Kể chuyện Sài Gòn xưa

Tứ đại phú hộ giàu nhất Sài Gòn xưa

"Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định" là câu nói được truyền tụng suốt hơn 100 năm qua, đại diện cho tên của 4 nhân vật nức tiếng Sài Gòn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có ý kiến cho rằng, 4 nhân vật này thậm chí còn giàu nhất khu vực Đông Dương.


 Từ đường của họ Lý, do Lý Tường Quan (tức Bá hộ Tường) xây cất ở đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5)

Nhất Sĩ

Sĩ là tên hiệu của Lê Phát Đạt, sinh quán tại Cầu Kho thuộc địa phận Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình theo Thiên chúa giáo. Tên thuở thiếu thời của Đạt là Sĩ, được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia học tập và được đổi tên là Lê Phát Đạt, do tên cũ trùng với tên một người thầy.

Sau khi đi học ở nước ngoài về, Đạt lấy lại tên ban đầu và từ đó mọi người quen gọi là ông Sĩ. Đầu tiên, Sĩ làm trong ngành thông ngôn, sau đó lên chức tham biện, ủy viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Lúc mới ra làm công chức, Sĩ chưa phải là nhà giàu, còn lận đận trên đường công danh, bị thuyên chuyển từ Sài Gòn về tỉnh Tân An. Nhẫn nại, giỏi chịu đựng, Sĩ luôn tỏ ra là một công bộc trung thành. Do đó, chỉ hơn một năm sau, Sĩ được chuyển trở về Sài Gòn. Lần này, Sĩ được thăng Huyện hàm, nên được mọi người gọi là Huyện Sĩ.

Huyện Sĩ giàu nhanh chóng nhờ đất đai. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, dân chúng di tản, ruộng đồng không người cày cấy, bỏ hoang. Huyện Sĩ là một công chức cần mẫn, nên được ưu tiên mua đất với giá rất rẻ và muốn mua bao nhiêu cũng được. Nghe nói lúc đầu Sĩ đã từ chối vì ngại không đủ sức, nhưng sau đó được bạn bè khuyến khích, Sĩ đã mạnh dạn mua. Số ruộng đất này không chỉ riêng ở Sài Gòn mà còn có nhiều ở tỉnh Tân An. Không ngờ sau đó ít lâu, khi mật độ dân cư tăng lên, đất đai hiếm dần và giá cả tăng vọt, mua một bán mười. Rồi cứ thế, tài sản của Huyện Sĩ lên đến con số kếch sù, không thể nào ngờ nổi. Ông ta trở thành đại phú gia.

Sau khi giàu có, Huyện Sĩ dùng tài sản của mình để xây các nhà thờ, bởi ông là người công giáo. Nổi bật nhất là nhà thờ Huyện Sĩ, công trình ngốn khoảng 1/7 tài sản của ông để xây dựng, tốn khoảng 30 ngàn bạc Đông Dương, xây mất hơn 3 năm.

Ngoài ra, ông còn xây nhà thờ Chí Hòa và con trai ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền xây nhà thờ Hạnh Thông Tây (nằm tại quận Gò Vấp).

Huyện Sĩ qua đời năm 1900 còn vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất sau đó 20 năm. Thi thể 2 người được chôn ở phía sau vương cung thánh đường của nhà thờ Huyện Sĩ.

Các con của Huyện Sĩ đều ăn học thành tài và là những đại điền chủ sở hữu vô số đất đai ở Nam Kỳ lục tỉnh. Về sau, một người cháu ngoại của Huyện Sĩ là cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành vợ của vua Bảo Đại, danh xưng Nam Phương hoàng hậu.


Nam Phương Hoàng hậu, cháu ngoại Huyện Sĩ

Nhì Phương

Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 – 1914), con trai của đại địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ là Bá hộ Khiêm. Nhờ người cha giàu có, nên ngay khi mới sinh ra, ông Phương nghiễm nhiên có trong tay cả một cơ ngơi mà không nhiều vị địa chủ có được.

Trong thời kỳ thực dân Pháp chưa vào chiếm đóng, gia đình Bá hộ Khiêm cai quản cả một vùng rộng lớn về phía bắc thành phố Sài Gòn, từ đất cát, ruộng đồng, những mảnh vườn cây trái bạt ngàn cho đến hàng trăm cửa hàng, nhà ở trong nội đô cho tiểu thương thuê mướn.

Bên cạnh đó, Bá hộ Khiêm còn được biết đến như là một trong những người đầu tiên thực hiện giao thương với người nước ngoài. Sau này, ông Phương kế nghiệp gia sản đó và đã phát triển lên rất nhiều lần.

Thời điểm sau khi lấy vợ cũng là lúc ông được mọi người gọi là Bá hộ Phương. Hai vợ chồng ông thừa hưởng khối tài sản khổng lồ sau khi Bá hộ Khiêm qua đời. Gia đình ông đã kết nối với các tiểu thương ở khắp nơi, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt, chi phối một phần giao dịch thông thương ở Sài Gòn. Vợ ông Phương là người buôn bán và quản lý tài sản rất giỏi.

Về con đường quan lộ, ông được thăng quan tiến chức rất nhanh, nhờ tích cực làm tay sai cho Pháp. Có thể nói Đỗ Hữu Phương là một Việt gian cỡ lớn, có nhiều nợ máu với nhân dân. Trong những năm 1866 – 1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám những phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận.

Năm 1872, ông Phương trở thành hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, năm 1879 làm phụ tá xã Tây Chợ Lớn (tương đương chức tỉnh trưởng) cho Antony Landes. Ông được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, thăng Tổng đốc hàm và từ đó được gọi là Tổng đốc Phương. Ông gia nhập quốc tịch Pháp năm 1881, đưa các con sang Pháp du học. Ông có 8 người con, 5 trai, 3 gái.

Năm 1915, chính quyền thực dân Pháp lấy tên Tổng đốc Phương đặt cho một con đường ở Chợ Lớn (Quận 5). Sau năm 1975, đường được đổi tên là đường Châu Văn Liêm.

Tam Xường

Tam Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842 – 1896), tên tự là Phước Trai. Được biết đến là một người giàu có nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bá hồ Xường – Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít. Được biết Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa kiều trung thành với nhà Minh, chống lại nhà Thanh) đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam.

Ông là người sớm hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam, theo đạo Thiên chúa và được học trường Collège des Interprêtes (trường đào tạo thông ngôn) của Pháp, ra trường làm thông ngôn cho chính quyền thực dân Pháp. Với trình độ tiếng Pháo thông thạo, rành tiếng Việt, lại được trọng dụng, nên ai cũng tưởng ông tiến xa trên con đường hoan lộ. Bất ngờ, vào năm 30 tuổi, Lý Tường Quan đã bỏ việc, ra ngoài làm thương mại.

Bắt đầu, ai cũng cho rằng ông Xường sai lầm, bởi vào thời buổi đó, rất khó mà có được địa vị như ông. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, mọi dị nghị về ông đều tỏ ra thiếu chính xác. Bởi nghề kinh doanh lương thực và dịch vụ của ông tỏ ra rất đắc địa vào thời Sài Gòn mới phát triển. Độc quyền cung cấp thịt cá, một công việc bị nhiều người coi thường, vậy mà chỉ chưa đầy 5 năm, ông trở nên rất giàu có và được mọi người gọi là Bá hộ Xường. Ông có sản nghiệp lớn, nhà đất nhiều. Dinh thự của ông vào thời đó tọa lạc tại đường Gaudot (Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) rất được mọi người ngưỡng mộ vì kiến trúc rất bề thế.

Đáng tiếc là khi ông chết, số sản nghiệp còn lại đã bị con cháu tranh chấp, dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài nhiều thế hệ sau, tài sản rốt cuộc bị tiêu tán hết.


Tứ Định

Người đứng hàng thứ tư, tên là Trần Hữu Định, còn gọi là Bá hộ Định. Làm giàu do tự thân làm nên, không tham gia hàng ngũ công bộc của Pháp, Bá hộ Định vốn là con của một nghiệp chủ gốc Hoa ở Chợ Lớn. Phải nói rằng vào thời buổi ấy, ông và Bá hộ Xường được đứng trong hàng ngũ “tứ đại phú gia” quả là điều hi hữu. Bởi nếu không quyền thế, thì chỉ làm giàu bình thường mà thôi, khó leo lên đến tột đỉnh như Huyện Sĩ hay Tổng đốc Phương. Vậy mà hai ông Xường và Định đã làm được và không thua kém bao nhiêu so với hai cự phú hàng đầu.

Theo lời kể lại của nhiều người am tường thuở ấy, sở sĩ Bá hộ Định làm giàu nhanh là do đã sớm đứng ra làm một dịch vụ mà thời sau ông chú Hỏa từng làm, đó là nghề mở tiệm cầm đồ. Nghề này đặc biệt dễ làm giàu, bởi nhiều người dân Sài Gòn vốn dĩ ăn tiêu rất phóng khoáng, có đồng nào xào đồng nấy, hết tiền thì có cái gì trong nhà đem xào cái nấy rồi mua sắm cái khác. Ông Định lại biết bành trướng nghề nghiệp, tổ chức nhiều hiệu cầm đồ ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Của đẻ ra của, triệu phú đã trở thành đại phú chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Ông còn kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vại sợi.

Cũng giống như Bá hộ Xường, sau khi Bá hộ Định mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài hết sạch và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này.

Ngày nay, dân TP.Hồ Chí Minh quá đông đúc, gồm cả những người ở tứ xứ kéo về đây mưu sinh, nên hầu như mọi người đều không biết đến những đại phú gia kể trên. Còn chăng là một vài địa danh như nhà thờ Huyện Sĩ và con đường Tổng đốc Phương nay đã đổi danh thành Châu Văn Liêm.
Trần Vĩnh An