Say nắng, chảy máu cam, đau ruột thừa là những căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Do đó, người lớn cần phải biết những phương pháp sơ cứu đúng cách.
Say nắng
Say nắng chỉ xảy ra với người hoạt động ngoài trời nắng. Một người bị say nắng thường có những biểu hiện như: sốt cao trên 39,8 độ C, thở nông mạch yếu, đồng tử giãn, mê sảng, co giật, đau đầu, khó thở, da nóng và khô.
Khi gặp một người bị say nắng cần nhanh chóng thực hiện việc sơ cấp cứu như sau:
- Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí
- Sử dụng quạt tốc độ lớn
- Đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân lên cao
- Đắp khăn ướt lạnh vào: nách, bẹn, khuỷu, cổ. Ngâm cả bàn tay và cẳng tay vào nước mát
- Cho uống nước đường nhạt lạnh có pha ít muối
- Nếu sau một giờ, thân nhiệt xuống tới 39 độ C là ổn
Chảy máu cam
Máu cam là máu chảy ra từ mũi, nguyên nhân có thể là do nhiễm nóng/lạnh đột ngột, nhiễm hóa chất, thiếu vitamin C, ngoáy mũi mạnh tay cũng có thể chảy máu cam.
Cách sơ cứu khi trẻ chảy máu cam:
- Để trẻ ngồi thẳng lưng để hạ huyết áp ở các tĩnh mạch mũi hoặc tư thế hơi cúi về phía trước
- Dùng ngón tay cái và trỏ đè vào cánh mũi và vách ngăn, giữ 5 - 7 phút
- Dùng thuốc xịt mũi chống sung huyết chứa oxymetazolin (Afrin, Dristan...) nếu lượng máu chảy nhiều
- Đưa trẻ vào viện nếu xảy ra các tình trạng sau: máu không ngừng chảy sau khi đã sơ cứu; chảy máu mũi nhiều lần trong thời gian ngắn; trẻ có dấu hiệu choáng váng, khó thở, tim đập nhanh và sốt
Đau ruột thừa
Trong cơ thể chúng ta, ruột thừa có cấu tạo là một túi nhỏ nhô ra có hình như con giun của manh tràng, độ dài chỉ khoảng vài centimet. Đau ruột thừa không quá khó để nhận diện, những dấu hiệu để nhận biết đau ruột thừa gồm: đau ở vùng rốn, vùng bên phải bụng dưới, chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt cao.
Khi có triệu chứng đau ruột thừa tuyệt đối không uống hoặc tiêm thuôc giảm đau. Hãy để gia đình đưa đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để chẩn đoán bệnh. Nếu đúng là viêm ruột thừa thì phải phẫu thuật khẩn cấp.
Kha Đồng