Trào lưu "anti vắc-xin" (không tiêm vắc-xin) hiện đang thịnh hành trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn bà mẹ theo dõi, cổ vũ bài trừ vắc-xin mà không lường được hậu quả nặng nề...
Trào lưu anti vắc-xin đã xuất phát từ các nước Âu Mỹ, và gầy đây đã xuất hiện tại Việt Nam
Có thể nói, việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc-xin vào năm 1796 là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi văc xin ra đời, loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.
Theo thống kê của cơ quan y tế, khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Tiêm vắc-xin là việc cần làm nếu cha mẹ muốn con có khả năng chống chọi với những bệnh dịch
Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn, góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vắc-xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24g, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc-xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc-xin.
Chính từ sự thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân về vắc xin, trào lưu anti vắc-xin đã xuất phát từ các nước Âu Mỹ, và gầy đây đã xuất hiện tại Việt Nam. Các nhóm tuyên truyền tẩy chay tiêm vắc-xin tự thành lập trên Facebook, chọn lọc và kiểm duyệt thành viên kỹ càng để họ có thể lan truyền tin giả hoặc chưa kiểm chứng đến đúng đối tượng mà không vấp phải phản ứng. Đáng lo nhất là nhiều người đã đọc và bình luận: Vắc-xin có chất độc, không cần tiêm sởi tự miễn dịch cũng hết, trước nay tin tưởng vắc-xin, giờ mới biết nó nguy hiểm thế, thậm chí nhiều tài khoản còn cho rằng tiêm vắc xin còn có nguy cơ gây chứng tự kỷ cho trẻ.
Thông tin sai lệch về vắc xin được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội
Làn sóng anti vắc-xin lan rộng đã là một trong các nguyên nhân khiến dịch bệnh truyền nhiễm quay trở lại trên toàn cầu. Theo các bác sĩ, thực tế, khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt cả con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh. Bởi chỉ khi tỉ lệ tiêm chủng đạt từ 95% trở lên, nó sẽ tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Tỉ lệ tiêm chủng thấp như hiện nay không đủ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm, do đó khiến dịch bệnh lan rộng ngay khi có trường hợp phát bệnh.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, anti vắc-xin nằm trong top 10 "mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu" năm 2019
Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều về tác hại của việc không tiêm vắc-xin và trào lưu anti vắc-xin, thế nhưng những thông tin nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin vẫn lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội. Mới đây, cộng đồng mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng cho biết, Facebook sẽ ngừng hoạt động tất cả các trang có nội dung tẩy chay vắc-xin, ngăn chặn những nội dung sai sự thật, đồng thời cung cấp thông tin mang tính giáo dục về vắc xin nếu người dùng có nhu cầu tìm kiếm về nó.
Nghiên cứu cho thấy nhiều cha mẹ do dự việc tiêm phòng vắc-xin vì sự an toàn của vắc-xin có thể làm con họ kháng với việc tiêm phòng nhiều hơn
Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của bạn và gia đình. Hãy tỉnh táo trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, một trào lưu nào đó. Bởi rất có thể tính mạng của gia đình bạn, của cả cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào mỗi quyết định của chính bạn!
Anti vắc-xin, chính vì vậy, từ một trào lưu ảo đang trở thành nỗi lo thật của nhiều quốc gia!
Văn Nguyễn