Trước thềm năm học mới, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Giáo dục Đào tạo quyết liệt đổi mới phương pháp dạy và học, phát triển giáo dục gắn với khoa học - công nghệ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai trường tại trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3
Theo báo cáo của Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục thành phố là cơ sở vật chất trường lớp trước sức ép gia tăng dân số cơ học. Theo số liệu báo cáo, những năm gần đây, trung bình mỗi năm thành phố xây thêm khoảng 1.500 phòng học mới. Riêng năm học 2019-2020, thành phố đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới với tổng kinh phí gần năm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không giải quyết được vấn đề với số học sinh tăng nhanh qua từng năm với bình quân hơn 60 nghìn học sinh/năm. Áp lực này phần nào ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục để học sinh phát triển toàn diện. Đây là rào cản lớn để thành phố phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao trong thời gian tới.
Trước áp lực này, UBND Thành phố yêu cầu UBND 24 quận, huyện rà soát lại quy hoạch đất, tập trung ưu tiên đất cho giáo dục bảo đảm đủ trường lớp, giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày. Thành phố xác định giáo dục và đào tạo là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, xây dựng hệ thống giáo dục và đạo tạo được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến nhưng vẫn giữ vững được bản sắc dân tộc, đưa thành phố trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao.
Một lớp học thông minh
Để đạt được mục tiêu này, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần tiếp tục đổi mới, tham mưu những đề án, chương trình có tính đột phá, nhất là phát triển giáo dục gắn với khoa học - công nghệ; kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học. Thực hiện có hiệu quả các mô hình “Trường học thông minh”; triển khai hiệu quả các mô hình, giải pháp như: mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, chương trình “Dạy toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt”…
Trước hết, tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng; có trình độ ngoại ngữ và tin học bảo đảm khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin khi thực hiện công tác giảng dạy và tiếp cận với các tri thức mới, giao lưu, hội nhập với thế giới.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nâng cao đạo đức nhà giáo. Các giáo viên ngoài giỏi chuyên môn còn có hiểu biết xã hội sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo.
Giáo viên ngoại ngữ sử dụng máy chiếu để giảng dạy
Tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông; đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, trình độ chuyên môn cao có thể tiến hành quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng thông qua trung tâm điều hành một cách hiệu quả. Có khoảng 10% giáo viên dưới 30 tuổi có thể giảng dạy được các môn bằng song ngữ Anh - Việt. Đẩy mạnh chính sách ưu tiên đặc thù trong việc tuyển chọn bổ sung cán bộ, giáo viên giỏi chuyên môn và thành thạo tiếng Anh làm công tác giảng dạy và quản lý các cơ sở giáo dục…
Các nhà trường trên địa bàn thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ (nhất là Tiếng Anh) và Tin học, các mô hình “Trường học thông minh”, tập trung mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế, thích ứng tốt với hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học, quản lý giáo dục; xây dựng kho tài nguyên học liệu mở, hình thành mạng xã hội học tập trực tuyến, chia sẻ nguồn tư liệu học tập, phục vụ nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của học sinh và nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Một lớp học công nghệ thông tin dành cho các em học sinh
Từng bước tạo điều kiện cho học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong trường, có thể học mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, bảo đảm phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện trên cơ sở triển khai quả các mô hình, giải pháp đổi mới của Ngành. Tiếp tục quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, tinh thần yêu nước, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Chú trọng xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc và ý chí khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; nâng cao khả năng thực hành của học sinh, sinh viên.
Phấn đấu đến năm 2030, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố. Có ít nhất 20% số trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, nhất là các hoạt động tập thể, ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Mỗi học sinh đam mê ít nhất một môn thể thao, có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Học sinh thành phố có chiều cao và thể lực trong tốp đầu của cả nước, đạt và vượt mức chiều cao trung bình ở mức khá của các nước Đông - Nam Á.
Văn Nguyễn