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm trước, đề 1 yêu cầu HS tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề thì năm nay đưa một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong SGK.

Sở dĩ có điều chỉnh về việc sử dụng ngữ liệu nói trên vì trong cuộc họp hội đồng chuyên môn, từ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023, giáo viên góp ý rằng một số HS lúng túng khi lựa chọn tác phẩm để nghị luận do cả 2 đề của phần nghị luận văn học cùng cho HS tự do lựa chọn. Chính vì vậy, Hội đồng bộ môn ngữ văn TP thống nhất đề 1 nên đi vào đoạn trích/tác phẩm cụ thể, còn ở đề 2 HS được quyền tự chọn đoạn trích/tác phẩm.

Sự điều chỉnh này được hội đồng chuyên môn môn ngữ văn đánh giá là tăng cơ hội cho thí sinh bởi có gợi ý cụ thể về ngữ liệu và cũng có tự do lựa chọn. Điều này giúp thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực văn chương theo sở trường của mình.

'Mở' với một phạm vi vừa phải

Trước sự điều chỉnh trên, thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Quận 5), cho hay về cấu trúc hoàn toàn không thay đổi. Định hướng ôn tập vẫn được xây dựng trên tiêu chí hướng đến việc hình thành các kỹ năng theo định hướng phát triển năng lực. So với năm trước, đề thi năm nay vẫn mang tính "mở" nhưng với một phạm vi vừa phải và tiệm cận với mục tiêu giáo dục của Chương trình phổ thông 2018.

Nói về việc "độ mở" trong phần nghị luận văn học của đề thi năm nay, thạc sĩ Huy cho hay có phần thu hẹp so với năm trước nhưng hoàn toàn hợp lý, không ảnh hưởng kế hoạch ôn tập và cơ hội thể hiện năng lực văn chương của mỗi HS trong bài thi của mình. Thực tế ghi nhận ở mùa tuyển sinh trước, với một độ mở khá rộng, nhiều HS khá lúng túng trong khâu lựa chọn "công cụ" từ thể loại cho đến nội dung, dẫn đến chất lượng bài làm chưa đạt.

Thạc sĩ Huy cho rằng, ở lựa chọn 2, qua việc đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy là kế thừa của thành công mà đề tuyển sinh lớp 10 năm trước đã làm được.

Tương tự, thạc sĩ Võ Kim Bảo, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), nói việc điều chỉnh về cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 không quá lớn, ngược lại rất gần gũi với những năm học trước. Điều chỉnh như vậy vừa thực tế, vừa không làm ảnh hưởng đến việc ôn tập của giáo viên dành cho HS, vì cách ra đề như vậy đã từng được thực hiện những năm trước đây.

Học sinh ôn tập như thế nào?

Theo thạc sĩ Võ Kim Bảo, HS cần chú ý rèn luyện thật tốt kỹ năng làm các dạng bài cơ bản: nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ và nghị luận về một tác phẩm truyện; chú ý đảm bảo về bố cục, các thao tác lập luận, sử dụng dẫn chứng hợp lý bởi HS thường yếu về mặt phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề.

Đối với tác phẩm thơ, đề tuy có in sẵn đoạn thơ/bài thơ nhưng HS không vì thế mà chủ quan, không ôn tập vì ngoài tác phẩm được in trong đề, đề có thể yêu cầu HS liên hệ một tác phẩm khác cùng đề tài. Đối với tác phẩm truyện, HS nên đọc lại truyện ít nhất 2 lần để nắm rõ cốt truyện, các chi tiết tiêu biểu và có thể tóm tắt được truyện.

Thạc sĩ Võ Kim Bảo cho rằng để có thể xử lý đề thi hiệu quả, HS không nên ôn tập theo trình tự tác phẩm trong SGK mà cần ôn theo chủ đề để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về những nội dung đã học, đồng thời có thể "nhạy" hơn trong việc liên hệ, mở rộng.

Nguồn: Thanh Niên

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Thành phố đã bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ sinh thái du lịch theo trục "TP.HCM - Long Thành"; trong đó lấy việc "vận chuyển đường thủy" làm chủ đạo được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm và đang theo đuổi phát triển.
(HTV) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 đã chọn ra 27 ứng viên xuất sắc nhất để vinh danh. Đây là các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc đã đóng góp cho sự phát triển bền vững.
(HTV) - Thương hiệu dẫn dắt bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tận dụng sức mạnh của thương hiệu để thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
(HTV) - Từ năm 1940, phương pháp "trị liệu nghệ thuật" được áp dụng trên thế giới cho các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo một số nhà trị liệu, phim bộ Hàn Quốc có những thế mạnh quan trọng phù hợp với liệu pháp tâm lý.
(HTV) - Lâu đài Windsor của Hoàng gia Anh vừa hoàn thành việc trang trí Giáng sinh cho năm 2024. Những căn phòng được trang trí sẽ mở cửa cho du khách từ nay cho đến ngày 06/01, theo truyền thống.
(HTV) - Ngày 22/11, thẩm phán tòa án New York Juan Merchan ra phán quyết hoãn vô thời hạn việc tuyên án ông Donald Trump trong vụ chi tiền bịt miệng một diễn viên phim người lớn.
(HTV) - Ngày 22/11, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcova sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong thiết bị siêu thanh phi hạt nhân Oreshnik, và chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa này.