Từ “truyền thống” nhắn tin hàng loạt
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019, trong những ngày giáp Tết và tuần lễ đầu năm mới sắp tới, dự báo chuyện chúc nhau bằng thiệp điện tử trên mạng xã hội chắc sẽ còn phát triển với quy mô và cường độ mạnh hơn!
Ai trong chúng ta cũng biết, hằng năm, ngoài những ngày chung như Tết tây, Tết ta, Giáng sinh, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam v.v…, có người do ngành nghề đặc thù còn có thêm những ngày được nhận lời chúc: thầy thuốc có 27/2, nhà báo có 21/6, nhà giáo có 20/11, bộ đội - cựu chiến binh có 22/12…
Mười mấy năm trước, khi dịch vụ SMS thịnh hành, chúc nhau qua tin nhắn điện thoại rất được ưa chuộng vì có ưu thế (về không gian và thời gian)… Lúc bấy giờ người sử dụng di động - giới bình dân cũng như người giàu có – thích chọn lựa nhắn tin hơn gọi điện chúc Tết. Lý do: đỡ tốn tiền và đỡ phiền người nhận vì tin nhắn không nhất thiết phải đợi “đầu kia” đang mở máy, không buộc “đầu kia” phải trả lời đồng thời như điện thoại. Chúc Tết qua tin nhắn thú vị, tiện lợi và… cũng tăng doanh thu cho nhà cung cấp dịch vụ. Vì thế, mỗi lần Tết đến những nhà cung cấp dịch vụ tung ra nhiều câu chúc mới, thật độc đáo.
Những tin nhắn này nhanh chóng được nhân bản và tạo thành chiến dịch đổ bộ ạt ào vào các máy di động sau Giao thừa, sáng mùng Một và kéo dài cho đến tận mùng Sáu mùng Bảy. Nhiều tin nhắn “trung tính” được sử dụng trong những cái Tết đã qua mà người nhận quá nhàm và chỉ cần liếc sơ để biết ai gửi rồi xóa ngay. Chẳng hạn “Chúc một năm mới vui vẻ, 12 tháng sức khỏe, 52 tuần thành công, 365 ngày hạnh phúc, 8760 giờ tốt lành, 525.600 phút may mắn, 31.536.000 giây như ý…”; “Đong cho đầy hạnh phúc – Gói cho trọn lộc tài – Giữ cho mãi an khang – Thắt cho chặt phú quý…”; hay “Chúc nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc”...
Khi các dịch vụ OTT miễn phí, mạng xã hội (với hình thức phong phú hơn những dòng văn bản của SMS), tin nhắn giờ đây ít được lựa chọn. Nhưng “truyền thống” sao chép tin nhắn chúc tết lại vẫn còn. Internet đã chắp cánh cho nét văn hóa truyền thống nhưng nó cũng làm biến dạng một nghĩa cử đẹp. Vâng, chính chúng ta đang bị làm phiền về chuyện chúc nhau thời kỹ thuật số với những tin nhắn, thiệp chúc, clip chúc được nhân bản như cừu Dolly!
Chúc Tết qua điện thoại là một “nét văn hóa” của thời đại số
Chúc nhau là nghĩ về nhau
Khi Facebook, Zalo, Viber thành kênh giao tiếp phổ biến ở Việt Nam, tin nhắn chúc tết nhanh chóng được thay bằng những tấm thiệp điện tử lung linh với hình ảnh, âm thanh, văn bản, thậm chí giọng nói, video. Và những năm gần đây, những thiệp chúc Giáng Sinh, chúc Tết dương dịch, chúc Tết Nguyên đán, chúc mừng ngày Nhà giáo, Ngày phụ nữ được sáng tạo vô cùng phong phú.
Điều đáng buồn là những tấm thiệp ấy được sao chép bằng một cú click chuột và cứ thế lan truyền. Tôi đã nhiều lần phải bấm “like” như một sự xác nhận rằng đã xem được tấm thiệp của bạn, chứ không phải vì thích. Không ai có thể thích, có thể xúc động khi nhận những lời chúc chung chung dành cho mình.
Công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội không có lỗi, cơ chế gửi thông tin đến nhiều người rất có ích trong truyền thông, học tập, nghiên cứu nhưng không lạm dụng nó để gửi thiệp chúc mừng thoe kiểu “phong trào”! (Hiện trên mạng có dịch vụ làm thiệp online miễn phí để người dùng tự soạn thiệp và gửi cho từng cá nhân).
Những dòng văn bản chúc nhau trên tấm thiệp điện tử trong một sự kiện nào đó vẫn có thể làm xúc động người nhận khi nó thực sự mang cả tấm lòng của người gởi, người chúc. Chỉ có những lời chúc chân thành mới đem lại hạnh phúc thực sự cho người được chúc. Và chỉ có bằng sự quan tâm đến nhau thực sự thì chúc Tết hay chúc nhau các dịp lễ qua tin nhắn, qua mạng xã hội (vì không có cơ hội đến với nhau) mới thật sự là sự kết hợp tuyệt vời giữa một truyền thống quý và điều kiện công nghệ hiện đại.
Tin nhắn SMS, MMS hay các hình thức thiệp điện tử qua email, mạng xã hội nói riêng và các phương tiện liên lạc hiện đại đang làm chúng ta gần nhau hơn, có cơ hội nghĩ về nhau tốt hơn, nhưng… công nghệ cũng làm người ta xa nhau hơn nếu bản thân lời chúc ấy không chứa sức nặng của tình, của nghĩa, của tấm lòng…