Kể từ học kỳ 2 năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ triển khai đại trà lớp học số để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, trò chuyện cùng các em học sinh Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ trong buổi trao lớp học số. Ảnh: HỒNG THẮM
Đoàn công tác Thành ủy TP.HCM do Phó Bí thư thường trực Nguyễn Hồ Hải làm trưởng đoàn đã tham dự lễ bàn giao hai lớp học số tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
Ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, cho biết trường có 261 học sinh (HS). Do đặc thù về địa lý, nhiều năm liền, các vị trí tuyển dụng giáo viên (GV) thường xuyên bị bỏ trống, một số GV mong muốn xin chuyển công tác về đất liền.
“Hiện trường chỉ có một GV tiếng Anh, còn thiếu một GV theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong khi đó, một GV tin học có mong muốn xin chuyển công tác về đất liền. Các môn mỹ thuật, âm nhạc chưa có GV dạy chính” - ông Bình nói.
Năm học 2022-2023, nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân lực, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số TP triển khai thí điểm mô hình lớp học số. Theo đó, HS các khối 4, 5 tại trường sẽ được học tiếng Anh và tin học với một GV dạy qua màn hình và GV trợ giảng.
Với 62 tiết giảng dạy, sau khi triển khai, mô hình lớp học số đã đạt được một số kết quả khả thi. Theo ông Bình, mô hình này cơ bản giải quyết trước mắt tình trạng thiếu nhân lực GV tại trường. Tuy học qua màn hình nhưng có trợ giảng hỗ trợ nên đa số các em HS đều hiểu bài và rất có hứng thú với lớp học.
Theo Sở GD&ĐT, mô hình lớp học số khi thực hiện phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền. Khi tổ chức lớp học số phải phân công GV phụ trách lớp học tại các điểm cầu để quản lý lớp học và hỗ trợ HS học tập. Các trường tổ chức lớp học số phải đảm bảo HS vừa được học trực tuyến vừa được học trực tiếp, luân phiên, không cố định thường xuyên một hình thức.
Hiện tại sau thí điểm, mô hình lớp học số đã đạt được kết quả tích cực. Do đó, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục phối hợp với Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số TP triển khai, mở rộng mô hình lớp học số tại Trường Tiểu học Thạnh An.
Theo đó, sở đã phối hợp với các đơn vị tài trợ trao số tiền 580 triệu đồng cho trường để hoàn tất việc mua sắm thiết bị, vật chất, phục vụ lớp học số.
Mở rộng triển khai lớp học số
Cùng với Trường Tiểu học Thạnh An, Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi cũng tổ chức thí điểm lớp học số với môn tin học và tiếng Anh cho sáu lớp của khối 4, 5 vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần.
Ông Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mô hình lớp học số thực hiện tại trường đến hết năm học 2022-2023. Bước sang năm học 2023-2024, trong học kỳ 1, Sở GD&ĐT tiến hành rà soát việc triển khai mô hình này về cơ sở vật chất tại trường nên tạm dừng.
Trong thời gian trên, để đáp ứng chương trình, trường phải hợp đồng với GV ngoài gồm một GV tin học và một GV tiếng Anh.
Việc thuê GV ngoài, trường phải mất thêm một khoản kinh phí không nhỏ. Bên cạnh đó, kế hoạch giảng dạy của trường bị động do phụ thuộc vào GV thỉnh giảng. Trong khi đó, vấn đề này sẽ được giải quyết khi tổ chức lớp học số. Mặt khác, GV dạy lớp học số được Sở GD&ĐT tuyển chọn có phương pháp dạy hiện đại, sáng tạo khiến HS thích thú. “Do đó, theo kế hoạch của sở, lớp học số sẽ tiếp tục được thực hiện tại trường trong thời gian tới” - ông Tới nói.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức thí điểm lớp học số tại hai trường tiểu học ở Củ Chi và Cần Giờ. Tổng số tiết được triển khai với lớp học số ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng là 62 tiết ở mỗi môn và 42 tiết tiếng Anh khối 4, 5 ở Trường Tiểu học Thạnh An.
Sau một thời gian thực hiện, đầu năm học 2023-2024, sau khi rà soát, mô hình lớp học số tại Trường Tiểu học Thạnh An tiếp tục được triển khai. Còn lớp học số tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng cần có sự nâng cấp phòng máy, đường truyền nên tạm ngưng.
“Bắt đầu từ học kỳ 2, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng lớp học số ở tất cả các quận, huyện, thêm nhiều bộ môn khác như âm nhạc, mỹ thuật. Mục tiêu đảm bảo 100% các HS lớp 3 và lớp 4 của trường được học các môn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” - bà Thúy nói.
Việc triển khai sẽ thực hiện theo hướng trường hỗ trợ trường. Cụ thể, đối với các môn học thiếu GV nếu không thể tuyển dụng, từ lớp học số này sẽ trực tuyến hỗ trợ kết hợp các lớp khác dạy song song. Trong trường hợp trường không thể thực hiện, phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ phối hợp liên trường với nhau để triển khai trực tuyến từ trường này qua trường kia.