Từ trải nghiệm đến thành công

Giống như một món ăn ngon cần có nhiều gia vị, một cuộc đời ý nghĩa cũng cần có những trải nghiệm và khám phá. Dù không phải lúc nào cũng như mong đợi, nhưng chúng đều góp phần làm nên thành công trong tương lai của mỗi người.


Lê Diệp Hồng Loan – chủ chuỗi cửa hàng "Give away" gây quỹ từ thiện

Mục tiêu từ những chuyến đi

Ralph Waldo Emerson đã từng nói “Đừng quá nhút nhát và đắn đo trong hành động. Cuộc sống là thử nghiệm”. Quả thật vậy, cuộc sống không thể nào thiếu những phút dấn thân, nhất là đối với các bạn trẻ, khi họ đang trong quá trình hình thành nhân cách và tích luỹ kinh nghiệm. Câu chuyện của chị Lê Diệp Hồng Loan cũng không là ngoại lệ, ấn tượng từ một khoảnh khắc đã xoay chuyển tầm nhìn của chị theo một góc độ khác, từ đó lựa chọn hướng đi cho tương lai của mình.

Chia sẻ với Hamlet Trương trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” (phát sóng trên HTV7), giây phút làm thay đổi tất cả của Hồng Loan là vào một lần khi chị lên Tây Giang (một huyện nghèo vùng cao tỉnh Quảng Nam) để tặng những phần quà khuyến học, nhìn thấy các em có hoàn cảnh khó khăn, đường đến trường có biết bao trở ngại. Thiết nghĩ so với những ngày đi học khi xưa của chị thì các em còn vất vả hơn nhiều. 

Hiểu rằng thế hệ măng non cần có sự giúp đỡ và quan tâm từ cộng đồng, chị định hướng những hoạt động thiện nguyện của mình sau này sẽ đều hướng về trẻ em. Hiện tại, Hồng Loan đang là chủ chuỗi cửa hàng thanh lý quần áo cũ (Give Away) để gây quỹ từ thiện hỗ trợ việc ăn học cho các em. Trong suốt 6 năm hoạt động, dự án đều công khai, dùng tâm để thực hiện mọi chương trình hành động, luôn sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến xây dựng để đáp lại những luồng dư luận xấu. “Của cho không bằng cách cho” – khi giúp đỡ người khác, cảm thấy mình như nhận lại nhiều hơn, những cảm xúc ấm lòng và cả những giấc ngủ ngon. 


Những hoạt động của dự án "Give away"

Dù lần đầu tiên nắm bắt thành công có những giọt nước mắt đã rơi, vì trọng trách và áp lực nặng nề. Nhưng, với hình ảnh của Hồng Loan bây giờ, đã chứng minh rằng thế hệ trẻ có bản lĩnh để trải nghiệm, biết nhìn nhận, có đủ khả năng để thực hiện lý tưởng đồng thời đóng góp cho xã hội. Trong tương lai, chị mong muốn được vươn xa hơn nữa, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ, nâng đỡ nhau qua hoạn nạn.

Đứng lên từ vấp ngã tuổi 20

Tuy nhiên, trong mắt của nhiều người, hình ảnh của giới trẻ Việt Nam vẫn còn là những cô cậu sinh viên thụ động, chăm chăm vào sách vở học hành mà không bước chân ra thế giới. Ánh nhìn của dư luận chỉ thấy những thứ nổi ở bề mặt, đôi khi lại bỏ sót những tấm gương trẻ dám ước mơ, dám thực hiện như anh Đoàn Vinh Phú, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ INUT.

Nhìn vào anh của hiện tại, không ai nghĩ rằng, Phúc đã trải qua khoảng thời gian bấp bênh giữa việc học và kinh tế, nhìn thấy tất cả những gì mình dày công gây dựng lụi tàn. Được biết trong những năm học đại học, khi khoản tiền chu cấp từ gia đình không còn ổn định, người sinh viên trẻ phải làm mọi thứ để trang trải cuộc sống với mức thu nhập chỉ từ 100-150 nghìn một tháng. Anh có ý định khởi nghiệp với mong muốn làm chủ bản thân, làm giàu cho chính mình, gia đình và xã hội dù còn nhiều trắc trở. Cũng nhờ sự giúp đỡ từ thầy và bè bạn, Phúc đã thành lập công ty đầu tay ở tuổi 20.


Anh Đoàn Vinh Phú – CEO khởi nghiệp tuổi 20

Công việc kinh doanh lúc ấy vô cùng phát triển, để anh có thể trả hết những nợ nần cũng như có nguồn thu nhập cao hơn trước kia. Tuy nhiên, việc học của anh lại xuống dốc không phanh. Ở cái tuổi đôi mươi bồng bột, muốn hưởng thụ phút khởi nghiệp đầu đời, số tiền trong túi anh cũng nhanh chóng vơi cạn, dẫn đến việc công ty bị phá sản. Bởi 2 lý do đó, anh mong muốn tập trung hơn vào sách vở, dành thời gian để phát triển bản thân theo những khoá học và trên hết là có cơ hội để làm việc trong công ty hiện tại.

Là một người thành đạt có được sự công nhận đã bước qua sóng gió tuổi 20, anh nhận thức rằng, tuổi trẻ có quyền được sai và tự rút ra bài học cho bản thân mình, để có được khả năng đứng lên từ những vấp ngã, trải nghiệm hết những ngõ ngách của cuộc đời, chứng tỏ bản lĩnh và vươn tới ước mơ.


Sự thành đạt sau vấp ngã với nhiều giải thưởng

Âm nhạc trên những nẻo đường

Nhắc đến sự thành công của một nghệ sĩ, ta thường nghĩ đến những phòng trưng bày, những buổi hoà nhạc với với sự xa hoa, sang trọng. Tuy nhiên, đó không phải là sân khấu duy nhất để họ thể hiện tài năng của mình. Đối với nghệ sĩ violin Nguyễn Hoà Minh, âm nhạc của anh du dương trên những con đường để đến với thính giả hay nói cách khác, anh là một nghệ sĩ đường phố.

Được biết anh đã gắn bó với âm nhạc khoảng 20 năm, với nhiều loại nhạc cụ khác nhau như kèn Harmonica, guitar,… Riêng violin, đó là một sự kế thừa và nỗ lực tự học bắt nguồn chỉ từ hai chữ “đam mê”. Trong quá trình ấy, anh Minh muốn tìm kiếm cho mình một lối biểu diễn sáng tạo, độc đáo, gần gũi hơn để đem đến niềm vui cho mọi người. Sân khấu mà anh chọn chính là những góc phố.


Anh Nguyễn Hoà Minh – nghệ sĩ violin đường phố

Ban đầu, anh chỉ đơn thuần là biểu diễn vì sở thích. Nhưng dần dà, càng có nhiều thính giả yêu thích và công nhận âm nhạc của anh. Từ đó, anh bước vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp, từ những buổi tiệc cưới đến những resort sang trọng, nơi nào tiếng đàn violin cũng luôn chạm đến trái tim người nghe, luôn du dương theo một phong cách rất riêng của người nghệ sĩ đường phố.

Hiện tại, anh đang thực hiện màn trình diễn chơi đàn violin trong lúc nằm trên một cây sắt, vì đam mê của bản thân và hướng tới một kỉ lục thế giới. Không có ước mơ nào là quá lớn lao, anh vẫn đang luyện tập hăng say, biểu diễn bằng cả tâm hồn mỗi ngày mỗi giờ, vươn tới một sân khấu dưới ánh đèn và khán phòng rộng lớn.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi