TP.HCM đang xây dựng dữ liệu người dân, phát triển đột phá kinh tế số

Xác định công nghệ số và dữ liệu số là những công cụ phát triển đột phá kinh tế số, TP.HCM đang tích cực xây dựng nhiều nhóm dữ liệu về người dân, tài chính, doanh nghiệp, đô thị…

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023 với chủ đề "Công nghệ nâng tầm cuộc sống 2023".

Tập trung xây dựng dữ liệu người dân, tài chính, doanh nghiệp…

Chia sẻ về chiến lược của thành phố nhằm chuẩn bị nền tảng phát triển đột phá kinh tế số, bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết từ năm 2018, kiến trúc chính quyền điện tử thành phố đã xác định "Tận khai thác dữ liệu" là nhiệm vụ trọng tâm và kho dữ liệu dùng chung như giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng về kiến trúc mục tiêu đến năm 2025.

Theo bà Trinh, thành phố hiện đang tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: nhóm dữ liệu về người dân; nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp; nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị, đồng thời mở rộng xây dựng hạ tầng số và tăng cường an toàn thông tin…

Về việc xây dựng hạ tầng dữ liệu, bà cho biết thành phố đã chuyển hạ tầng xử lý đơn vị về quản lý tập trung trên nền tảng đám mây. Hiện nay trung tâm dữ liệu chính quyền điện tử TP.HCM có trên 1.000 máy chủ. Mạng đô thị băng thông rộng Metronet dùng riêng cho cơ quan nhà nước TP.HCM có trên 800 điểm kết nối…

Về hạ tầng công nghệ thông tin tại các quận, huyện, sở, ban, ngành, hiện nay 100% cán bộ công chức có máy tính; 100% cơ quan có Internet và mạng LAN; hệ thống hội nghị trực tuyến… TP.HCM cũng đã xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng hoạt động 24/7.

Theo bà Trinh, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian và tình hình thực tế. Do đó, bà Trinh cho rằng: "Phải thành lập cơ quan chủ trì để thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp số cho thành phố nhằm cải thiện việc tích hợp và thiết kế các dịch vụ số dùng chung cho toàn thành phố".

Chuyển đổi số không để ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu tại hội thảo khai mạc với chủ đề "Công nghệ số và Dữ liệu số - công cụ đột phá kinh tế số TP.HCM", ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng: "TP.HCM có trách nhiệm thúc đẩy áp dụng công nghệ một cách thông minh, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, đảm bảo với ứng dụng công nghệ thành phố phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Công nghệ thuộc về thế hệ trẻ, ông Đức chia sẻ: "Thành phố mong muốn càng nhiều người trẻ tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, áp dụng các giải pháp thông minh cho xã hội phát triển".

"Mọi việc dựa trên nền tảng góp gió thành bão để tạo động lực lớn cho phát triển thành phố. Chuyển đổi số là lâu dài, của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của người đứng đầu. Tất cả thành phần, vai trò người dân là hết sức quan trọng. Tất cả cùng đồng lòng để biến TP.HCM thành thành phố thông minh", ông phát biểu.

TP.HCM đặt tầm nhìn đến năm 2030 trở thành "đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số".

Theo ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, hội nghị năm nay có quy mô lớn hơn và nội dung đa dạng hơn so với năm trước. Số doanh nghiệp tham gia nhiều gấp 3 lần, số gian hàng nhiều gấp 4 lần và số hội thảo tăng gấp 3 lần so với năm 2022. Hoạt động triển lãm được trải đều trên 3 trụ cột Chính quyền số - Kinh tế số và Xã hội số.

Nội dung của hội nghị, hội thảo được mở rộng hơn và hướng đến phục vụ cho người dân nhiều hơn như các chuyên đề: quản trị doanh nghiệp thông minh, nhà thông minh - di chuyển thông minh, giáo dục trong môi trường số, logistics, công nghệ chăm sóc sức khỏe.

Sỹ Thành (Tổng hợp)