Không thể phủ nhận lợi ích của các thiết bị công nghệ đối với cuộc sống con người. Tuy nhiên, mặt trái của việc lạmm dụng các thiết bị này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, nhất là đối với trẻ em.
Về sức khỏe
Nếu trẻ cứ dán mắt vào màn hình trong nhiều giờ sẽ bị đau đầu, nhức mắt, khó ngủ. Việc ngồi mãi một chỗ với thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ lười vận động, chậm chạp, tăng nguy cơ béo phì.
Về trí não
Trẻ nghiện công nghệ sẽ giảm sức tập trung, mau quên, học kém, rối loạn ngôn ngữ, lười suy nghĩ và bị lệ thuộc vào kiến thức trên Internet.
Về quan hệ xã hội
Trẻ sẽ dần xa lánh người thân, bạn bè, giao tiếp kém và đắm chìm trong thế giới ảo. Đó là chưa kể những mối nguy từ kẻ xấu luôn rình rập trên mạng.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ nghiện công nghệ
Trẻ xao lãng mọi hoạt động khác; cảm thấy bứt rứt buồn chán khi không được xem TV, chơi máy tính; trẻ trở nên giận dữ thậm chí là hung hăng khi bị cấm chơi các trò chơi trực tuyến; lẩn trốn, nói dối bố mẹ để được sử dụng các thiết bị công nghệ.
Để cai nghiện thiết bị công nghệ điều đầu tiên là các bạn nhỏ phải nhận ra được tác hại của chúng và quyết tâm thay đổi. Việc cai nghiện công nghệ không hề dễ dàng nên bạn cần người thân giúp đỡ.
Chúng ta cần giảm thời gian sử dụng đồ công nghệ bằng những bước sau đây:
Bước 1: Cùng bố mẹ lập thời khóa biểu cụ thể quy định thời gian xem TV, chơi máy tính rõ ràng.
Bước 2: Để thiết bị công nghệ càng xa tầm tay càng tốt. Hãy nhờ ba mẹ cài đặt các ứng dụng giới hạn thời gian dùng điện thoại.
Bước 3: Quy định công việc cho từng thiết bị thông minh. Ví dụ: TV chỉ để xem phim hoạt hình, laptop dùng để học tập, đọc sách giấy thay cho sách điện tử.
Bước 4: Hãy cùng bố mẹ tìm những hoạt động thay thế đồ công nghệ như: cùng đi chơi, cùng tập thể thao, họp mặt bạn bè,...
Bước 5: Dùng 1 quyển sổ nhỏ ghi chú lại thời gian dùng đồ công nghệ trong ngày. Sau 1 tuần hay 1 tháng, nếu thời gian này giảm dần đi tức là bạn đã thành công.
Kha Đồng